Hà Nội lập 39 chốt kiểm soát ra, vào vùng đỏ từ 4/9
Theo Công an TP.Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của TP về kiểm soát, phong tỏa "triệt để" phương tiện, người dân từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài giữa các vùng, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo, Công an TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức chốt trực, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào phân vùng 1.
Mục đích là kiểm soát chặt tất cả người và phương tiện được vào, ra phân vùng 1; bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn, phân luồng giao thông.
Tại các chốt này, tổ công tác dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển hàng hoá thiết yếu; có thể xét nghiệm nhanh COVID-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết.
Kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1. Kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.
Lực lượng tại chốt kiểm soát đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch, đeo khẩu trang, kính che giọt bắn, các thiết bị, công cụ hỗ trợ, loa pin để sử dụng khi cần thiết.
21 chốt trực loại 1 của TP đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao do UBND TP quản lý, Công an TP.Hà Nội chủ trì thực hiện, các đơn vị phối hợp Sở Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Thủ đô và sở Y tế.
Tổng số ca trực 24/24h, chia làm 4 ca trực, mỗi ca 6 tiếng. Trong đó, Công an TP.Hà Nội 10 cán bộ, chiến sĩ; 2 cán bộ sở GTVT; 2 cán bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô và sở Y tế 2 cán bộ. Tổng số 16 cán bộ/ chốt.
9 chốt trực do UBND quận, huyện quản lý đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình (chốt loại 2). Đơn vị chủ trì thực hiện Công an quận, huyện, tổng số ca trực 24/24h, chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng.
Thành phần 5 cán bộ chiến sĩ Công an quận, huyện; 1 cán bộ Thanh tra giao thông; 1 cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện; 1 cán bộ y tế và 1 cán bộ chính quyền địa phương.
Đối với 9 chốt loại 3 do UBND xã, phường, thị trấn quản lý và công an xã, phường, thị trấn chủ trì thực hiện, tổng số ca trực 24/24h, chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng.
Thành phần tham gia 1 cán bộ công an xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ công an quận, huyện tăng cường; 1 cán bộ tự quản; 1 cán bộ y tế; 1 cán bộ chính quyền địa phương.
Hải Dương: Tổ chức câu cá, chủ hồ bị phạt 15 triệu đồng
Mới đây, UBND TP.Hải Dương (Hải Dương) đã quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với chủ hồ câu là anh Nguyễn Đình Dương (SN 1986) do vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó khoảng 14h ngày 31/8, cơ quan chức năng TP.Hải Dương phát hiện tại hồ câu 87 HD (địa chỉ tại phường Bình Hàn, TP.Hải Dương) đang tổ chức cho khách đến câu cá và thu tiền. Tại thời điểm phát hiện, có 22 khách đang câu cá.
Theo UBND TP.Hải Dương, chủ hồ câu đã không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng,
Ngày 1/9, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Dương Đặng Thu Hà đã ký quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối chủ hồ câu 87 do vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản và yêu cầu ông Dương cam kết không tái phạm.
Được biết, cách đây ít hôm, hồ câu này đã bị phạt hành chính cùng lý do trên.
An Giang: Người đàn ông tấn công trung úy công an, không cho lấy mẫu xét nghiệm
Chiều 3/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho biết, đơn vị này đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hoàng Suốt (SN 1988, cư trú ấp An Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Trước đó, khoảng 16h ngày 1/9, Tổ Y tế lấy mẫu xét nghiệm dịch COVID-19 xã Khánh An đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực tổ 07, ấp An Hòa, xã Khánh An.
Tuy nhiên, đối tượng Suốt không đồng ý để tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm, mà có ý kiến “phải được tiêm ngừa vaccine Pfizer trước hoặc sau khi test thì mới cho lấy mẫu xét nghiệm”. Mặc dù Tổ Y tế nhiều lần giải thích nhưng Suốt vẫn không chấp nhận.
Sau đó, một công an viên của xã tiếp tục giải thích và yêu cầu lấy mẫu, Suốt liền lấy dao trong nhà, cầm rượt đuổi chém người này.
Ngay lập tức, Trung úy Phan Hùng Quốc cùng một số chiến sĩ khác khống chế Suốt, nhưng bị Suốt chém một nhát trúng tay Trung úy Quốc, rách một đoạn dài khoảng 3,5cm.
Lực lượng công an xã đã khống chế, đưa Suốt về trụ sở làm việc đồng thời báo cáo cơ quan CSĐT Công an huyện An Phú để xử lý theo thẩm quyền.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện An Phú điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.
Quảng Ninh: Bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm sau 37 năm lẩn trốn
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt sau 37 năm lẩn trốn.
Đối tượng là Trịnh Đường Hoàn (SN 1959, quê xã Xuân Tiến, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, thường trú số nhà 38, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), bị bắt khi đang lẩn trốn tại tổ 4, Ấp 7, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Trịnh Đường Hoàn là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, đã gây ra 4 vụ trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản trên địa bàn TP.Hạ Long vào các năm 1977, 1979, 1983, 1984.
Năm 1984, Hoàn bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ và bị TAND tỉnh tuyên án 12 năm tù giam. Quá trình thi hành án, y đã trốn khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh và bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra lệnh truy nã số 119 ngày 2/4/1984.
Sau khi bỏ trốn, Trịnh Đường Hoàng di chuyển, làm việc tại nhiều tỉnh khác nhau ở phía Nam, đến năm 2000 vào tỉnh Bình Phước, lợi dụng là người theo đạo Thiên chúa giáo, Hoàn liên hệ và tham gia vào nhóm Thiên chúa tại Bình Phước để mượn Giáo xứ che chở nhằm tránh sự phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng.
Tại đây, Hoàn thay đổi tên họ, ngày tháng năm sinh, làm CMND giả, che giấu lai lịch cá nhân dưới vỏ bọc mới là Vũ Văn Đại (SN 1960, đăng ký HKTT tại tổ 4, ấp 7, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).
Hiện, Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Bạch Hiền (t/h)