Hơn 200 viên sỏi lấp đầy túi mật bệnh nhân
VTV Times đưa tin, bệnh nhân T. (47 tuổi, trú tại tỉnh Tây Ninh) nhập Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) trong tình trạng đau bụng thượng vị, hạ sườn phải, buồn nôn.
Tiếp nhận bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ thực hiện CTscan, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy do có sỏi ống mật chủ kèm sỏi túi mật.
Sau khi hội chẩn thống nhất, ekip các bác sĩ đã tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng, đặt stent đường mật làm thông đường mật. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt túi mật, giải quyết triệt để nguyên nhân.
Trong quá trình phẫu tích bệnh phẩm mổ, ekip đã lấy ra hơn 200 viên sỏi với kích thước 2mm - 5mm lấp đầy túi mật bệnh nhân.
Sau mổ lấy sỏi, bệnh nhân ổn, hết đau bụng, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường, các chỉ số xét nghiệm trở về mức bình thường. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Bác sĩ CKI Phan Văn Sơn - khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, phương pháp phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi ổ bụng rất thành công và được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Phương pháp cắt túi mật nội soi với nhiều ưu điểm: vết mổ nhỏ, ít đau sau mổ, hồi phục nhanh và thẩm mỹ giúp quý bà con an tâm hơn khi điều trị.
Từ trường hợp của bệnh nhân trên, bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo người bệnh sỏi túi mật không nên chủ quan để bệnh kéo dài, hãy tầm soát và điều trị kịp thời để tránh dẫn đến viêm tụy và những biến chứng nguy hiểm sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Thanh niên phải đi cấp cứu sau khi ngáp lớn
Theo VietNamNet, bệnh nhân là anh Đ.V.T (27 tuổi), được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cấp cứu ngày 10/6. Người nhà cho biết, sau khi ngáp lớn, anh T. bất ngờ không khép được miệng lại, chảy nước dãi, đau nhiều 2 bên hàm và tai.
Tại Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị trật khớp thái dương hàm hai bên, chỉ định cấp cứu nắn chỉnh khớp thái dương - hàm, đưa lồi cầu về vị trí chức năng bình thường và băng cố định cằm - đầu. Ngày 11/6, người bệnh vẫn được theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp.
Bác sĩ CKII Đỗ Xuân Hùng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp chia sẻ, trật khớp thái dương hàm là sự mất tương quan giải phẫu bình thường giữa lồi cầu xương hàm dưới và lồi khớp xương thái dương. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ bị cứng khớp, giãn dây chằng không hồi phục.
Ngoài ra, bệnh nếu tiến triển nặng sẽ gây tổn thương khớp, làm nhuyễn sụn khớp, thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương - hàm. Khi đó, các đầu khớp bắt đầu thoái hóa gây dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, có thể dẫn đến thủng đĩa khớp.
Vì vậy, người dân khi phát hiện có dấu hiệu không ngậm miệng được sau khi ngáp, há lớn, khóc, cười… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bé trai 13 tuổi bị điện giật gây bỏng bàn tay trái
Báo Người Lao Động đưa tin ngày 11/6, bác sĩ CKII Vũ Hiệp Phát - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, dịp hè là thời điểm gia tăng các tai nạn sinh hoạt ở trẻ em. Hầu hết do trẻ ở độ tuổi thích tò mò, khám phá, bất cẩn hoặc trẻ ở xa tầm mắt của phụ huynh... dẫn đến tai nạn.
Điển hình, bệnh viện tiếp nhận bé trai K.S.Y.P (13 tuổi, ngụ Đắk Lắk) chuyển đến vì điện giật. Gia đình cho biết cả nhà đi làm rẫy, nghỉ hè bé P. ở nhà một mình. Khi đang thả diều thì diều mắc vào mái nhà, em tự trèo lên lấy thì bị điện giật gây bỏng bàn tay trái.
Lúc này, bạn cùng chơi hô hoán hàng xóm đến hỗ trợ và gọi người nhà về đưa em đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây, em được sơ cứu, sau đó bác sĩ chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Hiện, bệnh nhi tỉnh và tiếp tục điều trị vết thương tại khoa Bỏng - Chỉnh trực.
Một trường hợp khác là bé gái L.H.D. (8 tuổi, ngụ Bình Dương) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng từ vai đến mông. Gia đình cho biết, bé D. đạp xe cùng bạn gần nhà. Tuy nhiên, sau đó, bé mất lái ngã vào nồi nước sôi của nhà hàng xóm khiến bỏng nặng. Tại bệnh viện, bé đang được các bác sĩ điều trị tích cực. Hiện bé đang được các y bác sĩ Khoa Bỏng – Chỉnh trực của bệnh viện tích cực điều trị.
Bác sĩ Phát nhấn mạnh mùa hè là thời điểm trẻ thường gặp các tai nạn như bỏng (điện, xăng, hóa chất,..), đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông, các sự cố té ngã… Bên cạnh đó, các trường hợp tai nạn do đuối nước, thường ở những nơi nhiều ao, hồ, sông, suối và cả trong hồ bơi. Tùy thuộc vào thời gian đuối nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng của trẻ cũng như để lại những di chứng não nặng nề về sau.
Riêng các trường hợp bị bỏng do nước sôi, do cháy nổ nhập viện cũng ghi nhận tăng vào dịp nghỉ hè. Thương tích của bỏng không chỉ làm tổn thương da, nhiễm trùng, thời gian điều trị kéo dài thậm chí tử vong.
Ngoài ra tai nạn còn đến từ các thiết bị điện, do thú cưng, hít phải các chất độc hại, ngộ độc, ong đốt, rắn cắn, té ngã... cũng cần đặc biệt lưu ý.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo cha mẹ luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè. Hãy thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ bởi nguy hiểm luôn "rình rập" bất kỳ thời điểm nào.