Hãi hùng cánh tay lở loét sau khi bị mèo cào
Báo Người Lao Động đưa tin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.V.N. (63 tuổi, ở Hà Nội) đến khám do cánh tay bị lở loét sau khi bị mèo cào.
Bệnh nhân cho biết sau khi bị mèo trong nhà cào vài vết xước nhỏ vào mặt trước cẳng tay trái, ông đã tự sát khuẩn tay bằng ôxy già và mua thuốc Rifamycin về rắc lên vết thương.
2 ngày sau, khu vực gần vết thương xuất hiện nốt đỏ kèm theo ngứa và mụn nước. Bệnh nhân không đi khám mà tiếp tục điều trị tại nhà thêm 5 ngày. Lúc này, tình trạng ở tay không đỡ.
Bệnh nhân bị sưng đau tăng lên tại vị trí mèo cào, vết thương lan rộng ra khắp 1/2 cẳng tay, chảy dịch vàng. Bệnh nhân đến bệnh viện và được chẩn đoán viêm mô bào sau mèo cào, tình trạng nặng.
Bác sĩ Trần Văn Long ở khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, viêm mô bào thường khởi phát ở một vùng da sưng, sau đó lan rộng nhanh chóng.
Khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, nứt trên da, các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào lớp bên dưới da, gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng. Nếu không được điều trị có thể đe dọa đến tính mạng.
Trong khi đó, dược sĩ Khuất Thị Oanh - Phó Trưởng khoa dược Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, loại thuốc bệnh nhân dùng là Rifamycin. Đây là thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị lao nhưng nhiều người dân lạm dụng làm thuốc bôi ngoài.
Việc rắc bột kháng sinh trực tiếp vào vết thương hở sẽ làm kích thích da, các phản ứng viêm tại chỗ nên dễ gây dị ứng, thậm chí sốc phản vệ. Trên thực tế, sau khi rắc thuốc một vài giờ, bột thuốc kháng sinh sẽ khô lại, nồng độ kháng sinh thấm vào các mô bị tổn thương không đáng kể nên cũng không có tác dụng phòng, chống nhiễm khuẩn.
Bác sĩ khuyến cáo các vết thương hở, lở loét có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, cần đi khám sớm. Khi bị chó mèo cắn, người dân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và theo dõi vết thương, không tự ý mua thuốc điều trị.
Cứu bé gái 13 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp
Bé gái 13 tuổi ở TP.HCM nhập Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố trong tình trạng da xanh, khó thở, mạch không bắt được, nhịp tim nhanh không đều. Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn lời bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trước đó 2 ngày, bệnh nhi sốt, đau bụng, nôn ói. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim tối cấp.
Bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch. Tình trạng bệnh nhi diễn tiến xấu nhanh, tim giảm dần, tụt huyết áp, ngưng tim, được cấp cứu tim phổi, hội chẩn các chuyên khoa.
Các bác sĩ can thiệp ECMO trong khi vẫn xoa bóp tim ngoài lồng ngực suốt gần 60 phút để kịp kết nối với máy. Sau kết nối và điều chỉnh thông số thích hợp, tình trạng trẻ vẫn diễn tiến nặng, phức tạp, rối loạn nhịp nhanh thất, sau đó block nhĩ thất.
Các bác sĩ quyết định đặt máy tạo nhịp tim, điều chỉnh rối loạn điện giải, kiềm toan, lọc máu liên tục giải quyết tình trạng tổn thương gan thận, suy đa cơ quan.
Sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi cải thiện dần, huyết áp trở về bình thường, ngưng được vận mạch, cai ECMO, sau đó cai máy thở, tỉnh táo.
Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, làm tổn thương tế bào cơ tim, giảm sức co bóp cơ tim. Trẻ nhỏ từ 2-10 tuổi thường là đối tượng dễ bị viêm cơ tim cấp do sức đề kháng yếu, khiến virus và vi khuẩn có thể dễ dàng vượt qua hàng rào miễn dịch và tấn công cơ tim.
Theo bác sĩ Tiến, trẻ bị viêm cơ tim cấp thường bị sốt, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân và các đầu ngón tím tái. Trẻ em khi nhiễm siêu vi nguy cơ bị biến chứng viêm cơ tim tối cấp.
"Trẻ khi có các dấu hiệu trên nên nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám, chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Báo động đỏ lúc nửa đêm cứu bệnh nhân ngừng tim khi đang chờ mổ
VietNamNet đưa tin, cuối tháng 2, người phụ nữ 39 tuổi ở Hà Nội thấy mệt, ho nhiều, đau nhức cánh tay trái, đi khám tổng quát tại bệnh viện gần nhà. Bác sĩ phát hiện chị bị hở van tim độ vừa.
Nữ bệnh nhân dùng thuốc nửa tháng (nửa số thuốc bác sĩ kê) nhưng không đỡ nên đến khám lại ở Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hở van hai lá, ba lá nhiều, suy tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tăng áp phổi, gần như không thể đi lại, cần nhập viện phẫu thuật.
Đang chờ mổ trong đêm, bệnh nhân chuyển trạng thái nặng nhanh, đột ngột xuất hiện ngừng tim, ngừng thở, mất dần ý thức. Báo động đỏ được tua trực bật ngay lúc 2h để hồi sức tim phổi cho bệnh nhân.
Vài phút sau, tim bệnh nhân đập trở lại nhưng vẫn hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng, vô niệu, được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, tiên lượng xấu. Các biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt chỉ huy… được áp dụng ngay.
Sau một ngày, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ sọ não, hình ảnh cho thấy thiếu oxy vỏ não bán cầu đại não và nhân đuôi 2 bên.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, phương án phẫu thuật cho bệnh nhân lúc này chưa đặt ra ngay vì khả năng cao bệnh nhân bị tổn thương não không hồi phục.
"Nếu chỉ mổ tim mà bệnh nhân sống thực vật thì việc mổ tim sẽ không có ý nghĩa", bác sĩ Hiền nói.
Sau 13 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh lại, tình trạng nhiễm trùng dần ổn định, tuy nhiên vấn đề suy tim khó kiểm soát. Bác sĩ lập tức hội chẩn để phẫu thuật gấp, quyết định mổ và thay van tim để giải quyết tình trạng nhiễm trùng nặng và suy tim cho bệnh nhân.
Ca mổ cho bệnh nhân kéo dài hơn 3 tiếng. Hiện sau hơn 2 tuần hồi sức, bệnh nhân đã hồi phục thần kỳ. Sau hai tháng điều trị, người bệnh đã hồi phục tốt, đang tiếp tục theo dõi.