+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 10/1: Cụ ông 96 tuổi bị tụ máu não sau cú ngã

    (ĐS&PL) - Cụ ông 96 tuổi bị tụ máu não sau cú ngã; Lội mương bắt ốc, người đàn ông nhiễm vi khuẩn gây viêm màng não… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 10/1.

    Cụ ông 96 tuổi bị tụ máu não sau cú ngã

    Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, ngày 9/1, tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy khối máu tụ dưới màng cứng cho người bệnh 96 tuổi (ở Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh).

    Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, khối máu tụ được lấy bỏ, cầm máu, giải phóng áp lực chèn ép ở hai bên bán cầu đại não. Bằng kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm xử trí, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định và đã ra viện.

    Cụ ông hiện đã được ra viện. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội

    Cụ ông hiện đã được ra viện. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội

    Theo gia đình người bệnh, trước khi vào viện khoảng 4 ngày, cụ ông ngã đập vùng trán xuống nền đất cứng, sau ngã người bệnh tỉnh táo nên gia đình không đưa đến bệnh viện kiểm tra. Đến buổi chiều ngày vào viện, thấy cụ ông mệt và đau đầu nhiều, chóng mặt, buồn nôn, sau đó lơ mơ, gọi hỏi không biết, gia đình nhanh chóng đưa người bệnh đưa vào viện cấp cứu.

    Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh chảy máu dưới màng cứng 2 bên số lượng nhiều, chảy máu ở lều tiểu não. Người bệnh được chẩn đoán tụ máu dưới màng cứng 2 bên và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy khối máu tụ, cầm máu, giải ép não.

    Lội mương bắt ốc, người đàn ông nhiễm vi khuẩn gây viêm màng não

    Tạp chí Gia Đình Việt Nam đưa tin, nam bệnh nhân N.H.N (33 tuổi, ở Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec với biểu hiện sốt theo cơn, sốt nóng và sốt rét xen lẫn, đau mỏi người. Được biết, đây là ngày thứ 4 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng trên. Ban đầu anh N. tưởng ốm sốt thông thường nên tự ý điều trị tại nhà.

    Khai thác tiền sử, bệnh nhân chia sẻ trước đó 10 ngày có lội nước mương bắt ốc khi về quê. Thời điểm đó, bắp chân anh N. có một vài vết xước nhỏ. Sau khi nhập viện, anh N. được chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết phục vụ chẩn đoán.

    Kết quả xét nghiệm phát hiện chỉ số CRP tăng cao, biểu hiện phản ứng viêm của cơ thể do vi khuẩn tấn công. Kết quả chẩn đoán hình ảnh chưa phát hiện bất thường. Để làm rõ tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh nhân được chỉ định thực hiện cấy máu, cấy dịch não tủy, xét nghiệm PCR đa mồi. Kết quả dịch não tủy có phát hiện bất thường nhưng chưa rõ căn nguyên.

    Người bệnh được các bác sĩ theo dõi sát sao các biến chứng khi điều trị nội trú ở bệnh viện. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

    Người bệnh được các bác sĩ theo dõi sát sao các biến chứng khi điều trị nội trú ở bệnh viện. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

    Bằng kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, đồng thời dựa vào dịch tễ và biểu hiện lâm sàng, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm Leptospira IgM, kết quả ghi nhận dương tính. Như vậy, xoắn khuẩn Leptospira đã xâm nhập dẫn đến tình trạng viêm màng não ở bệnh nhân.

    Nhận định tính chất nguy hiểm, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Với sự theo dõi sát sao của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, sau 7 ngày điều trị, sức khỏe anh N. tiến triển tốt, hết sốt, hết đau đầu.

    Nhận định về ca bệnh, ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc - Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiễm khuẩn huyết, sốc, suy gan, suy thận, các biến chứng thần kinh nguy hiểm… Do đó, với những biểu hiện sốt kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm, người dân cần được thăm khám và theo dõi y tế sát sao.

    Nhật Bản ghi nhận 317.812 ca mắc cúm mùa mới trong một tuần

    Theo TTXVN, số liệu thống kê của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản ngày 9/1 cho thấy lượng bệnh nhân mắc cúm mùa tại Nhật Bản trung bình một tuần đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1999, trong đó xuất hiện những biến chứng đáng lo ngại liên quan đến não và phổi.

    Số liệu thống kê từ hơn 5.000 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cho thấy, trong tuần (từ ngày 22-29/12/2024), đã có tổng số 317.812 ca mắc cúm mùa mới, tăng tới 100.000 ca so với tuần trước đó.

    Tính trung bình, mỗi cơ sở y tế có thêm khoảng 64,39 ca, tăng 21,73 ca so với tuần trước, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu công tác thống kê vào năm 1999.

    Người dân ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Kyodo/TTXVN

    Người dân ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Kyodo/TTXVN

    Biểu đồ theo dõi số ca mắc cúm tại Nhật Bản trong tháng 12 phát triển theo phương thẳng đứng, cho thấy sự bất thường so với cùng thời điểm của nhiều năm trước. Trong đó, hầu hết các địa phương đều ghi nhận số ca mắc mới trong tuần cao hơn tuần trước và 43/47 tỉnh đã phát cảnh báo về bệnh cúm mùa, vốn được sử dụng khi số ca mắc cúm trung bình vượt quá 30 ca trên một cơ sở y tế.

    Xét theo địa phương, tỉnh Oita ghi nhận số ca mắc cúm trung bình trên một cơ sở y tế cao nhất, với 104,84 ca, tiếp theo là Kagoshima, Saga, Kumamoto, Miyazaki. Các đô thị lớn cũng có số ca mắc cúm cao như Tokyo là 56,52 ca và Osaka với 67,53 ca.

    Tính lũy kế số ca mắc cúm tại Nhật Bản tính từ 2/9/2024 (thời điểm bắt đầu dịch cúm hàng năm) đến nay là 5,937 triệu ca.

    Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản kêu gọi người dân cần thực hiện các biện pháp tự bảo vệ trước bệnh cúm, tránh lây lan ở cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay sau khi đi ra ngoài…, cũng như chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm mùa.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-ngay-10-1-cu-ong-96-tuoi-bi-tu-mau-nao-sau-cu-nga-a498156.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan