Ukraine chật vật đối phó chiến thuật UAV mới của Nga
Ukrainska Pravda dẫn lời phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat cho biết lực lượng Nga hiện đang triển khai hầu hết các máy bay không người lái (UAV) ở khu vực tiền tuyến, gây khó khăn cho quân đội Ukraine trong chiến đấu.
Ông Ignat lưu ý, Nga đã phóng ra 49 UAV Shahed vào các mục tiêu của Ukraine vào đêm ngày 30 và rạng sáng ngày 31/12 (theo giờ địa phương) từ 3 hướng gồm Cape Chauda thuộc bán đảo Crimea, quận Primorsko-Akhtarsky và tỉnh Kursk của Nga. Trong đó, phòng không Ukraine bắn rơi 21 chiếc - thấp hơn hẳn so với những vụ đánh chặn khác.
"Phần lớn các máy bay không người lái tấn công này nhắm vào tuyến phòng thủ cũng như các khu vực tiền tuyến ở các tỉnh như Mykolaiv, Kherson, Kharkiv và Zaporizhzhia. Đây không phải là lần đầu tiên đối phương sử dụng UAV Shahed như thế này. Đây là một sự thay đổi trong chiến lược tấn công”, ông Ignat nói.
Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ukraine giải thích thêm rằng, các UAV Shahed của Nga hiện không đi sâu vào trong lãnh thổ Ukraine như những cuộc tập kích trước mà sẽ bay vòng quanh tiền tuyến, gây khó khăn cho lực lượng phòng không trong viện bắn hạ chúng.
“Máy bay chiến đấu đuổi theo UAV Shahed của Nga, có thể phải bay vòng quanh chúng 5 lần mà vẫn không tiêu diệt được một chiếc nào. Đây là mục tiêu đầy thách thức đối với các máy bay tiêm kích cũ thời Liên Xô của chúng tôi”, ông Ignat chia sẻ đồng thời nhấn mạnh đây chính là lý do khiến Ukraine mong nhận được tiêm kích F-16 từ phương Tây sớm nhất có thể.
Kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây nhanh chóng cung cấp tiêm kích F-16 và lập luận rằng những chiến đấu cơ này cùng với tên lửa tầm xa có thể giúp nước này giành chiến thằng trước Nga. Giới phân tích gần gây cũng nhận định rằng, Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất ưu tế trên không nếu Ukraine đưa tiêm kích F-16 nhận được từ phương Tây vào chiến đấu.
Tấn công lớn chưa từng có vào Ukraine, Nga thiệt hại 1,2 tỷ USD
Newsweek đưa tin, Ekonomichna Pravd - một cơ quan chuyên về kinh tế của Ukraine dựa trên dữ liệu từ Forbes cho biết, Nga đã chi khoảng 1,17 tỷ USD cho riêng 90 tên lửa tên lửa tầm xa Kh-101 sử dụng trong cuộc không kích nhằm vào Ukraine hôm 29/12.
Ngoài ra, Nga cũng được cho là đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47, tên lửa hành trình Kh-22/Kh-3, tên lửa đạn đạo S-300/S-400/Iskander-M, tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa Kh-59 và 36 máy bay không người lái Shahed-136/131. Theo Ekonomichna Pravda, tổng chi phí cho cuộc tấn công mà Nga phải gánh chịu lên tới là 1,273 tỷ USD.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cũng báo cáo rằng tên lửa hành trình Kh-101 của Nga có giá ước tính khoảng 13 triệu USD cho mỗi tên lửa. “Các lực lượng Nga dường như đang sử dụng số lượng lớn hơn các tên lửa hành trình Kh-101 đắt tiền hơn để áp đảo hệ thống phòng không Ukraine và tăng cơ hội tấn công các mục tiêu ở Ukraine với số lượng nhỏ hơn các biến thể tên lửa giá rẻ”, ISW nêu rõ.
Sau cuộc tấn công lớn hôm 29/12, phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat cũng thừa nhận phòng không nước này cho đến nay vẫn không thể bắn hạ bất kỳ tên lửa hành trình siêu thanh Kh-22 hoặc Kh-32 do quân đội Nga phóng trong các cuộc không kích.
Kể từ chiến sự giữa hai bên nổ ra vào tháng 2/2022, quân đội Nga đã phóng 300 tên Kh-22 và Kh-32 nhằm vào các mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine. Song, các hệ thống phòng không của Ukraine chưa thể đánh chặn được bất kỳ tên lửa nào trong số chúng.
Ông Ignat giải thích rằng tên lửa Nga có thể di chuyển với tốc độ 4.000 km/h và đi theo quỹ đạo đạn đạo. Vì vậy, để có thể thành công đánh chặn chúng, quân đội Ukraine cần có đủ các “thiết bị đặc biệt” chẳng hạn như hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
Phương Uyên (Theo Newsweek và Pravda)