+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 4/8/2024: Phát hiện mắc ung thư từ nốt đen ở gần gót chân

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/8/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 4/8/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Phát hiện mắc ung thư từ nốt đen ở gần gót chân

    VTV Times đưa tin từ đầu năm đến nay, có nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương với tổn thương là mảng tăng sắc tố đen ở bàn chân, bàn tay, được chẩn đoán ung thư tế bào hắc tố.

    Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (SN 1950), thể trạng gầy gò đến khám với tình trạng có một nốt đen ở vùng gan gần gót chân phải.

    Bệnh nhân cho biết, tổn thương đã có từ nhiều năm nay nhưng vì không ngứa, đau hay khó chịu gì nên bệnh nhân không quan tâm đến. Theo thời gian, nốt đen này không những không mất đi mà còn lớn dần và thay đổi hình dạng loang lổ trên bề mặt da. Khi người nhà đọc được các bài viết về ung thư da trên mạng, thấy dấu hiệu được mô tả giống với bệnh nhân nên đã động viên bệnh nhân đi khám bệnh.

    Bệnh nhân được khám, chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, chụp Dermoscopy - một xét nghiệm đặc thù trong chuyên ngành da liễu, có thể phát hiện sớm những dấu hiệu ung thư da. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố ở gan bàn chân phải.

    Tổn thương màu đen ở bàn chân bệnh nhân. Ảnh: VTV Times

    Tổn thương màu đen ở bàn chân bệnh nhân. Ảnh: VTV Times

    Bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ khối ung thư và làm xét nghiệm mô bệnh học, nhằm xác định chính xác mức độ xâm lấn, giai đoạn bệnh, từ đó sẽ có kế hoạch điều trị kịp thời, phù hợp với giai đoạn bệnh.

    May mắn cho bệnh nhân là khi tầm soát trên phim chụp chiếu, siêu âm và kiểm soát hạch vùng trong lúc phẫu thuật, không thấy có dấu hiệu của di căn.

    Sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt rộng tổn thương, theo đúng tiêu chuẩn điều trị ung thư tế bào hắc tố để đảm bảo loại bỏ được hết tế bào ung thư, hạn chế tái phát và khuyết da sau khi cắt bỏ khối u được tạo hình bằng kĩ thuật ghép da.

    Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, ung thư tế bào hắc tố là loại bệnh lý ác tính phát triển từ các tế bào hắc tố, là tế bào chịu trách nhiệm sản xuất melanin, sắc tố tạo màu da.

    Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh này có xu hướng gia tăng. Vào năm 2023, ước tính có khoảng 97.610 trường hợp u ác tính mới xảy ra ở Mỹ, gây ra khoảng 7.990 trường hợp tử vong.

    Thống kê một số nước cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tăng gấp đôi sau 10-15 năm và tăng dần theo tuổi. Tỷ lệ mắc cao nhất được ghi nhận tại Úc 40/100.000 dân; tại Mỹ 12/100.000 dân và ở Việt Nam 0,4/100.000 dân.

    Ung thư tế bào hắc tố ít gặp hơn các loại ung thư da khác. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng ung thư tế bào hắc tố lại là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến ung thư da do tính chất xâm lấn và khả năng di căn nhanh của nó.

    Các tế bào ung thư hắc tố xâm lấn và di căn tới các cơ quan khác bằng cách di chuyển qua các mô, máu và hệ bạch huyết. Tế bào ung thư có thể di căn đến mọi vị trí trên cơ thể, hay gặp nhất là ở não, phổi, gan…

    Tuy bệnh có tỷ lệ di căn cao nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ thì cho kết quả tốt, tỷ lệ sống 5 năm rất cao.

    Ăn bánh ướt thịt heo, nhập viện điều trị vì mắc liên cầu lợn

    Theo báo Tiền Phong, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết vừa tiếp nhận điều trị một ca mắc liên cầu lợn. Bệnh nhân là ông N.V.A. (51 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

    Trước đó, bệnh nhân A. khởi phát với các biểu hiện đau đầu, sốt, rét run, đau bụng. Sau khi nhập viện tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis II (khuẩn liên cầu lợn).

    Theo điều tra dịch tễ, trước khi nhập viện 2 ngày, ông A. có ăn món bánh ướt thịt heo với một số người cùng làm nghề thợ nề với bệnh nhân này.

    Đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử lý vệ sinh môi trường tại khu vực nhà bệnh nhân bằng hóa chất, đồng thời yêu cầu tuyến y cơ sở thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

    Theo khuyến cáo của ngành y tế địa phương, người dân cần ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh, thịt lợn không rõ nguồn gốc. Tuyến y tế cơ sở cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc không giết mổ gia súc bị bệnh, hoặc không rõ nguồn gốc, vệ sinh sát khuẩn dụng cụ chế biến thực phẩm sau khi chế biến.

    Bé 5 tuổi nuốt phải cục nam châm trong đồ chơi

    Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 5 tuổi (trú tại xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều) nhập viện do nuốt phải cục nam châm trong đồ chơi.

    Gia đình bệnh nhi chia sẻ, trong lúc chơi ở nhà, không may cục nam châm từ đồ chơi rơi ra ngoài, thấy vậy bệnh nhi đã nhặt được và nuốt phải. Ngay khi phát hiện sự việc, người thân nhanh chóng đưa bệnh nhi đến bệnh viện.

    Tại bệnh viện, bệnh nhi được thăm khám, chụp X-quang ổ bụng. Từ hình ảnh chụp X–quang, bác sĩ xác định có một dị vật đường tiêu hóa ở vị trí tại hố chậu phải của bệnh nhi. Hiện, bệnh nhi đang được chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện.

    Từ hình ảnh chụp X–quang, bác sĩ xác định có một dị vật đường tiêu hóa ở vị trí tại hố chậu phải của bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Từ hình ảnh chụp X–quang, bác sĩ xác định có một dị vật đường tiêu hóa ở vị trí tại hố chậu phải của bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Theo bác sĩ CKII Vương Thị Hào - Trưởng khoa Nhi bệnh viện, đối với một số dị vật do trẻ vô tình nuốt phải có thể theo ra ngoài bằng đường tiêu hóa nhưng cũng có dị vật bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật hoặc nội soi để lấy ra ngoài.

    Đối với trường hợp của bệnh nhi nói trên sẽ được theo dõi sát. Nếu có biến chứng hoặc không thể ra ngoài bằng đường tiêu hóa, các bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp để lấy bỏ dị vật cho trẻ...

    Khi nuốt dị vật, nếu trẻ không được phát hiện, xử trí kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: trầy xước niêm mạc ruột, dạ dày, thủng ruột, thủng dạ dày, xuất huyết và nguy hiểm nhất là có nguy cơ tử vong.

    Trường hợp trẻ không may nuốt phải dị vật, mọi người cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện thăm khám để có hưởng xử trí kịp thời. Đặc biệt sau khi nuốt, nếu trẻ có các dấu hiệu như: nôn, nôn dây máu, đau bụng, quấy khóc, da xanh tái, lạnh tay chân thì cần cấp cứu ngay lập tức.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-4-8-2024-phat-hien-mac-ung-thu-tu-not-en-o-gan-got-chan-a452802.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan