Vấp ngã khi phụ cha chăn bò, bé trai bị 20 con bò giẫm lên người
Tạp chí Tri Thức đưa tin trong lúc phụ cha chăn bò, bé H.D.H. (10 tuổi, ngụ huyện La Gi, Bình Thuận) vấp ngã và không may bị 20 con bò giẫm lên người. Em được chụp CT sọ não, siêu âm bụng tại phòng khám địa phương nhưng không ghi nhận bất thường.
Tuy nhiên, khi đến nhà, H. có hiện tượng nôn ra máu sậm và được đưa vào bệnh viện. Tại đây, kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy em có hiện tượng tràn dịch ổ bụng, tụ máu bao lách.
Trẻ được sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) với chẩn đoán chấn thương lách, đa chấn thương do tai nạn sinh hoạt. Bệnh nhi nhập cấp cứu trong tình trạng lừ đừ, da xanh, da nhạt. Bụng, tay, chân có nhiều vết xước; hai cẳng chân bầm tím.
Sau khi được thăm khám, H. được chẩn đoán bị chấn thương dập rách lách độ IV, cực trên lách có tổn thương mạch máu gây xuất huyết. Bóng hơi xuất hiện ở gan, tràn máu ở hạ vị, rãnh đại tràng và vùng quanh lách. Nghiêm trọng hơn, phổi của trẻ bị dập rách rải rác vùng thùy dưới, gây tràn khí và máu.
"Trẻ được hỗ trợ hô hấp, thở oxy, truyền dịch, truyền máu. Sau hội chẩn liên chuyên khoa, bé cũng được điều trị bảo tồn, chăm sóc vết thương da phần mềm và tiêm ngừa uốn ván.
Các bác sĩ cũng theo dõi sát tình trạng tổn thương nội tạng trong lồng ngực, bụng và xuất huyết của trẻ", bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin.
May mắn, sau 4 ngày điều trị, tình trạng bé H. cải thiện. Trẻ dần tỉnh táo, hồng hào. Kết quả chụp CT não, ngực, bụng và siêu âm ngực bụng không thấy xuất huyết thêm.
Cứu sản phụ bị tình trạng rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược nặng
VTV Times đưa tin, sản phụ 35 tuổi nhập viện khi mang thai 37 tuần 6 ngày, thai lần 3, vết mổ đẻ cũ, bụng có cơn gò cứng. Sau khi tiến hành thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) chẩn đoán sản phụ có rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược, ngôi ngược trên nền có vết mổ đẻ cũ.
Theo bac sĩ CKII Vũ Thị Dung - Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, đây là một trường hợp phẫu thuật lấy thai tương đối khó khăn do người bệnh đã có tiền sử mổ lấy thai trước đó. Đồng thời, tình trạng rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược của người bệnh rất nặng nề khi các gai rau đâm xuyên thủng cơ tử cung và thành bàng quang.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phụ và thai nhi khi phẫu thuật, ekip đã lên phương án, dự trù các chế phẩm máu, phương tiện, vật tư chu đáo. Cùng với sự phối hợp tốt của ekip gây mê hồi sức, ca phẫu thuật do bác sĩ CKII Vũ Thị Dung trực tiếp thực hiện cùng sự tham gia của các bác sĩ ngoại thận tiết niệu đã thành công tốt đẹp.
Bé gái chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2.740 gram, sau sinh bé khóc ngay, phản xạ tốt. Về phía sản phụ, do tổn thương tử cung phức tạp, xét thấy khó phục hồi, các bác sĩ đã tiến hành cắt tử cung, khâu phục hồi thành tử cung.
Sau hơn 3 gờ đồng hồ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, cứu sống cả 2 mẹ con sản phụ. Hiện, sức khỏe 2 mẹ con đều ổn định.
Theo các bác sĩ, việc chẩn đoán sớm, phát hiện và can thiệp kịp thời những tai biến sản khoa nguy hiểm như trường hợp của sản phụ trên có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi từ đó giúp các bác sĩ có chế độ theo dõi thai phù hợp, chuẩn bị các phương án xử trí cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp. Vì thế trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần được chăm sóc, theo dõi sức khỏe chặt chẽ để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Số ca mắc bệnh ho gà tại Hà Nội gia tăng bất thường
VietnamPlus dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh nào.
Tính riêng từ 8/3 - 15/3, Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc ho gà. Cả hai đều là trẻ mới 1 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng ho gà. Trẻ khởi phát bệnh với các triệu chứng ho, sốt, thở khò khè…
Đánh giá từ CDC Hà Nội cho thấy hầu hết các trường hợp mắc ho gà là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Theo các chuyên gia y tế, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh.
Ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, 1 người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường có diễn biến nặng.
Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.
Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Đặc biệt, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu ôxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình 9-10 ngày). Vì thế, bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.
Đinh Kim (T/h)