+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 18/5/2024: Cấp cứu cụ ông 94 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 18/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Cấp cứu cụ ông 94 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp

    Báo Hà Giang dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, khoa Tim mạch của bệnh viện vừa can thiệp, cứu sống thành công một bệnh nhân cao tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp.

    Theo đó, bệnh nhân là ông H.V.T (94 tuổi, địa chỉ tại thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Ngày 15/5, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện  Đa khoa huyện Quang Bình với các dấu hiệu đau ngực trái dữ dội, chóng mặt, tiền sử thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp.

    Sau khi khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm và hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, bệnh nhân tiên lượng nặng, sau khi xử trí ban đầu đã được chuyển lên tuyến trên.

    Động mạch vành sau đặt sten được thông hoàn toàn. Ảnh: Báo Hà Giang

    Động mạch vành sau đặt sten được thông hoàn toàn. Ảnh: Báo Hà Giang

    Ths.Bs Trịnh Tiến Hùng - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết: “Chúng tôi nhận định đây là một ca bệnh phức tạp do cao tuổi, nhồi máu cơ tim, tắc hoàn toàn đoạn đầu động mạch mô tim, tổn thương mạch vành phức tạp cùng với men tim tăng cao, suy tim, suy thận, suy hô hấp.

    Ekip của khoa đã nhanh chóng xây dựng phác đồ cấp cứu, sử dụng phương tiện can thiệp đặc biệt, đồng bộ tiến hành đặt 2 sten mạch vành, thông tắc nghẽn hoàn toàn. Thời gian tiến hành can thiệp 1,5 giờ, đến nay bệnh nhân hồi phục tốt, không phải thở máy, hết đau ngực, tình trạng suy tim, suy hô hấp được cải thiện rõ rệt”.

    Với chuyên môn cao, làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến, khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã độc lập triển khai can thiệp tim mạch nhiều năm nay, xử lý, cấp cứu, đặt sten khoảng 300 ca bệnh liên quan; trong đó có nhiều ca bệnh là người cao tuổi.

    Việc cấp cứu thành công cho ca bệnh phức tạp lần này khẳng định bước tiến vượt trội của ngành Y tế tỉnh nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang nói riêng trong làm chủ các kỹ thuật hiện đại về tim mạch, mạch vành, tạo điều kiện thuận lợi trong khám, cấp cứu kịp thời người bệnh. 

    Được biết, bệnh mạch vành là bệnh lý tim mạch thường gặp xảy ra ở nhiều độ tuổi, ngày càng có biểu hiện trẻ hóa và cực kỳ nguy hiểm, diễn biến nhanh, gây nhiều biến chứng đe dọa tính mạng.

    Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: Đau ngực, nặng ngực, khó thở, tiền sử nhiều bệnh nền… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám xử lý kịp thời, đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị.

    Nguyên nhân khiến cụ bà đau bụng dữ dội vùng thượng vị

    Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, vừa qua, Bệnh viện Nam Thăng Long tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân N.T.H (88 tuổi, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội.

    Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân bị tăng huyết áp, thoái hóa đa khớp, xẹp đốt sống, đã phẫu thuật thuật thủng ổ loét dạ dày các đây 2 năm. Vì thoái hóa khớp và xẹp đốt sống nên bệnh nhân thường xuyên tự sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm mà không được kê đơn. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị.

    Qua thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, nghi do thủng ổ loét dạ dày – tá tràng. Bệnh nhân đã được mổ cấp cứu nội soi ổ bụng.

    Trong quá trình phẫu thuật phát hiện mặt trước hành tá tràng có một lỗ thủng kích thước 0,5cm, bờ lỗ thủng mềm mại, nghĩ nhiều đến thủng do loét. Bệnh nhân đã được khâu lỗ thủng tá tràng và rửa khoang phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt.

    Theo các bác sĩ, thủng ổ loét dạ dày tá tràng là biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày tá tràng, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân.

    Sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid và thuốc cortisol để điều trị các bệnh xương khớp, bệnh viêm mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày tá tràng.

    Bác sĩ Nguyễn Hồng Nam - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nam Thăng Long cho biết, trong quá trình khám, cấp cứu và điều trị bệnh gặp rất nhiều các trường hợp lạm dụng thuốc giảm đau gây ra nhưng hậu quả đáng tiếc như thủng tạng rộng, tổn thương gan, suy thận…

    Vì vậy bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính cần được khám bệnh và kê đơn định kỳ, để các bác sĩ theo dõi tiến triển của bệnh cũng như các tác dụng phụ của thuốc để có thể điều chỉnh thuốc kịp thời.

    Bệnh nhân không nên tự ý đi mua thuốc và tự ý uống không theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi có các triệu chứng bất thường cần đến thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế để được điều trị, tránh gặp những biến chứng đáng tiếc xảy ra khi điều trị muộn.

    Người đàn ông ngộ độc so biển nguy kịch

    Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) thông tin, các bác sĩ vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho một trường hợp ngộ độc so biển nguy kịch. 

    Cụ thể, bệnh nhân là ông H.V.C (61 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có ăn so biển trong bữa tối. Sau khi ăn, ông thấy cứng hàm, tê môi, tê lưỡi, bồn chồn, khó thở khó nói, vận động khó khăn nên được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. 

    Người bệnh tỉnh táo, các triệu chứng ngộ độc thuyên giảm sau 24 giờ điều trị tích cực. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Người bệnh tỉnh táo, các triệu chứng ngộ độc thuyên giảm sau 24 giờ điều trị tích cực. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời người bệnh cho hay, mặc dù biết con so biển có độc tính nhưng ông vẫn ăn bởi nhiều lần ăn con này mà không gặp vấn đề gì. 

    Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc so biển và nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử trí cấp cứu thải độc theo phác đồ, gồm giảm tiết, rửa dạ dày, cân bằng dịch điện giải. Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, các triệu chứng ngộ độc thuyên giảm. 

    Theo các bác sĩ, so biển chứa độc tố Tetrodotoxin cực mạnh, tập trung chủ yếu ở buồng trứng. Đặc biệt, vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ cao hơn. Ngoài so biển, độc tố Tetrodotoxin còn được tìm thấy trong cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông và một số loài ốc biển. 

    Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh - khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ, Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh, bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc.

    Độc tố gây ảnh hưởng chủ yếu đến thần kinh (đặc biệt là liệt), tim mạch và tiêu hóa. Chỉ với liều lượng nhỏ, Tetrodotoxin có thể gây tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt cơ vận động và cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-18-5-2024-cap-cuu-cu-ong-94-tuoi-bi-nhoi-mau-co-tim-cap-a424384.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan