Cứu sống thai phụ có nguy cơ tử vong 80%
Báo Người Lao Động đưa tin ngày 2/8, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa cứu sống một phụ nữ mang thai 9 tháng bị thuyên tắc động mạch phổi lớn, suy thất phải cấp, nguy cơ tử vong 80%.
Cụ thể, thai phụ là T.K.N. (26 tuổi, ở Long An), nhập viện cấp cứu ngày 20/7 trong tình trạng nguy kịch, huyết áp không đo được, tri giác li bì, nẹp cố định cẳng bàn chân phải.
Trước khi nhập viện 4 tuần, chị N. bị tai nạn giao thông chấn thương gãy xương bàn ngón chân phải, đeo nẹp bất động. Cùng ngày nhập viện, đang đi làm, chị ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu tại địa phương trước khi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại đây, bệnh viện đã huy động nhiều chuyên khoa, đồng thời hội chẩn cùng Bệnh viện Hùng Vương để cứu người và qua 2 tuần đã giữ được tính mạng của mẹ và thai nhi.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải chạy ECMO, điều trị kháng đông, an thần vận mạch, kết hợp lấy huyết khối động mạch phổi, đặt Catheter Swan ganz đánh giá chức năng tim.
Theo bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là ca bệnh đặc biệt. Bệnh lý thuyên tắc phổi được điều trị tại bệnh viện khá nhiều và chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhân đa chấn thương đang nằm viện.
Tuy nhiên, thuyên tắc phổi ở nhóm thai kỳ, đang bị chấn thương, đặc biệt bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu thì ngay cả tại những trung tâm chuyên điều trị về thuyên tắc phổi trên thế giới cũng có tỷ lệ tử vong trên 80%.
Người đàn ông bị áp xe túi tinh cực hiếm gặp
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, khoa Nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa điều trị thành công cho ca bệnh áp xe túi tinh 2 bên cực hiếm gặp trên thế giới.
Cụ thể, nam bệnh nhân L.H.T (SN 1958, ở Hưng Yên) đến khoa Nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám với triệu chứng đau rất mơ hồ ở vùng bụng dưới lan ra hậu môn. Bệnh nhân sốt cao 38 - 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Qua thăm khám và làm một số xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe túi tinh hai bên. Ngay sau khi hoàn thiện chẩn đoán, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt túi tinh 2 bên. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ra viện ổn định, các chỉ số về giá trị bình thường, hết sốt, hết đau.
Theo bác sĩ Phan Lê Nhật Long - khoa Nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chức năng của túi tinh bao gồm sản xuất và lưu trữ chất dịch là thành phần của tinh dịch sau này.
"Thực tế, chất dịch này sẽ chiếm khoảng 70% lượng dịch giải phóng ra trong quá trình xuất tinh. Vì không phải chức năng sản xuất tinh trùng nên cắt túi tinh không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như nhiều người đã lầm tưởng”, bác sĩ Long cho biết.
Áp xe túi tinh đơn thuần (không kèm áp xe tuyến tiền liệt) là bệnh lý viêm nhiễm tầng sinh môn cực hiếm gặp. Tại Mỹ, từ năm 1958 - 2017, nước này chỉ ghi nhận 7 trường hợp bị áp xe túi tinh đơn thuần. Trong đó, có 1 trường hợp áp xe túi tinh 2 bên.
Bệnh lý này có bệnh cảnh không thực sự đặc hiệu (đau âm ỉ, tức nặng vùng chậu, bẹn, hạ vị và tầng sinh môn) nên việc chẩn đoán chính xác là rất khó khăn. Chẩn đoán áp xe túi tinh chủ yếu dựa vào chẩn đoán hình ảnh chụp cộng hưởng từ vùng tầng sinh môn. Sau khi đã xác định chẩn đoán, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt túi tinh 2 bên, bảo tồn tuyến tiền liệt, bảo tồn ống dẫn tinh 2 bên.
Túi tinh là phần phồng ra phía bên của ống dẫn tinh, dung tích khoảng 3 - 4 ml, kích thước bình thường không bị tắc nghẽn là 2 - 4 cm chiều dài và 1 - 2 cm chiều rộng. Túi tính nằm sâu trong vùng chậu, phía sau tuyến tiền liệt. Vì vậy, các bệnh lý túi tinh thường đi kèm cùng với bệnh lý tuyến tiền liệt.
Hiện tại, tại Việt Nam chưa ghi nhận báo cáo nào về số liệu người bệnh được chẩn đoán áp xe túi tinh đơn thuần (không kèm áp xe tuyến tiền liệt).
Gần 1.000 viên sỏi đường mật nằm trong gan bệnh nhân
VTC News dẫn thông tin từ Khoa Ngoại chung Bệnh viện Quân y 4 (Nghệ An) cho hay, các bác sĩ vừa phẫu thuật nội soi lấy gần 1.000 viên sỏi đường mật trong gan một bệnh nhân.
Trước đó, bệnh nhân N.Đ M. (SN 1960, trú huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) có triệu chứng đau hạ sườn phải, sốt, vàng da, tái phát nhiều lần nên đến Bệnh viện Quân y 4 khám bệnh.
Sau khi thăm khám, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân được chẩn đoán viêm đường mật do sỏi ống mật chủ và nhiều sỏi đường mật trong gan. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi để lấy sỏi.
Kíp mổ khoa Ngoại chung do bác sĩ CKII Nguyễn Văn Hương làm phẫu thuật viên chính đã tiến hành phẫu thuật nội soi. Sau gần 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra gần 1.000 viên sỏi đường mật trong gan và 3 viên sỏi ống mật chủ của bệnh nhân.
Theo bác sĩ, nguyên nhân sỏi đường mật hình thành chủ yếu là do ký sinh trùng đường ruột xâm nhập vào đường mật, cùng với vi khuẩn khiến bilirubin không hoàn toàn hòa tan, từ đó kết hợp với trứng, xác giun trong gan hình thành sỏi.
Ngoài ra, bệnh lý này còn do dịch mật bị ứ đọng do chít hẹp đường mật, dị dạng đường mật hoặc tắc nghẽn do khối u, do sản xuất dư thừa bilirubin như trong bệnh huyết tán. Người béo phì, lười vận động cũng là nhóm đối tượng dễ mắc phải sỏi đường mật trong gan do giảm vận động đường mật.