Mỹ lần đầu điều tàu hải quân không người lái đến Nhật
Tờ Japan Times mới đây đưa tin, Hải quân Mỹ lần đầu tiên cử 2 nguyên mẫu tàu không người lái cỡ trung đến căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh Washington chuẩn bị đẩy mạnh việc dùng các phương tiện không người lái ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với tên gọi chính thức là tàu mặt nước không người lái (USV), 2 tàu tự hành Mariner và Ranger đã đến Yokosuka - nơi đồn trú của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ hôm 21/9, trong khuôn khổ đợt triển khai tầm xa bắt đầu vào tháng trước từ cảng phía bắc Los Angeles.
Đây là chuyến vượt Thái Bình Dương đầu tiên của USV hải quân Mỹ. Trên mỗi tàu có một thủy thủ đoàn nhỏ đi kèm vì chúng vẫn là phương tiện thử nghiệm. Động thái cũng là một phần trong cuộc diễn tập năng lực đa phương tiện đang tiếp diễn, nhằm thử nghiệm, phát triển và đánh giá sự tích hợp các nền tảng không lái vào những hoạt động rộng hơn của hạm đội, phối hợp với các đồng minh và đối tác.
Mariner và Ranger nằm trong nhóm gồm 5 nguyên mẫu USV thuộc Sư đoàn tàu mặt nước không người lái số 1 của Hải quân Mỹ, được sử dụng để thử nghiệm một loạt khả năng, bao gồm chiến đấu trên và dưới mặt nước, theo dõi và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát cũng như thu thập thông tin tình báo.
“Một tàu khu trục và 2 USV có thể thay thế 3 tàu khu trục. Đây là hiệu ứng cấp số nhân”, Tư lệnh Hải quân Mỹ Jeremiah Daley tuyên bố. Trong khi đó, các nguồn thạo tin cho hay, Hải quân Mỹ có kế hoạch trang bị khoảng 40% hạm đội của mình bằng các hệ thống không người lái vào giữa thế kỷ này.
Nhà nghiên cứu quốc phòng Timothy Heath tại tập đoàn Rand nhận định, việc triển khai USV tới Nhật Bản không chỉ cho thấy tốc độ phát triển của các hệ thống không người lái mà còn phản ánh mối quan tâm của Hải quân Mỹ trong việc xây dựng một hạm đội gồm cả các nền tảng có người lái lẫn không người lái.
Đại tướng Ukraine đứng trước nguy cơ bị điều tra
Hãng tin BBC dẫn các nguồn tin cho biết, Cục Điều tra Nhà nước Ukraine (DBR) và Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) đang điều tra nhiều quan chức quân sự cấp cao nước này về việc tuyến phòng thủ ở Ukraine nhanh sụp đổ khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022.
Theo đó, hơn 50 cá nhân đã bị thẩm vấn trong cuộc điều tra. Cơ quan an ninh Ukraine đang tìm cách xác định các tình huống có thể khiến Nga tiến quân nhanh chóng ở mặt trận phía nam nước này. Trong số đó có việc tại sao các cây cầu Kherson không bị phá hủy trước khi quân đội Nga tiến vào.
Các nguồn tin của BBC cho biết cuộc điều tra vẫn ảnh hưởng đến Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Đại tướng Valery Zaluzhny. Trong khi đó, tướng Zaluzhny chưa được cơ quan an ninh Ukraine triệu tập. Tuy nhiên, cuộc điều tra này lại được lấy tên là “Hồ sơ Zaluzhny”.
Trước đó, tướng Zaluzhny từng phải ra điều trần trước một ủy ban đặc biệt về sự sụp đổ quá nhanh của phòng tuyến phía nam Ukraine. Ông Zaluzhny đã đưa ra những nhận xét khá gây tranh cãi trước ủy ban đồng thời nhấn mạnh rằng nên dồn mọi nguồn lực vào cuộc phản công hiện tại thay vì truy vấn các thất bại.
Đầu tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Rezniko khi ông này không thể giải quyết được nạn tham nhũng trong bộ này. Ông Oleksii Rezniko được xem là quan chức quân sự cấp cao chỉ sau tướng Zaluzhny trong chính quyền Ukraine.
Phương Uyên(T/h)