Lực lượng "chưa từng tồn tại" Mỹ dội 112.000 quả bom xuống Syria
Tờ New York Times tiết lộ, Một lực lượng Mỹ bí mật chỉ gồm khoảng 20 người, “chưa từng tồn tại trong các hồ sơ quân sự”, nhưng chịu trách nhiệm ném cả trăm ngàn quả bom và tên lửa xuống lãnh thổ Syria và Iraq trong vòng 5 năm.
Lực lượng bí mật được gọi là Talon Anvil, là một nhóm khoảng 20 người làm việc luân phiên 3 ca trong 24 giờ.
Lực lượng này được giao nhiệm vụ điều khiển máy bay không người lái vũ trang tấn công các mục tiêu khủng bố IS ở Iraq và Syria, trong giai đoạn từ năm 2014-2019.
Năm 2014 là thời điểm khủng bố IS trỗi dậy, chiếm một khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria, khiến cộng đồng quốc tế hành động.
Điều khiến giới chức tình báo và quân đội Mỹ báo động là lực lượng Talon Anvil gây thương vong gây thương vong cho dân thường nhiều bất thường, gấp 10 lần ở Syria so với các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Afghanistan.
Rất nhiều trường hợp dân thường ẩn náu trong các tòa nhà, nông dân ra ngoài làm đồng, trẻ em đi bộ trên phố bị lực lượng này tấn công không lý do.
“Họ làm việc rất hiệu quả, năng lực rất tốt”, một sĩ quan không quân Mỹ từng tham gia vào các hoạt động không kích của Talon Anvil, từ năm 2016-2018, nói. “Nhưng họ cũng gây ra không ít vụ không kích tồi”.
Một sĩ quan tình báo Mỹ nói về cảm giác căng thẳng khi làm việc cùng lực lượng bí mật này. Năm 2016, lực lượng này bấm nút phóng tên lửa tiêu diệt 3 người đàn ông đang thu hoạch ôliu ở ngoại ô thành phố Manbij, Iraq. Không hề có dấu hiệu cho thấy những người này mang vũ khí.
Tháng 3.2017, lực lượng này thả bom nặng hơn 200kg vào căn nhà ở thị trấn Karama, Syria, nơi có hơn 50 người đang trú ẩn, khiến 23 người chết và hơn 30 người khác bị thương.
Theo một sĩ quan tình báo Mỹ, lực lượng này khi đó nói: “Tất cả dân thường đã sơ tán. Ai còn ở lại đều là kẻ thù. Có rất nhiều mục tiêu cần tiêu diệt ngày hôm nay”.
Các tên lửa đối đất, bom dẫn đường bằng laser đều luôn sẵn sàng khai hỏa mỗi khi lực lượng này ấn nút trên cần điều khiển từ trung tâm chỉ huy.
Trong giai đoạn 5 năm, lực lượng bí mật trên đã trực tiếp “ném” 112.000 quả bom và tên lửa vào các mục tiêu ở Iraq và Syria, thông qua máy bay không người lái.
“Thương vong đối với dân thường ở Syria cao đáng kể trong quãng thời gian Talon Avil hoạt động”, Larry Lewis, cựu cố vấn Lầu Năm Góc, nói. “Mức độ thương vong như vậy cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của một lực lượng Mỹ. Điều khiến tôi lo ngại là mức độ thương vong ngày càng tăng theo năm”.
Một cựu thành viên của Talon Anvil cho biết, hầu hết các đợt không kích của nhóm đều nhằm vào kẻ thù. Người này nói cả nhóm đều là các biệt kích tinh nhuệ, chịu áp lực rất lớn vì không có nhiều thời gian để xác định mục tiêu cần tiêu diệt hay không.
Căn cứ quân sự Mỹ ở Syria bị tấn công
Căn cứ quân sự Mỹ ở Syria bị tấn công vào tối 13/12/2021, với 4 tiếng nổ phát ra từ căn cứ này.
Hãng Sputnik dẫn lời người dân địa phương cho biết, họ đã nhìn thấy những đám khói bốc lên từ căn cứ quân sự Mỹ gần mỏ dầu Omar ở tỉnh Deir-ez-Zor, miền Đông Syria.
Một số máy bay không người lái đã được triển khai từ căn cứ Mỹ ngay sau cuộc tấn công. Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại đối với căn cứ hoặc thương vong do các cuộc tấn công gây ra, vì Mỹ chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Căn cứ quân sự Mỹ ở Syria bị tấn công cùng ngày diễn ra 1 cuộc đột kích ở thị trấn Al-Busayrah gần đó, được cho là do quân đội Mỹ hoặc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thực hiện. SDF là 1 nhóm dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát khu vực không có sự hiện diện của chính quyền Syria.
Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, binh sĩ Mỹ được cho là đã đột kích thị trấn nêu trên lúc rạng sáng 13-12, nã đạn vào một số ngôi nhà và giết chết ít nhất 4 người. Họ cũng bắt một số người và đưa đến địa điểm bí mật. Tuy nhiên, tờ Al Jazeera có trụ sở tại Qatar lại cho biết, chính lực lượng SDF đã thực hiện cuộc đột kích trên.
Quân đội Mỹ hiện diện ở miền Đông Syria mà không nhận được sự cho phép từ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mỹ đưa quân vào quốc gia Trung Đông này năm 2017 với lý do chống lại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khoảng 900 binh sĩ Mỹ vẫn ở lại miền Đông Syria sau khi tuyên bố đánh bại nhóm khủng bố, nhằm hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd.
Hoa Vũ (T/h)