Bị bỏng độ II sau khi đắp lá trị đau lưng
VTV Times đưa tin, khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận một trường hợp người bệnh nhập viện điều trị đau lưng với vết bỏng da vùng lưng.
Cụ thể, người bệnh L.V.N., (nam, 39 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử đau lưng nhiều năm. Do đặc thù công việc nặng nhọc, cách vào viện 1 tuần, người bệnh bị tái phát đau lưng, đau lan xuống chân 2 bên, tê mỏi liên tục, đau tăng khi vận động hay ho hắt hơi, cúi ngửa hạn chế.
Tuy nhiên, người bệnh không đến viện khám mà tự đọc trên internet rồi tìm một loại lá cây đem giã trộn với muối đắp điều trị. Sau 3 ngày, tình trạng đau lưng không cải thiện mà vùng da đắp thuốc còn bị phỏng rộp.
Khi nhập viện, người bệnh được chẩn đoán: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, bỏng độ II vùng thắt lưng kích thước khoảng 3x6cm.
Tại Khoa Y học cổ truyền, người bệnh được điều trị giảm đau chống viêm, giãn cơ, chăm sóc vệ sinh vết bỏng, kết hợp điều trị các thủ thuật y học cổ truyền như điện châm, thủy châm, xoa bóp…
Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng đau lưng đã giảm, người bệnh có thể vận động cúi ngửa dễ dàng hơn, vết bỏng vùng thắt lưng bong vảy thành sẹo.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi chưa biết rõ tác dụng và cách sử dụng các loại lá có tác dụng chữa bệnh, tuyệt đối không làm theo những phương pháp chưa được kiểm chứng, hoặc tự ý sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc trôi nổi, quảng cáo tràn lan trên mạng…
Thay vào đó, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị đúng cách, tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
Cứu sống bé 7 tháng tuổi bị tim bẩm sinh phức tạp
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 9/5, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết, bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cứu sống bệnh nhi nữ 7 tháng tuổi bị tim bẩm sinh phức tạp.
Đó là trường hợp bé C.N.M.P (7 tháng tuổi, nặng 6.7 kg, ngụ tại TP.Đà Nẵng). Trước khi nhập viện, trẻ có biểu hiện sốt ho, thở mệt, tím tái, SpO2 dao động 68-75%.
Được biết trước đó, bệnh nhi sinh thường đủ tháng tại Bệnh viện Từ Dũ, được chẩn đoán tiền sản chuyển vị đại động mạch và được hẹn tái khám ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bác sĩ siêu âm tim ghi nhận chuyển vị đại động mạch, hẹp dưới van và tại van động mạch phổi, còn ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất.
Khi nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được nhập viện chẩn đoán viêm phổi nặng – tim bẩm sinh phức tạp, cần điều trị hỗ trợ hô, kháng sinh, thuốc trợ tim.
Sau 1 tuần, tình trạng trẻ cải thiện và được hội chẩn. Ekip tim mạch tiến hành mổ tim với phương pháp Nikaidoh chuyển gốc động mạch chủ ra sau, đóng thông liên thất, đóng thông liên nhĩ, tạo thông nối động mạch phổi và thất phải bằng ống nối mạch máu nhân tạo.
Quá trình phẫu thuật chạy tuần hoàn ngoài cơ thể 274 phút, liệt tim 158 phút, khi tim đập lại, xuất hiện block nhĩ thất độ III, đặt máy tạo nhịp 2 buồng. Sau mổ, bệnh nhi được chuyển khoa hồi sức tim.
Tại đây trẻ biểu hiện rối loạn nhịp, nhịp tim 170-180 l/phút, có lúc có cơn nhịp nhanh 200 lần/phút, được điều trị thuốc chống loạn nhịp amiodarone, điều chỉnh rối loạn điện giải kiềm toan. Tuy nhiên, bệnh nhi còn tình trạng oxy máu giảm nặng (SpO2 58-65%), rối loạn huyết động tụt huyết áp, phải dùng các loại thuốc vận mạch...
Bệnh nhi đã được hội chẩn, thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) hỗ trợ hô hấp tuần hoàn cho trẻ. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, do diễn tiến bệnh của trẻ phức tạp, xuất hiện tổn thương đa cơ quan gan, phổi, suy thận vô niệu… nên được kết hợp lọc máu liên tục.
Kết quả sau gần 2 tuần chạy ECMO, tình trạng huyết động, hô hấp trẻ cải thiện dần, ngưng được thuốc vận mạch, hết rối loạn nhịp và cai được ECMO. Tiếp đó, bệnh nhi cai được máy thở, thở khí trời và tỉnh táo. "Đây là trường hợp bệnh tim bẩm sinh phức tạp được cứu sống nhờ phẫu thuật triệt để và hỗ trợ kỹ thuật ECMO", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Nội soi cắt khối u tá tràng cho người phụ nữ
Theo VOV, chiều 9/5, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (62 tuổi, ngụ quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị dữ dội, kéo dài, đại tiện khó, phân cầu có máu.
Qua thăm khám và tiến hành nội soi, các bác sĩ phát hiện khối u lớn nằm ở vùng tá tràng trên, kích thước 3cmx9cm, chiếm toàn bộ lòng tá tràng, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân.
Đáng chú ý, theo người nhà bệnh nhân, trước đó gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám ở nhiều cơ sở y tế và phát hiện khối u lớn nhưng không được can thiệp. Qua hội chẩn, đánh giá, các bác sĩ chọn phương pháp can thiệp nội soi ống mềm, xâm lấn tối thiểu. Sau 45 phút, ekip phẫu thuật đã cắt bỏ thành công khối u tá tràng “khủng” cho bệnh nhân. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định và đang được chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện, dự kiến 2-3 ngày sau bệnh nhân có thể xuất viện.
Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh - khoa Nội tiêu hóa, khối u lớn được xử lý, can thiệp kịp thời giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tắc ruột, chảy máu do khối u ngày càng lớn lên và việc can thiệp sẽ trở nên khó khăn hơn.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh khuyến cáo người bệnh nên đi nội soi đại tràng khi phát hiện các dấu hiệu như: đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy, táo bón, kéo dài, sụt cân không rõ lý do; thiếu máu, thiếu sắt hồng cầu nhỏ mà không rõ nguyên nhân; đại tiện có máu trong phân; viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn, đặc biệt, những bệnh nhân trên 40 tuổi mà có tiền sử polyp hay ung thư đại tràng, người trong huyết thống (bố mẹ, anh chị em ruột...) bị ung thư đại tràng, polyp có tính chất gia đình cũng nên đi thăm khám kịp thời.