Theo thông tin từ báo Dân trí, trong cuộc điện đàm hôm 2/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với Thủ tướng Anh Rishi Sunak rằng Nga đã phóng ít nhất 500 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine trong 5 ngày qua.
Ông Zelensky đã thông báo ngắn gọn cho ông Sunak về các cuộc tấn công quy mô lớn gần đây của Nga và bày tỏ sự cảm kích đối với những nỗ lực "đáng kể và toàn diện" của Anh nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về hợp tác quốc phòng, đặc biệt nhấn mạnh vào "năng lực vũ khí phòng không và tầm xa" cũng như tiến triển trong thỏa thuận song phương về các cam kết an ninh của Anh.
Trong bài phát biểu trực tuyến vào tối 2/1, Tổng thống Zelensky cũng xác nhận Nga đã triển khai gần 300 tên lửa và hơn 200 máy bay không người lái trong các cuộc tấn công vào Ukraine trong 3 ngày qua. Ông cho biết các cuộc tấn công mới nhất của Nga nhằm gây ra sự tàn phá tối đa cho Ukraine.
"Quỹ đạo (tấn công) đã được đối phương tính toán đặc biệt để gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể. Chưa có quốc gia nào đẩy lùi được các cuộc tấn công tương tự bằng máy bay không người lái và tên lửa kết hợp, kể cả tên lửa đạn đạo", ông Zelensky nói.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny cho biết, Nga đã phóng ít nhất 99 tên lửa các loại nhằm vào Ukraine đêm 1/1, rạng sáng 2/1. Trong số này có 10 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, 70 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555/Kh-55, 3 tên lửa hành trình Kalibr.
Ông Zaluzhny thông tin thêm rằng các đường ống dẫn khí đốt đã bị hư hại ở quận Pecherskyi của Kiev, điện và nước đã bị cắt ở một số quận. Thị trưởng Ihor Terekhov xác nhận nguồn cung cấp nước và sưởi ấm ở Kharkov đã bị hư hại sau các trận tập kích của Nga. "Không có lý do gì để tin rằng đối phương sẽ dừng lại ở đây. Vì vậy, chúng ta cần thêm hệ thống vũ khí và đạn dược", ông kêu gọi.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã sử dụng vũ khí chính xác tầm xa và UAV để tấn công các hạ tầng công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ngoài ra, đợt tấn công cũng nhằm phá hủy các kho tên lửa, đạn dược, bao gồm cả vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu săn mìn Anh đến Ukraine
"Các đồng minh liên quan đã được thông báo rằng hai tàu săn mìn do Anh hỗ trợ cho Ukraine không được phép đi qua eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến sự vẫn tiếp diễn",VnExpress dẫn thông tin từ văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngày 2/1, nhắc đến eo Bosphorus và eo Dardenelles.
Khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt Công ước Montreux năm 1936. Công ước cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo Bosphorus và Dardanelles, chặn tàu quân sự của các bên tham chiến di chuyển qua. Công ước miễn trừ với tàu quân sự trở về căn cứ.
Ankara khi đó cũng cảnh báo các quốc gia không giáp Biển Đen về việc điều tàu chiến qua eo Bosphorus và Dardanelles. Theo công ước, tàu chiến bên không liên quan vẫn có thể đi qua hai eo biển khi có chiến sự. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ra quyết định cuối cùng, nếu cảm thấy họ có nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến. Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi Công ước Montreux khách quan và cẩn thận để ngăn tình hình Biển Đen leo thang, theo văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Động thái diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng Anh tháng trước thông báo sẽ chuyển cho Ukraine hai tàu săn mìn thuộc lớp Sandown mà Kiev đặt mua nhằm giúp quân đội nước này tăng cường năng lực trên biển. Hai tàu săn mìn nói trên hạ thủy năm 1998 và 2001, hải quân Anh loại biên chúng năm 2022 trước khi nước này bán cho Ukraine.
Tàu săn mìn làm nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện và phá hủy từng quả thủy lôi. Nhiệm vụ này khác với tàu quét mìn là phá hủy toàn bộ thủy lôi ở một khu vực, không tìm kiếm chúng. Phương tiện đảm nhận cả hai nhiệm vụ này được gọi là tàu chống mìn.
Anh đã viện trợ quân sự khoảng 5,77 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát. Quân đội Anh đã huấn luyện hơn 52.000 binh sĩ Ukraine kể từ năm 2014. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine.
Phương Uyên (T/h)