Israel tuyên bố Hamas không còn chỉ huy ở miền Bắc Gaza
Vnexpress đưa tin, theo chuẩn đô đốc Daniel Hagari - người phát ngôn quân đội Israel, các tay súng Hamas hiện chỉ còn hoạt động lẻ tẻ trong khu vực và "không còn người chỉ huy".
"Bây giờ, trọng tâm là tiêu diệt Hamas ở trung tâm và phía Nam Dải Gaza", ông Hagari nói trước các phóng viên ngày 6/1, đồng thời thừa nhận nhiệm vụ này sẽ không dễ dàng.
Ông Hagari tiết lộ thêm rằng tại hai khu vực kể trên, quân đội Israel "sẽ thực hiện theo một cách khác". Tuy nhiên, ông không nêu thêm thông tin chi tiết "Các trại tị nạn ở trung tâm Dải Gaza rất đông đúc và đầy rẫy các tay súng", ông nói. Trong khi đó, ở phía Nam, tại vùng đô thị rộng lớn của Khan Younis, Hamas có một mạng lưới đường hầm rất phức tạp.
"Vì vậy, nó cần có thời gian", ông Hagari lưu ý. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết chính phủ của ông đã chỉ đạo quân đội "loại bỏ Hamas", giải cứu tất cả con tin và đảm bảo Gaza sẽ "không bao giờ là mối đe dọa đối với Israel nữa".
Xung đột Israel - Hamas nổ ra từ đầu tháng 10/2023 sau khi Hamas bất ngờ bắn hơn 2.000 quả tên lửa về phía Israel và bắt giữ hàng loạt con tin đưa về Dải Gaza.
Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn bảy ngày vào tháng 11, trao đổi khoảng 320 con tin và tù nhân. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ.
Ukraine tung bằng chứng cáo buộc Nga dùng tên lửa Triều Tiên
Theo báo Dân trí, người phát ngôn Văn phòng Công tố Kharkov Dmytro Chubenko cho biết, dựa vào các mảnh vỡ có thể thấy tên lửa này khác biệt về mặt hình ảnh và kỹ thuật so với các mẫu của Nga.
"Phương pháp sản xuất không hiện đại lắm. Có những khác biệt so với tên lửa Iskander tiêu chuẩn mà chúng tôi đã thấy trước đây trong các cuộc tập kích của Nga nhằm vào Kharkov. Tên lửa này tương tự một trong những tên lửa của Triều Tiên", ông Chubenko phát biểu với giới truyền thông và trưng bày những mảnh vỡ tên lửa.
Ông Chubenko cho biết tên lửa này có đường kính lớn hơn một chút so với tên lửa Iskander của Nga, trong khi vòi phun, cuộn dây điện bên trong và các bộ phận phía sau cũng khác nhau. "Đó là lý do vì sao chúng tôi nghiêng về giả thuyết đây có thể là tên lửa do Triều Tiên cung cấp", ông nói nhưng từ chối cung cấp mã định danh chính xác của tên lửa.
Trước đó, người phát ngôn Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết, lực lượng này chưa thể xác nhận thông tin về việc Nga có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo mua từ Triều Tiên.
"Mỹ đã đưa ra tuyên bố về vấn đề này. Vì vậy, các chuyên gia sẽ xem xét một số mảnh vỡ và sau đó chúng tôi có thể kết luận rằng liệu đây có phải là sự thật hay không. Tôi vẫn chưa thể xác nhận điều này", ông Ihnat cho hay.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby trong tuần này cũng cáo buộc Triều Tiên cung cấp tên lửa cho Nga. Ông Kirby cho biết, lực lượng Nga dường như đã phóng ít nhất một tên lửa của Triều Tiên vào Ukraine hôm 30/12 và nhiều tên lửa vào Ukraine hôm 2/1.
Theo ông Kirby, các tên lửa của Triều Tiên có tầm bắn khoảng 900km và việc Bình Nhưỡng hỗ trợ Nga là hành động leo thang "đáng kể và đáng lo ngại". Ông khẳng định Mỹ có bằng chứng về việc Nga nhận tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, cũng như các cuộc đàm phán giữa Moscow và Tehran để nhận vũ khí tương tự.
Tuy nhiên, đến nay, giới chức Mỹ chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho cáo buộc Nga đã sử dụng vũ khí Triều Tiên tấn công Ukraine. Về phía Nga, Điện Kremlin từ chối bình luận về vấn đề này.
Phương Uyên(T/h)