Mỹ nêu điều kiện để Ukraine gia nhập NATO
Theo hãng tin RT, trong tuyên bố hôm 17/6, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden tin rằng NATO là tương lai của Ukraine, nhưng còn “rất nhiều việc phải làm” trước khi Kiev có thể gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Khi một nhà báo yêu cầu ông giải thích thêm về các điều kiện và con đường để Ukraine gia nhập NATO, ông Kirby khẳng định quan điểm của Washington là “hoàn toàn rõ ràng”.
“Đầu tiên là họ phải chiến thắng cuộc xung đột này. Trước tiên, họ cần phải thắng trong cuộc chiến. Do đó, điều số 1 là chúng tôi đang làm mọi thứ để đảm bảo họ có thể đạt được điều đó. Sau đó, khi xung đột kết thúc, dù thế nào đi chăng nữa, họ vẫn sẽ có đường biên giới dài với Nga, cùng mối đe dọa an ninh”, ông Kirby nói.
Cũng theo ông Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nước này sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine, nhưng “vấn nạn tham nhũng vẫn là mối lo lớn”. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần khẳng định việc NATO mở rộng hoạt động về phía biên giới Nga là mối đe dọa hiện hữu.
Tổng thống Vladimir Putin cũng từng nhiều mục tiêu của Kiev gia nhập NATO là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nga cho rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đã khiến các nước này trở thành một bên tham gia xung đột. Điện Kremlin nhấn mạnh, việc NATO tham gia sâu hơn vào xung đột ở Ukraine có nguy cơ dẫn tới xung đột trực tiếp giữa Moscow và NATO, cũng như làm tăng nguy cơ biến thành xung đột hạt nhân.
Ả Rập Xê Út đế xuất giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine
Phát biểu tại hội nghị hòa bình Ukraine ở khu nghỉ dưỡng Burgenstock của Thụy Sĩ hôm 16/6, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud nhắc lại cam kết của Ả Rập Xê Út trong việc "hỗ trợ mọi nỗ lực nhằm chấm dứt" cuộc giao tranh giữa Moscow và Kiev, đồng thời "đạt được hòa bình, an ninh bền vững và công bằng".
Ông lưu ý rằng bất kỳ bước tiến có ý nghĩa nào nhằm chấm dứt xung đột Ukraine "sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp khó khăn" giữa các bên. "Điều cần thiết phải nhấn mạnh là bất kỳ tiến trình đáng tin cậy nào cũng cần có sự tham gia của Nga", ngoại trưởng Ả Rập Xê Út nhấn mạnh.
Ông Faisal cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "giải quyết các khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại", thể hiện sự sẵn sàng của Ả Rập Xê Út trong việc "hòa giải và đưa cuộc xung đột đến gần hơn với một giải pháp".
Điện Kremlin hôm 17/6 cho biết hội nghị do Thụy Sĩ tổ chức về Ukraine mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức đàm phán mà không có Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng kết quả của hội nghị "gần bằng 0".
Ông Peskov cho biết Nga vẫn sẵn sàng đối thoại với tất cả các quốc gia có ý định đối thoại và sẽ tiếp tục truyền đạt quan điểm của mình tới các quốc gia này. Trước đó, phát biểu khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh hòa bình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nếu Moscow rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine.
Kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh, 80 trong số hơn 90 quốc gia đã ký vào tuyên bố chung kêu gọi các bên đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua giữa Nga và Ukraine. Theo hãng tin RIA của Nga, 12 quốc gia và tổ chức tham dự hội nghị đã từ chối ký vào thông cáo chung sau hội nghị.
Trong số các nước này có Ấn Độ, Brazil, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Hội nghị chủ yếu dựa trên "công thức hòa bình" 10 điểm do nhà lãnh đạo Ukraine đề xuất, điều mà Moscow đã kiên quyết bác bỏ.