Phòng tuyến Nga ở Crimea gián đoạn, cơ hội “hiếm” cho Ukraine
Báo điện tử VTC News dẫn nguồn tin từ The Driver cho biết, cơn bão lớn hôm 27/11 đã khiến khu vực bán đảo Crimea và các hệ thống bảo vệ cảng Sevastopol của Nga gặp hư hại làm gián đoạn khả năng phòng thủ của Nga ở khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh được Planet Labs chụp hôm 28/11 cho thấy, các hàng rào nổi và xà lan cùng những chướng ngại vật khác bên ngoài cửa vào quân cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea bị hư hại sau trận bão trước đó một ngày. Một số đoạn rào bị đứt rời và một số xà lan biến mất khỏi khu vực sau khi cơn bão lớn quét qua.
The War Zone nhận định, tác động của cơn bão có thể cho phép Ukraine lợi dụng những lỗ hổng trong hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tại cảng và giám sát trên biển sau cơn bão. Cơn bão cũng đã “gây ra tình trạng gián đoạn lớn đối với tuyến hậu cần phục vụ chiến dịch của Nga”.
Cảng Sevastopol được Nga tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ sau nhiều lần bị Ukraine tấn công bằng đường biển. Nga đã xây dựng nhiều chướng ngại vật rào chắn ngang qua cửa cảng Sevastopol như một phần của hệ thống phòng vệ bờ biển và phòng không nhiều lớp. Sà lan và lưới cũng được bố trí để ngăn chặn các cuộc tấn công trên và dưới mặt nước.
Các hệ thống pháo binh cơ động cũng được tăng cường bố trí dọc theo đê chắn sóng, cùng với các loại máy bay và tàu chiến di chuyển trong khu vực để bảo vệ bến cảng. Ngoài ra, quân đội Nga còn lắp nhiều hệ thống cảm biến khác nhau cung cấp cảnh báo bổ sung, để phát hiện các mối đe dọa từ dưới nước.
Chưa rõ Nga sẽ mất thời gian bao lâu để khôi phục lại các hệ thống phòng thủ tại quân cảng Sevastopol. Các quan chức Nga cho biết tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực ở một số khu vực tại Crimea và nhiều công việc đang được tiến hành nhằm khắc phục những thiệt hại về cơ sở hạ tầng dân sự. Tuy nhiên, họ không đề cập đến việc phòng thủ bến cảng.
Israel tấn công ồ ạt 200 mục tiêu ở Gaza
Theo báo Dân trí, hãng tin AFP và CNN mới đây dẫn thông tin từ cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết ít nhất 178 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong khi quân đội Israel tuyên bố đã tấn công hơn 200 mục tiêu trong khu vực kể từ khi lệnh ngừng bắn hết hạn vào ngày 1/12.
Israel tấn công Jababliya và thành phố Gaza ở phía bắc, Khan Younes và Rafah ở phía Nam và al-Maghazi ở trung tâm Gaza. Trước đó, Israel cáo buộc Hamas vi phạm lệnh ngừng bắn, bao gồm việc bắn tên lửa từ Gaza về phía Israel. Chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, Israel đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích vào thành phố Gaza.
Người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) James Elder cho biết trong một đoạn video được quay tại bệnh viện ở Gaza: "Đây là một cuộc chiến chống lại trẻ em". UNICEF cảnh báo các bệnh viện ở Gaza đã quá tải.
Ông Elder nói rằng cơ sở y tế tại Gaza đã hoạt động 200% công suất. "Bệnh viện này đơn giản là không thể tiếp nhận thêm bất kỳ trẻ em nào bị thương trong chiến tranh nữa", người phát ngôn UNICEF nhấn mạnh.
Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Robert Mardini nói với CNN hôm 1/12 rằng "cơn ác mộng" đối với dân thường bị mắc kẹt trong cuộc chiến Israel - Hamas đã quay trở lại khi giao tranh tái diễn ở Gaza. "7 ngày tạm lắng đã tạo ra sự khác biệt lớn về hỗ trợ nhân đạo cho những người cần hỗ trợ nhất, tuy nhiên điều này đang bị thách thức bởi giao tranh tiếp diễn", ông Mardini cho biết thêm.
Ông Mardini nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kỳ vọng về một hiệp định đình chiến khác. Ông cũng cho biết cả hai bên trong cuộc xung đột "phải làm việc tích cực hơn để bảo vệ dân thường, bởi vì đó là nghĩa vụ của họ".
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực vào ngày 24/11 với vai trò trung gian của Mỹ, Qatar và Ai Cập. Ban đầu thỏa thuận được ấn định kéo dài bốn ngày, nhưng sau đó được kéo dài thêm vài ngày với sự giúp đỡ của các bên hòa giải.
Trong thời gian ngừng bắn kéo dài một tuần, Hamas và các nhóm chiến binh khác ở Gaza đã trả tự do khoảng 80 con tin, hầu hết là người Israel, để đổi lấy 240 người Palestine được thả ra khỏi các nhà tù ở Israel.
Phương Uyên(T/h)