Phát hiện thi thể bốc mùi trong căn nhà khóa trái
Vụ việc được phát hiện vào khoảng sáng 8/7, tại xã Tân Phú (Tân Kỳ, Nghệ An).
Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên, người dân địa phương phát hiện mùi hôi bất thường bốc ra từ nhà ông Nguyễn Ngọc C. (SN 1970), trú tại địa phương nên lập tức báo cho cơ quan chức năng.
Khi lực lượng công an cùng người dân phá khóa cửa vào nhà, ông C. đã tử vong trong tư thế ngồi cạnh giường ngủ. Thi thể đã bốc mùi.
Đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên vẹn, không thấy dấu hiệu của một vụ cướp tài sản.
Được biết, nạn nhân ở một mình, hay uống rượu. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Bình Thuận: Phát hiện thi thể cô gái 22 tuổi trên sông
Công an thị xã La Gi (Bình Thuận) đang điều tra nguyên nhân cái chết của người phụ nữ được phát hiện trên sông Dinh (thuộc khu phố 4, phường Phước Hội, thị xã La Gi).
Theo thông tin ban đầu, sáng ngày 8/7, người dân phát hiện thi thể nữ giới trôi trên sông nên báo với cơ quan chức năng.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, đưa thi thể vào bờ. Công an cũng xác định nạn nhân tên C.N.H.T (SN 1999, trú phường Bình Tân, thị xã La Gi).
Người dân địa phương cho biết, trước đó, ngày 7/7, một số người phát hiện túi xách và điện thoại của chị T. để trên cầu Tân Lý, thuộc địa bàn phường Phước Hội, thị xã La Gi.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Nghệ An: Rắn độc chui vào chăn, cắn chết người
Ngày 8/7, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ rắn độc cắn chết người.
Theo đó, vào khoảng 2h ngày 3/7, chị N.T.L. (SN 2000), trú ở làng Yên Phú, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn đang ngủ tại phòng trên tầng 2 nhà mình thì thấy lạnh. Chị kéo chăn lên đắp thì bất ngờ bị con rắn cạp nia ở trong chăn chui ra cắn vào cổ. Hoảng sợ, chị L. kéo con rắn ra thì tiếp tục bị rắn cắn vào tay.
Phát hiện sự việc, người thân đã nhanh chóng đưa chị L. đến bệnh viện cấp cứu. Theo báo Nghệ An, do vết thương quá nặng, chị L. được chuyển xuống bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Mặc dù được các bác sĩ tích cực điều trị, tuy nhiên, 5 ngày sau chị L. tử vong.
TP. HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về từ 0h ngày 9/7
Ngày 8/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0h ngày 9/7.
Cụ thể, UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần của Chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 9/7 theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố, tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố, tổ nhân dân; khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp; xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn; quận, huyện và thành phố Thủ Đức cách ly với quận, huyện và thành phố Thủ Đức…
Chủ tịch TP yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức quán triệt nghiêm nguyên tắc trên trong việc cách ly xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện triệt để đối với từng địa bàn, khu vực quản lý. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch để đạt kết quả cao nhất. Các biện pháp phải triệt để nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Các địa phương tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.
Trong thời gian giãn cách xã hội, tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục.
TP.HCM cũng tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày từ 0h 9/7.
Các lĩnh vực được tiếp tục hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu...); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chức, luật sư, đăng kiểm, đưang ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch.
Các cơ quan, đơn vị Nhà nước được yêu cầu làm việc tại nhà, trừ trường hợp thật sự cần thiết như: Chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu. Toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan, công sở được yêu cầu dừng toàn bộ, ngoại trừ họp chống dịch hoặc để xử lý vấn đề cấp bách. Khi tổ chức phải đảm bảo không tập trung quá 10 người.
Bạch Hiền (t/h)