Vòng tránh thai "đi lạc" vào ổ bụng người phụ nữ
VTV Times đưa tin, khoa Sản - Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa phẫu thuật nội soi lấy vòng tránh thai từ tử cung lạc xuống ổ bụng cho nữ bệnh nhân T.T.L. (34 tuổi, trú tại Nghệ An).
Trước đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu trái. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, cách đây một tháng, bệnh nhân đi đặt vòng tránh thai tại cơ sở y tế gần nhà nhưng sau đó không quay lại kiểm tra.
Sau khi thăm khám và thực hiện những chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả siêu âm và chụp CT-Scanner cho thấy hình ảnh vòng tránh thai chữ T nằm lạc trong cơ tử cung, với ngành ngang chữ T xuyên qua cơ thành sau. Nhanh chóng, bệnh nhân được chỉ định nhập viện để loại bỏ vòng tránh thai "đi lạc".
Tại đây, sau khi tiến hành hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ đã chẩn đoán vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng và quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi để loại bỏ dụng cụ này cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 1 giờ, trong đó các bác sĩ đã kiểm tra kỹ lưỡng ổ bụng và phát hiện dụng cụ tử cung xuyên qua thành trái đoạn eo tử cung. Các quai ruột và phúc mạc vách chậu trái đã bao quanh phần ngang chữ T của dụng cụ, tạo ổ mủ.
Ekip đã thực hiện bóc tách quai ruột và gỡ dính vách chậu, sau đó lấy vòng tránh thai ra khỏi cơ thể bệnh nhân một cách an toàn. Sau mổ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định và sự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Trần Văn Bảo - Phó Trưởng Khoa Sản - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, trường hợp vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Mặc dù đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả nhưng cũng có những rủi ro nhất định, như: thủng hoặc di chuyển sang các cơ quan khác trong ổ bụng, gây ra các triệu chứng bất thường.
Bác sĩ khuyến cáo, việc đặt vòng tránh thai cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín và bệnh nhân cần tuân thủ việc kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn để đảm bảo an toàn, tránh viêm nhiễm và nguy cơ vòng tránh thai lạc chỗ.
Hồi sinh sự sống cho bé gái bị suy tim giai đoạn cuối
Theo TTXVN, ngày 1/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành thành công ca ghép tim cho bệnh nhi nữ T.T.D.L (7 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối do bệnh lý cơ tim giãn. Đây là ca ghép tim cho trẻ em thứ 10 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Cách đây 3 năm, bệnh nhi L. được chẩn đoán bệnh lý cơ tim giãn và được điều trị bảo tồn bằng các thuốc đặc hiệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Thời gian gần đây, bệnh tình suy tim tiến triển nhanh và nặng, đáp ứng với các thuốc điều trị bảo tồn rất kém, bệnh nhi được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, lựa chọn điều trị tối ưu cho bệnh nhi là phương pháp ghép tim.
Các chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, mỗi năm cả nước chỉ có vài trường hợp chết não hiến tạng, cơ hội tìm người hiến tạng phù hợp để ghép tim cho trẻ em rất khó khăn.
Bệnh cảnh suy tim giai đoạn cuối của bệnh nhi khiến cháu khó thở, phải sinh hoại tại giường, đáp ứng điều trị kém. Nếu không được ghép tim, cơ hội sống sau 1 năm cho bệnh nhi là rất thấp.
May mắn cho bệnh nhi được một người chết não hiến tặng tim, giúp cháu hồi sinh sự sống. Các chỉ số tạng của người hiến và người nhận tạng hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên chỉ số cơ thể của người hiến lớn hơn 3,5 lần bệnh nhi.
Sự chênh lệch quá cao về chỉ số cơ thể mang lại nhiều khó khăn về phẫu thuật và hồi sức sau ghép, là thách thức với các trung tâm ghép trong nước và trên thế giới.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ với kinh nghiệm 9 trường hợp ghép tim trẻ em đã tiên lượng những khó khăn trên và đưa ra phác đồ điều trị tích cực cho bệnh nhi.
Sau 1 tuần ghép tim, cơ thể của bệnh nhi đã dần thích nghi với trái tim. Sau 3 tuần phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục rất tốt. Bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt bình thường đủ điều kiện được ra viện.
Ngộ độc nhôm vì dùng phen chua chữa hôi nách suốt 10 năm
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 1/8, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây trung tâm đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân (64 tuổi) bị ngộ độc nhôm do dùng phèn chua để chữa hôi nách suốt 10 năm.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị ngứa lòng bàn chân, tay và toàn thân suốt hai tháng. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ nhôm trong máu và nước tiểu bệnh nhân cao hơn mức cho phép.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, nồng độ nhôm trong máu không được quá 12 mcg/lít và trong nước tiểu dưới 12 mcg/24h. Tuy nhiên ở bệnh nhân này, chỉ số nhôm trong máu là 12,5mcg/lít và trong nước tiểu 47,37 mcg/24h.
Khai thác thông tin từ bệnh nhân được biết, khoảng 10 năm nay bệnh nhân thường xuyên sử dụng phèn chua để chữa hôi nách. Bệnh nhân rang phèn chua, sau đó tán thành bột và bôi vào nách 2 lần/ngày.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định, bệnh nhân bị nhiễm độc nhôm do sử dụng phèn chua lâu ngày. Rất may, bệnh nhân chưa bị tổn thương các cơ quan khác như suy thận, xơ phổi, nhuyễn xương hoặc các bệnh lý liên quan đến não bộ.
Sau gần một tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện. Hiện, bệnh nhân đã xuất viện, điều trị ngoại trú và tái khám định kỳ, không tiếp tục sử dụng phèn chua.
"Đây là trường hợp rất hi hữu, lần đầu tiên Trung tâm Chống độc tiếp nhận ca nhiễm độc nhôm từ bên ngoài xâm nhập qua da. Thực chất phèn chua là muối sunfat kali nhôm. Trong y khoa, hợp chất nhôm được sử dụng để bào chế các thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày tá tràng, điều trị bệnh lý dạ dày, chữa mùi hôi cơ thể.
Nhôm và các hợp chất của nhôm cũng được dùng trong chất phụ gia thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng như đồ dùng nhà bếp và xử lý nước uống (các chất lắng lọc nước). Lượng nhôm vào cơ thể từ những nguồn này là không đáng kể nếu sản phẩm được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn và sử dụng đúng chỉ định, liều lượng", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.