+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 17/3: Ăn nhầm thuốc giảm cân, bé gái 3 tuổi nhập viện cấp cứu

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/3/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/3/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Ăn nhầm thuốc giảm cân, bé gái 3 tuổi nhập viện cấp cứu

    Báo Hà Nội Mới đưa tin ngày 16/3, Bệnh viện Nhi trung ương đưa ra cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi trẻ em bị ngộ độc thuốc, hóa chất, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn lan trên mạng.

    Điển hình là trường hợp bé gái H.T (3 tuổi, Hà Nam) ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân được chị gái mua ở trên mạng. Bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, sau khi uống, trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, gia đình cho trẻ vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương.

    Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp để hạn chế hấp thu chất độc như rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp bồi phụ nước điện giải. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện.

    tin tuc doi song ngay 1732024 an nham thuoc giam can be gai 3 tuoi nhap vien cap cuu
    Một bệnh nhi điều trị tại khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Hà Nội Mới

    Theo các bác sĩ, loại thuốc giảm cân mà bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ thành phần, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ.

    Uống nhầm thuốc, hóa chất không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hàng năm thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn…

    Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên ngộ độc thuốc diệt chuột có chủ đích do trẻ có ý định tự tử… Điều này dẫn đến các tổn thương nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch đến tính mạng.

    Do đó, bác sĩ khuyến cáo, các gia đình có trẻ nhỏ, cần để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ; không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Mặt khác, không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

    Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc và khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

    Khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.

    Hà Nội ghi nhận hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2024

    Theo báo Kinh Tế & Đô Thị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, những tuần gần đây, Hà Nội tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2024 cho đến nay, thành phố ghi nhận 513 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

    CDC Hà Nội thông tin, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay gồm Đống Đa 81 ca, Hà Đông 58 ca, Hoàng Mai 43 ca, Hai Bà Trưng 32 ca… Dự báo, thời gian tới có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết, do đó, người dân không được chủ quan.

    Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm, ngay từ đầu năm.

    Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 5 ngày.

    tin tuc doi song ngay 1732024 an nham thuoc giam can be gai 3 tuoi nhap vien cap cuu2
    Thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết từ 4 - 5 ngày. Ảnh minh họa

    Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn: Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.

    Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất, virus khi tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

    Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

    PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, nhiều người dân chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế, nhiều trường hợp sốt, dù chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn, thậm chí tử vong.

    Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

    Được mẹ cho “ăn chay”, em bé nhập viện trong tình trạng co giật

    Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị suy dinh dưỡng thể phù (rối loạn dinh dưỡng gây tích nước trong cơ thể), thiếu đạm.

    Bệnh nhi là bé trai L.H.L (22 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An), được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng co giật toàn thân. Theo bệnh sử, khoảng 4 ngày trước, trẻ bị sốt nhẹ, ho, sổ mũi, quấy khóc. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi co giật toàn thân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

    Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, trẻ tiếp tục co giật. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận, trẻ bị phù toàn thân, da xanh xao, niêm nhạt. Khai thác tiền sử dinh dưỡng ghi nhận trẻ chỉ được mẹ cho “ăn chay” với gạo lức, mè, uống sữa hạt xay từ lúc sinh.

    Kết quả điện giải đồ cấp cứu cho thấy bệnh nhi bị hạ natri máu nặng (còn 99.7 mmol/l, bình thường 135 – 145 mmol/l); hạ kali máu nặng (còn 2.5 mmol/l, bình thường 4.5-5 mmol/l); hạ calci tự do máu nặng còn 0,79mmol/l, bình thường 1-1,12mmol/l); nồng độ vitamin D trong máu giảm thấp còn 9.24 ng/ml, bình thường 20-63.7 ng/ml).

    tin tuc doi song ngay 1732024 an nham thuoc giam can be gai 3 tuoi nhap vien cap cuu1
    Em bé chỉ được mẹ cho “ăn chay” với gạo lức, mè, uống sữa hạt xay từ lúc sinh. Ảnh minh họa: Tiền Phong

    Các bác sĩ đã cho trẻ sử dụng thuốc chống co giật đồng thời điều trị bổ sung natri, kali, calci truyền tĩnh mạch cấp cứu giai đoạn đầu, sau đó bổ sung qua đường uống. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, hết co giật, tỉnh táo, xét nghiệm điện giải đồ máu trở lại bình thường.

    Bệnh nhi đã được bác sĩ dinh dưỡng hội chẩn, điều chỉnh chế độ ăn thích hợp theo tuổi. Các bác sĩ đã tư vấn và hướng dẫn cho người mẹ cùng gia đình cách chăm sóc và dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi của trẻ.

    Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo ngoài sữa mẹ, trẻ dưới 2 tuổi cần được bổ sung thêm đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất.

    Các chất dinh dưỡng được cung cấp qua sự đa dạng của các loại thực phẩm như: rau củ quả, thịt, cá, tôm, trứng, sữa… Đây là nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-ngay-17-3-2024-an-nham-thuoc-giam-can-be-gai-3-tuoi-nhap-vien-cap-cuu-a614705.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan