Trời nóng “như lửa đốt”, bác sĩ khuyến cáo gì?
Theo tạp chí Tri Thức, các bác sĩ khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho biết thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do cơ thể mất nước nhiều khi lao động ngoài trời nhiều giờ.
Trường hợp đầu tiên là anh L.V.T. (46 tuổi, trú tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), làm nghề xây dựng, phải lao động thời gian dài ngoài trời nắng nóng. Anh được đưa vào cấp cứu trong tình trạng co rút các cơ toàn thân, đặc biệt vùng bắp chân, huyết áp tăng.
Trường hợp khác là ông Đ.V.T. (64 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), là ngư dân. Ông nhập viện với triệu chứng tê bì chân tay, chuột rút liên tục, đau cơ.
Hai bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm máu cô đặc, tăng men gan, suy thận cấp, phải truyền dịch, bù nước và điện giải. May mắn, sau 3 ngày điều trị tích cực, chức năng thận của các bệnh nhân đã ổn định, sức khỏe hồi phục tốt.
Bác sĩ CKI Lương Minh Tuyến, Phó trưởng khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ, trong thời tiết nắng nóng, mọi người có thể bị mất nước, rối loạn điện giải với biểu hiện triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, lả người, ù tai, hoa mắt, tụt huyết áp, buồn nôn, tim đập nhanh và mạnh, chuột rút, tay chân co quắp, co giật… Nguy hiểm hơn là biến chứng suy thận cấp, sốc nhiệt, hôn mê và có thể ảnh hưởng tính mạng.
"Những trường hợp bệnh nhân nhập viện do nắng nóng ở mức độ nhẹ có thể được điều trị tại khoa thường, bù nước và điện giải, tránh suy thận cấp. Bệnh nhân nặng bị sốc nhiệt có thể phải lọc máu, điều trị hồi sức tích cực", bác sĩ Tuyến cho hay.
Theo dự báo, thời gian tới, miền Bắc và Trung vẫn sẽ có nhiều đợt nắng nóng với nền nhiệt cao kéo dài. Để phòng tránh tác hại nguy hiểm của nắng nóng đến sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao, từ 10h đến 17h. Nhóm người lao động hoặc di chuyển ngoài trời phải cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, các biện pháp chống nắng nóng.
Mọi người cần uống đủ nước hàng ngày, hàng giờ để bù lượng nước mất đi. Đặc biệt, những trường hợp làm việc ngoài trời có thể phải bù 3-4 lít nước và nên bổ sung thêm điện giải tránh biến chứng suy thận cấp do mất nước.
Mọi người cũng cần hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa, nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời nóng hoặc ngược lại.
Người bị say nắng cần được đưa ra khỏi môi trường nắng, đặt nằm ở nơi thoáng mát có bóng râm càng sớm càng tốt, nới lỏng quần áo, chườm mát bằng nước lạnh, bổ sung nước uống hoặc nước oresol... và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để tránh nguy cơ, biến chứng nặng do mất nước, mất điện giải.
Cấp cứu bé 22 tháng tuổi ăn nhầm bả chó
VTC News đưa tin ngày 14/6, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay vừa tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhi H.Y.N.H (22 tháng tuổi, ngụ Đắk Nông). Thông tin từ gia đình, khi đang chơi trong sân, bé H. nhặt được một vật dưới đất, sau đó cho vào miệng ăn, cha mẹ không kịp ngăn cản.
Khi phát hiện món đồ bé ăn phải là bả nghi của những kẻ trộm chó quăng vào sân, cha mẹ lập tức đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Lúc này, bé trong tình trạng lơ mơ, tay chân gồng cứng. Sau đó, bé được rửa dạ dày, truyền dịch và chuyển lên TP.HCM. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ tiếp tục nỗ lực điều trị. Hiện, sức khỏe của bé tạm ổn định.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Kiều - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, bả chó thường có chất độc xianua (dạng lỏng), đặt trong các túi nilon cột căng tròn, bên ngoài phủ một lớp thịt mỏng. Khi ăn trúng bả, túi nilon sẽ nhanh chóng vỡ ra, chất độc xịt vào trong khoang miệng gây tử vong.
Trước đó, tại huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) cũng xảy ra vụ hai cháu bé ăn trúng bả chó hình giống kẹo mút. Hai cháu vừa ăn được một chút thì đều lăn ra đất, có biểu hiện khó thở nên được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bệnh tình của một cháu bé quá nặng nên không qua khỏi.
Bác sĩ khuyến cáo, ngộ độc xianua cần được các bác sĩ chuyên khoa xử trí. Người nhà không cố làm nạn nhân nôn ói vì có thể gây trầy cổ họng, xuất huyết dạ dày, hít sặc. Khi trẻ bị ngộ độc, cha mẹ cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Người phụ nữ mang khối u thận to hiếm gặp
Theo báo Đồng Nai, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp, loại bỏ khối u thận to hiếm gặp cho bệnh nhân N.T.H. (42 tuổi, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Chị H. bị đau bụng âm ỉ kéo dài ở vùng hông lưng trái suốt 3 tuần, thi thoảng đau tức ở vùng trên rốn. Kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy, bệnh nhân có một khối u mạch cơ mỡ “khổng lồ” với kích thước 10x12x20 cm ở thận trái.
Do khối u quá lớn nên các bác sĩ của các khoa ngoại - sản - liên chuyên khoa và gây mê hồi sức của bệnh viện đã hội chẩn, lên kế hoạch phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng vẫn bảo tồn được phần thận trái của bệnh nhân.
Ekip phẫu thuật sau đó đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, lấy ra toàn bộ khối u thận trái “khổng lồ” cho bệnh nhân, đồng thời bảo tồn phần thận lành, đảm bảo chức năng cho người bệnh.
Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, đi lại, ăn uống bình thường và đã được xuất viện. Khối u đã được gửi đi giải phẫu.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Truyện - Phó khoa Ngoại - sản - liên chuyên khoa cho biết, u mạch cơ mỡ thận là u thận lành tính hiếm gặp. Đối tượng có nguy cơ mắc cao là nữ giới tuổi ngoài 40.
Mặc dù được coi là lành tính nhưng u mạch cơ mỡ có thể phát triển đến mức chèn ép gây suy giảm chức năng thận hoặc có thể có biến chứng vỡ u gây chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng người bệnh. Lúc đó, người bệnh phải được mổ cấp cứu, có thể phải cắt bỏ thận, thậm chí có trường hợp nặng dẫn đến tử vong do mất máu cấp.