Hà Tĩnh: Con nghiện cho cá nuốt ma túy hòng qua mặt cơ quan chức năng
Lực lượng Công an TP.Hà Tĩnh mới đây đã bắt quả tang Đặng Ngọc Sơn (SN 1979, trú tại thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) về hành vi “tàng trữ trái phép chất ma tuý”.
Theo thông tin ban đầu, ngày 30/8 Sơn liên lạc, đặt mua ma tuý và một con cá nhám sau đó giấu ma tuý vào trong miệng cá mang về nhà.
Đến khoảng 11h30 cùng ngày, khi đang di chuyển qua khu vực đường Sử Hy Nhan phường Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh, Sơn bị Công an TP.Hà Tĩnh phát hiện,bắt quả tang.
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe máy của Sơn có 1 túi nilon màu vàng đựng 1 con cá đã chết, phía trong miệng cá có giấu 1 bọc nilon nhỏ chứa chất tinh thể màu trắng.
Qua giám định, chất tinh thể màu trắng này là methamphetamine với khối lượng 44,0059g.
Tại cơ quan điều tra, Sơn khai nhận là lao động tự do, chủ yếu làm nghề đi biển dài ngày, nghiện ma túy đã nhiều năm nay. Ngày 30/8, Sơn đặt mua ma túy rồi giấu vào trong một con cá nhám, hòng qua mặt cơ quan chức năng, để mang về nhà.
Tuy nhiên, khi đang di chuyển qua khu vực đường Sử Hy Nhan, thuộc tổ dân phố 3, phường Nguyễn Du thì Sơn bị lực lượng Công an TP.Hà Tĩnh phát hiện, bắt quả tang.
Hiện, vụ việc đang được Công an TP.Hà Tĩnh lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
TP.HCM: Xôn xao clip tổ trưởng tổ dân phố giằng co với người dân
Chiều ngày 31/8, lãnh đạo quận 8, TP.HCM đã có báo cáo ban đầu về vụ giằng co giữa bảo vệ dân phố và người dân trên địa bàn phường 7.
Cụ thể, tối 29/8, một tài khoản facebook cá nhân mang tên “Quốc Huy” đã chia sẻ một video clip với nội dung: “Biến tổ em, tổ 51, phường 7, quận 8, dân bức xúc việc tiền trợ cấp, chung tổ mà người có người không, dân cầm điện thoại quay nói chuyện thì không cho quay rồi giật điện thoại, giật không được thì đánh luôn dân”.
Sau khi clip đăng tải trên mạng, Quận ủy, UBND quận 8 đã chỉ đạo vào cuộc điều tra, xác minh.
Qua xác minh, xác định chiều 29/8, ông Phạm Ngọc Minh, hiện là bảo vệ dân phố kiêm tổ trưởng tổ dân phố 51 (thuộc khu phố 5, phường 7) đến khu vực vườn táo để phát thuốc, trao quà cho các F0 được cách ly tại nhà và rà soát danh sách người trên 65 tuổi chưa được tiêm vắc xin. Tại đây, bà Trương Thị Tuyết Hằng (ngụ địa phương) có thắc mắc với ông Minh về việc chi tiền hỗ trợ cho người dân khó khăn.
Ông Minh sau đó đã giải thích nhiều lần, nhưng một số người xung quanh vẫn gây áp lực với ông Minh. Lúc này, ông Võ Trung Hiếu (ngụ địa phương) đã dùng điện thoại di động quay lại quá trình trao đổi giữa ông Minh và bà Hằng.
Tuy nhiên, do ông Minh không đồng ý việc quay clip nên đã yêu cầu ông Hiếu tắt điện thoại, dẫn đến việc đôi bên lời qua tiếng lại và xảy ra giằng co.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an phường 7, quận 8 đã mời những người có liên quan về trụ sở Công an phường để lập biên bản ghi nhận sự việc và xử lý theo quy định.
Sáng 30/8, Thường trực Đảng ủy - UBND phường 7, quận 8 đã quán triệt, nhắc nhở ông Phạm Ngọc Minh cũng như các lực lượng được giao nhiệm vụ tại địa bàn dân cư phải bình tĩnh, linh hoạt trong việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu các quy định, chính sách có liên quan đến vấn đề phòng chống dịch và chăm lo an sinh xã hội của chính quyền, không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Khu vực vườn táo thuộc tổ dân phố 51 (giáp ranh xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) có 52 hộ dân và một số dãy phòng trọ. Từ khi TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người dân tại khu vực này đều chấp hành tốt quy định phòng chống dịch.
Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường phối hợp khu phố, tổ dân phố và các nhà hảo tâm đã tổ chức 3 đợt chăm lo cho người dân tại đây. Phần quà của mỗi đợt gồm có 5 kg gạo, mì gói, một số nhu yếu phẩm và phiếu nhận gạo ATM tại UBND Phường.
Thông tin mới vụ người đàn ông tử vong sau khi 5 bệnh viện, phòng khám từ chối
Sáng ngày 1/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tại đây, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã trả lời báo chí xung quanh việc bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 bệnh viện, phòng khám từ chối.
Theo báo Người lao động, Đại tá Trần Văn Chính cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, công an tỉnh đã vào cuộc xác minh để xử lý vụ việc. Bước đầu nhận thấy các cơ sở y tế liên quan trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, Trung tâm y tế TP Dĩ An chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc tiếp nhận, thu dung, khám, cấp cứu điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Các phòng khám Đa khoa Nam Anh, Phúc Tâm 2 và bệnh viện An Phú không thực hiện nghiêm túc việc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và tổ chức hướng dẫn cấp cứu, thăm khám điều trị các bệnh nhân là chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh ủy, UBND tỉnh, vi phạm khoản 1 điều 76 Luật Khám chữa bệnh.
Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng tiếp nhận ca bệnh cấp cứu nhưng cho rằng vượt quá phạm vi chuyên môn nên đã yêu cầu người nhà chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên, không lập hồ sơ bệnh án (do cơ sở báo không dùng thuốc trong quá trình cấp cứu), không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến và không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng (cơ sở báo xe cấp cứu đã được trưng dụng cho hoạt động phòng, chống dịch). Hành vi trên đã vi phạm các điều 32, điều 52, điều 54 Luật Khám chữa bệnh.
Bệnh viện Quân Y 4 sau khi tiếp nhận ca bệnh cấp cứu đã không tổ chức cấp cứu, không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến theo quy định mà yêu cầu người nhà tự chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Hành vi vi phạm các quy định tại các điều điều 32, điều 52, điều 54 Luật Khám chữa bệnh.
Hành vi của các cơ sở y tế trên cùng các y - bác sĩ có liên quan đã vi phạm các quy định của Luật Khám chữa bệnh, quy chế tổ chức bệnh viện ban hành kèm theo quyết định của Bộ Y tế. Xét thấy cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm khắc.
Riêng phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng và Bệnh viện Quân Y 4 cần tập trung làm rõ dấu hiệu của tội phạm: Không cứu giúp người đang ở trong trình trạng nguy hiểm đến tính mạng, được quy định tại điều 132 Bộ luật Hình sự, cần tập trung điều tra, xử lý vì gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến vụ việc, tờ Tri thức Trực tuyến đưa tin, ngày 13/8, ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh) nôn ói dữ dội nên thân nhân nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến 5 cơ sở y tế đều không nơi nào tiếp nhận điều trị. Theo lời người nhà bệnh nhân, họ gọi cấp cứu nhưng không có ai nghe máy nên nhờ mọi người dùng xe tải chở ông D. đến bệnh viện. Khi đến Trung tâm Y tế TP Dĩ An, cơ sở này từ chối tiếp nhận với lý do đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tại địa điểm thứ hai là Phòng khám Ngọc Hồng, ông D. được xét nghiệm nhanh nCoV và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, sau khi thăm khám và hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ cho rằng tình trạng của ông D. quá nặng, vượt khả năng của phòng khám nên đề nghị cho ông D. chuyển viện lên tuyến trên.
Sau đó, mọi người đưa ông D. đến bệnh viện Quân y 4, bệnh viện Đa khoa An Phú và Phòng khám Đa khoa tư nhân Nam Anh. Tuy nhiên, tất cả cơ sở y tế trên không tiếp nhận bệnh nhân với lý do các bác sĩ đi chống dịch COVID-19, không đủ trang thiết bị để cấp cứu. Đến 1h ngày 14/8, khi không nơi nào chịu nhận bệnh nhân, ông D. được đưa về nhà trọ và qua đời 3 giờ sau.
CDC Hà Nội: TP có thể tiếp tục phải giãn cách thêm ít nhất 1 tuần sau ngày 6/9
Liên quan đến việc liệu thành phố Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9, trao đổi với PV, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết dựa theo tình hình dịch bệnh vẫn còn đang căng thẳng, CDC sẽ tham mưu cho thành phố về việc tiếp tục giãn cách ít nhất một tuần nữa sau ngày 6/9.
"Đơn vị đang tham mưu thành phố giãn cách thêm ít nhất 7 ngày. Cụ thể việc giãn cách thế nào thành phố sẽ có phương án cụ thể", ông Tuấn thông tin thêm. Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng khuyến cáo người dân có biểu hiện ho, sốt, mất vị giác,...cần khẩn trương khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm ngay.
Theo số liệu từ CDC Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến sáng 1/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 3298 ca mắc COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1547 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1751 ca.
Cùng với đó là ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) khởi phát từ ngày 23/8 đã ghi nhận 349 bệnh nhân. Ổ dịch tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) bắt đầu từ ngày 28/8, ghi nhận 17 ca bệnh.
Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, Giáp Bát (quận Hoàng Mai) đã ghi nhận 44 ca bệnh từ ngày 24/8 đến nay. Ổ dịch tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) khởi phát từ ngày 28/8, ghi nhận 10 ca. Cuối cùng là ổ dịch tại phố Sơn Tây, phường Kim Mã (quận Ba Đình) bắt đầu từ ngày 28/8 ghi nhận 15 ca bệnh.
Bạch Hiền (t/h)