Tiêm kích bom Su-34 rơi tại Nga
Theo thông tin mới nhất từ hãng thông tấn RIA Novosti, ngày 20/9, một tiêm kích bom Su-34 Nga đã rơi tại tỉnh Voronezh ở phía Tây Nam nước Nga Nga. Nguyên nhân vụ tai nạn nghi là do hỏng càng đáp chính khiến phi công phải bỏ máy bay.
Chiếc Su-34 gặp sự cố khi thực hiện chuyến bay huấn luyện theo kế hoạch và không mang theo đạn dược. Bộ Quốc phòng Nga thông báo, tổ lái gồm 2 phi công đã bật ghế phóng thoát ra ngoài và được đưa về căn cứ nơi họ đóng quân. Họ không đối mặt với bất kỳ nguy cơ sức khỏe nào.
Chiếc Su-34 nói trên rơi ở vị trí xa khu dân cư, không gây thiệt hại trên mặt đất. Thông tin sơ bộ cho thấy nguyên nhân của vụ tai nạn là trục trặc kỹ thuật. Tài khoản Telegram Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga cho biết một trong hai càng đáp chính của chiếc Su-34 bị hỏng.
"Sau nỗ lực khắc phục sự cố bất thành, tổ lái đưa máy bay tới vị trí phù hợp và bật ghế phóng. Không thể hạ cánh tiêm kích bom Su-34 với một càng đáp chính, chúng ta phải bật ghế phóng thoát ra. Đó là những gì mà tổ lái đã làm. Mọi người đều an toàn, mọi thứ đều ổn", phi công Nga viết.
Tiêm kích Su-34 được phát triển từ thời Liên Xô, không quân Nga biên chế vào năm 2014. Su-34 chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ném bom và phóng tên lửa dẫn đường vào vị trí của đối phương, song có mang theo tên lửa không đối không để đối phó máy bay địch.
Biến thể nâng cấp Su-34M được cải thiện đáng kể về hệ thống điều khiển, radar, kính ngắm và thiết bị liên lạc. Tầm triển khai vũ khí dẫn đường và năng lực tác chiến điện tử của Su-34M cũng vượt trội so với mẫu tiêm kích bom nguyên gốc.
Khi mang theo ba tấn bom, 4 tên lửa không đối không và một thùng dầu phụ, Su-34 có thể đạt tầm bay gần 3.000 km ở tầm cao hoặc 1.700 km lúc bay sát mặt đất hoặc mặt biển. Tầm bay xa cùng lượng vũ khí mang theo lớn cho phép Su-34 tấn công sở chỉ huy, thông tin liên lạc và hậu cần sâu trong lòng địch, cũng như cắt đường tiếp tế cho lực lượng tiền phương.
Israel đưa vào trang bị xe tăng sử dụng công nghệ AI
Hãng tin Sputnik mới đây dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Israel cho biết, lực lượng tăng thiết giáp của nước này vừa đưa vào trang bị mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới có tên "Barak". Đây cũng là một trong những xe tăng đầu tiên trên thế giới được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong Kinh thánh tiếng Do Thái, Barak là tên của một nhà thủ lĩnh và chỉ huy quân sự tài ba có chống lại lực lượng người Canaanite tại thành phố Hazor. Từ này cũng có nghĩa là “tia sét” trong tiếng Do Thái. Tuy nhiên, Barak không phải là một thiết kế xe tăng mới - nó được phát triển dựa trên dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava IV đang được lực lượng phòng vệ Israel sử dụng.
Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin Barak được trang bị hệ thống ngắm bắn tiên tiến cho phép tấn công các mục tiêu ban ngày và ban đêm với độ chín xác cao. AI cũng được tích hợp vào hệ thống hỏa lực của xe với khả năng quét mục tiêu và xử lý dữ liệu không cần sự can thiệp của kíp chiến đấu.
Công nghệ AI hỗ trợ kíp lái Barak hoàn thành nhiệm vụ với thiệt hại thấp nhất khi đưa ra các dữ liệu chiến trường lẫn kẻ thù trong phạm vi xe tăng tác chiến. Bên cạnh công nghệ AI, Barak sẽ được trang bị tên lửa chống tăng dẫn đường mới.
“Xe tăng Barak đang mở ra kỷ nguyên mới, nó giống như một bước nhảy vọt phi thường cũng như thế hiện rõ nhất về vai trò của công nghệ đối với khả năng tác chiến của lực lượng phòng vệ Israel", Bộ Quốc phòng Israel cho biết
AI ngày càng được sử dụng nhiều trong các ứng dụng quân sự, tăng cường các chức năng như nhận dạng mục tiêu và tìm đường. Iran gần đây đã trình làng các các robot chiến đấu cỡ nhỏ mà họ tuyên bố được tích hợp công nghệ AI. Tehran còn đang phát triển việc tích hợp công nghệ AI vào lực lượng máy bay không người lái của nước này.
Phương Uyên(T/h)