Israel bác điều kiện chấm dứt xung đột của Hamas
Báo Dân trí dẫn nguồn từ hãng tin Reuters đưa tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây đã lên tiếng bác bỏ các điều kiện do Hamas đưa ra nhằm chấm dứt xung đột và thả con tin.
"Để đổi lấy việc thả các con tin của chúng tôi, Hamas yêu cầu chấm dứt chiến tranh, rút lực lượng của chúng tôi khỏi Gaza, thả tất cả những kẻ giết người và hiếp dâm và để Hamas nguyên vẹn. Tôi bác bỏ hoàn toàn các điều khoản đầu hàng do Hamas đưa ra", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hôm 21/1.
Khi máy bay Israel tiếp tục ném bom Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, thủ lĩnh cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri cảnh báo việc nhà lãnh đạo Israel từ chối chấm dứt cuộc tấn công quân sự ở Gaza "đồng nghĩa với việc không có cơ hội cho sự trở lại của những người (Israel) bị bắt giữ".
Theo một thỏa thuận do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian vào cuối tháng 11 năm ngoái, hơn 100 trong số khoảng 240 con tin bị bắt ở Gaza trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 đã được trả tự do để đổi lấy việc thả 240 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù Israel.
Kể từ đó, ông Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để đảm bảo thả 136 con tin vẫn bị Hamas giam giữ. Vào tháng trước, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố có "ba điều kiện tiên quyết" cho hòa bình giữa Israel và Palestine, bao gồm xóa sổ Hamas, phi quân sự hóa Gaza và phi cực đoan hóa xã hội Palestine.
Tổng Tham mưu Trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi ngày 7/1 cho biết cuộc xung đột tại Dải Gaza, vốn đã kéo dài ba tháng qua, sẽ có thể tiếp diễn suốt cả năm 2024 và lan sang các mặt trận khác.
Ông Halevi đồng thời nói rằng năm 2024 là "thách thức" và rằng Israel "chắc chắn sẽ tham chiến tại Gaza suốt năm nay," ngụ ý rằng cuộc xung đột trên quy mô toàn diện hiện nay giữa Israel với Hamas có thể hạ nhiệt nhưng không kết thúc.
Séc mua 24 tiêm kích F-35 của Mỹ
"Thoả thuận chắc chắn sẽ được ký trước cuối tháng 3 hoặc thậm chí sớm hơn. Chúng tôi đang tìm kiếm một hình thức phù hợp và một ngày phù hợp", báo điện tử VTC News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova nói hôm 21/1 cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nằm viện cũng ảnh hướng quá trình ký kết thoả thuận.
Praha dự kiến chi trả cho Washington số tiền 105,8 tỷ koruna Séc (4,64 tỷ USD) để mua 24 tiêm kích F-35. Ngoài ra, Cộng hòa Séc cũng sẽ trả chi phí bổ sung, bao gồm cả việc xây dựng một sân bay mới, đồng thời cho biết thêm rằng tổng chi phí mua và sử dụng các máy bay này của Cộng hòa Séc trong giai đoạn đến năm 2069 sẽ lên tới 322 tỷ korunas (14,8 tỷ USD).
Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết Praha đã quyết định mua 24 máy bay chiến đấu F-35. Ông nói thêm rằng những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên sẽ được giao cho Cộng hòa Séc vào năm 2031, trong khi tất cả 24 chiếc được mua sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2035.
Hiện tại, không quân Séc được trang bị 14 máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen thuê từ Thụy Điển, cũng như 24 máy bay L-159 do chính nước này sản xuất. Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm F-35 là một trong những chương trình phát triển chiến đấu cơ đắt đỏ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhà thầu chính của F-35 là tập đoàn Lockheed Martin.
F-35 được thiết kế để làm những việc mà không một máy bay đơn lẻ nào có thể làm được. Nó được phát triển để thay thế cường kích A-10 và tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ, máy bay chiến đấu F/A-18 của hải quân Mỹ và AV-8B Harrier của Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Mỹ đã phát triển F-35 thành 3 biến thể khác nhau, trong đó F-35A dành cho không quân, F-35C cho hải quân, và F-35B dành cho thủy quân lục chiến. Điểm đặc biệt của F-35B là nó có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.
Phương Uyên (T/h)