+Aa-
    Zalo

    Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Lửa thiêu phòng trọ, cô gái bị bỏng 92% cơ thể

    Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ cháy phòng trọ, khu vực cổng sau trường nghề Việt Đức thuộc phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên làm 2 người bị bỏng nặng là chị H. (SN 1995), trú tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc và người còn lại tên T., trú tại tỉnh Thái Nguyên.

    Lửa thiêu phòng trọ, cô gái bị bỏng 92% cơ thể - Ảnh 1

    Chị H. đang được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. Ảnh: Vietnamnet

    Theo tin tức ban đầu, vào khoảng 13h ngày 20/3, người dân trú tại xóm trọ, khu vực cổng sau trường nghề Việt Đức nghe thấy tiếng tri hô kêu cứu của 2 cô gái.

    Khi mọi người chạy đến thì phát hiện chị H và chị T bị cháy hết quần áo, bỏng nặng. Ngay sau đó, người dân đã đưa các nạn nhân đi tới BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu đồng thời báo vụ việc tới cơ quan Công an.

    Ngay sau khi nhận được thông tin vụ cháy, lực lượng chức năng Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã đến dập lửa, đồng thời lấy lời khai của các nhân chứng. 

    Do tình trạng quá nặng, chị H. được chuyển xuống Viện Bỏng quốc gia, mức độ bỏng toàn thân là 92%, cơ hội sống mong manh.

    Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

    Đà Nẵng: Dân bức xúc vì bị bịt lối xuống biển

    Sáng 21/3, khoảng 50 người dân làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, TP.Đà Nẵng tụ tập trước dự án Lancaster Nam Ô vì cho rằng, chủ đầu tư bịt lối xuống biển.

    Nhiều người dân cho biết, rất ủng hộ việc các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng tại địa phương. Điều khiến người dân bức xúc là dự án này của tập đoàn Trung Thủy rào chắn sân bóng đá, sinh hoạt chung và bít lối xuống biển.

    Theo người dân, khu vực này có ghềnh đá rất đẹp. Trong khoảng thời gian dài, nhiều khách vãn lai đến ngắm cảnh, vui chơi, chụp hình. Từ ngày dự án này bắt đầu xây dựng đã tạo rào chắn lối xuống biển. Hiện, chỉ người dân tại địa phương, bảo vệ biết mặt mới cho xuống còn người lạ thì không.

    Đà Nẵng: Dân bức xúc vì bị bịt lối xuống biển - Ảnh 1

    Người dân phản ứng vì doanh nghiệp bịt lối xuống biển

    Những người dân này mong muốn phía chính quyền địa phương yêu cầu phía doanh nghiệp phải mở lối xuống biển, không bịt kín nữa. Nhận được thông tin, lực lượng Công an địa phương đã xuống tuyên truyền, động viên người dân trở về nhà.

    Ông Trương Văn Đô, bí thư chi bộ khu vực Nam Ô 2 cho biết, dọc hàng rào của dự án này đã mở 6 lối đi. Tuy nhiên, ngày 20/3, tập đoàn Trung Thủy đóng lối đi xuống biển ra mỏm đá Nam Ô thì người dân mới bức xúc, tập trung phản ứng.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, việc tập đoàn Trung Thủy lập rào chắn xuống biển là có thật. Tuy nhiên, đất ở khu vực này đã được giao cho tập đoàn này từ năm 2010. Phía doanh nghiệp đã giải tỏa và hiện chỉ còn khoảng 3 đến 4 hộ dân chưa di dời. Hiện, dự án này chưa tiến hành và đang xin giấy phép xây dựng.

    Theo ông này, trong quá trình xây dựng dự án Lancaster Nam Ô, tập đoàn Trung Thủy đã dựng rào chắn. Đồng thời, khu vực được rào chắn là ghềnh đá, có thể gây nguy hiểm cho người đến đây. Do đó, bảo vệ của dự án chỉ cho những người dân tại địa phương vào. Riêng khách vãn lai thì bảo vệ không cho vào vì sợ khi họ tới, lỡ có chuyện xấu xảy ra.

    “Phía cuối đường biển Nguyễn Tất Thành có lối đi xuống biển cho dân tắm, vui chơi chứ không đến nỗi bịt kín như người dân nói. Đồng thời, thành phố đã giao đất cho tập đoàn Trung Thủy, nhưng họ phải làm quy hoạch rõ ràng, chỗ nào xây biệt thự, chỗ nào cho vui chơi, tắm biển… báo cáo thành phố và được duyệt thì mới được thực hiện”, ông Thiết nhận định.

    Trong khi đó, ông Võ Công Chánh, Bí thư quận ủy Liên Chiểu cho biết, quan điểm lãnh đạo địa phương là doanh nghiệp không được đóng lối đi này và phải để cho người dân tiếp cận với biển. Ông đề nghị chính quyền UBND quận phải làm việc với lực lượng bảo vệ dự án, chấn chỉnh thái độ làm việc để không gây bức xúc cho người dân.

    Ông Đỗ Trọng Hưng sẵn sàng trích xuất tin nhắn để chứng minh không có 'bồ nhí'

    Theo nguồn tin riêng của báo Thanh Niên, chiều 21/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có phiên họp đột xuất để xử lý vụ ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, bị tung tin đồn có ‘bồ nhí’ trên mạng xã hội.

    Tại cuộc họp, ông Đỗ Trọng Hưng khẳng định tin đồn trên là hoàn toàn bịa đặt, vu khống, gây bức xúc cho bản thân ông và dư luận. Vì vậy, ông Đỗ Trọng Hưng cũng đề nghị cơ quan công an khẩn trương điều tra, làm rõ. Ông Đỗ Trọng Hưng khẳng định bản thân không có bồ nhí, không quen biết cô gái tên Trang như thông tin vu khống trên mạng.

    Ông Đỗ Trọng Hưng sẵn sàng trích xuất tin nhắn để chứng minh không có 'bồ nhí' - Ảnh 1

    Ông Đỗ Trọng Hưng. Ảnh: Thanh Niên.

    Đặc biệt, ông Đỗ Trọng Hưng cũng đề nghị, nếu cần, cơ quan công an có thể trích xuất toàn bộ tin nhắn (đi và đến) từ số điện thoại của ông từ năm 2014 đến nay (thời điểm mà tin đồn ngầm nhắc đến), để điều tra, đối chứng, làm rõ việc ông có "bồ nhí" và có vi phạm nguyên tắc làm việc hay không.

    Cũng tại cuộc họp, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa khẳng định những tin đồn trên mạng liên quan đến ông Đỗ Trọng Hưng là không đúng sự thật, nhưng đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bản thân ông Đỗ Trọng Hưng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn trước pháp luật.

    Trước đó, từ chiều 19/3, mạng xã hội facebook lan truyền chóng mặt thông tin ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, có “bồ nhí”. Trong thông tin có kèm theo hình ảnh và số điện thoại được cho là của ông Đỗ Trọng Hưng cùng với nhiều tin nhắn qua lại với một cô gái trẻ.

    Sáng 20/3, trả lời Tri thức trực tuyến, một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết đã nắm được việc mạng xã hội facebook lan truyền hình ảnh và thông tin một lãnh đạo tỉnh này có "bồ nhí".

    "Thông tin đó không chính thống, bịa đặt, nhảm nhí. Tin nhắn không ngày giờ, tin lại cùng một trạng thái", vị này khẳng định và cho hay cơ quan chức năng tỉnh đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

    Hà Nội sẽ xây chợ đầu mối ở nơi "củ cải đổ xuống sông Hồng”

    Sáng 21/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm việc với huyện Mê Linh. Tại buổi làm việc, các đại biểu dành nhiều thời gian nói về tình trạng người nông dân bị thất thu do củ cải bị giảm giá bán.

    Phát biểu tại buổi họp, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, việc củ cải bị giảm giá là do người dân không chủ động được đầu ra. Cụ thể, trong 2.000 tấn củ cải được thu hoạch trên diện tích 20 ha, có tới 95% củ cải phụ thuộc vào thương lái, 5% còn lại tiêu thụ qua hệ thống siêu thị.

    Từ sau Tết Nguyên đán, hàng trăm hộ dân ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh) phải nhổ bỏ củ cải vì giá sụt giảm nghiêm trọng. Việc giá củ cải giảm khiến người dân bị thiệt hại lớn.

    Hà Nội sẽ xây chợ đầu mối ở nơi

    Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà nội mới

    Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, năm 2017, huyện Mê Linh đã nỗ lực hoàn thành và vượt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 3 tháng đầu năm 2018 đã bảo đảm được tiến độ công việc theo lộ trình thành phố đề ra. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu rõ, Mê Linh còn khó khăn trong 6 lĩnh vực: Giao đất dịch vụ; công tác giải phóng mặt bằng 47 dự án; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn chậm; xây dựng nông thôn mới còn khó khăn (nợ các chỉ tiêu về trường học, môi trường); một số điểm xây dựng hạ tầng chưa đạt; tiềm ẩn vướng mắc, bất cập trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Những khó khăn này nếu không có lộ trình bài bản để giải quyết thì sẽ còn tiếp tục tái diễn.

    Trước tình trạng nhổ bỏ củ cải hàng loạt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, 20 ha củ cải giảm giá vừa qua ở Tráng Việt có giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Theo ông Chung mấu chốt của vấn đề này là cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân kiến thức tiêu thụ hàng hóa. Cùng đó, các sở ngành cũng phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân.

    Ông Nguyễn Đức Chung giao Sở Công Thương cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nông thôn mời các hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp họp bàn kết nối các sản phẩm nông nghiệp cho thành phố.

    Sở Công Thương cũng phải hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bên cạnh các kiến thức kể trên, người dân cũng phải đa dạng hóa sản phẩm. Ông Chung đưa ví dụ về củ cải, bên cạnh tiêu thụ sản phẩm tươi, cũng cần phải chế biến thành nhiều loại mặt hàng khác nhau.

    Liên quan đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Chung giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc xuống huyện Mê Linh khảo sát, chọn địa điểm xây chợ đầu mối.

    Tin mới nhất vụ CSGT Hà Nội nghi nhận tiền của người vi phạm

    Ngày 21/3, Đại tá Trần Hải Quân - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Công an TP Hà Nội), cho biết: Bước đầu xác định hình ảnh của lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ được Báo Tiền Phong phản ánh trong clip đăng tải ngày 13/3 đúng là cán bộ, chiến sĩ của Phòng CSGT TP Hà Nội.

    Theo cơ quan Công an, căn cứ vào đoạn clip báo chí cung cấp, có cơ sở xác định cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm quy trình trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

    Tin mới nhất vụ CSGT Hà Nội nghi nhận tiền của người vi phạm - Ảnh 1

    Có dấu hiệu tiêu cực trong đoạn clip báo chí phản ánh. (Ảnh: Tiền Phong)

    Ngay trong ngày 13 và 14/3, Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã có quyết định tạm đình chỉ 20 cán bộ, chiến sĩ và chỉ huy liên quan đến vụ việc để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh theo quy định của Bộ Công an. Thời hạn đình chỉ công tác là 30 ngày (từ 13/3-13/4 đối với 14 cán bộ, chiến sĩ; từ ngày 14/3-14/4 đối với nhóm cán bộ).

    Đại tá Quân cho biết, tất cả báo cáo vụ việc đã được đơn vị gửi Bộ công an, UBND TP.Hà Nội trong ngày 19/3. Quan điểm của Công an Hà Nội là nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

    Trước đó, sáng 13/3, trên mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 7 phút nghi CSGT có hành vi mãi lộ do nhóm phóng viên báo Tiền Phong ghi nhận tại một số chốt kiểm tra xử lý vi phạm. Nội dung video clip ghi lại nhiều hình ảnh người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng hoặc cầm trên tay đưa trực tiếp và nhét vào tập hồ sơ của CSGT.

    Đáng chú ý, trong đoạn clip cũng ghi lại cảnh lực lượng CSGT làm nhiệm vụ có hành vi tiếp nhận các tờ giấy giống tiền nói trên bằng cách để yên cho người vi phạm nhét vào tập hồ sơ hoặc nhận trực tiếp bằng tay và rút các tờ này từ tập hồ sơ mang cất đi…

    Trang Đời sống & Pháp luật Online cập nhật tin tức thời sự mới nhất trong 24h qua.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-thoi-su-24h-moi-nhat-ngay-2232018-a223337.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan