+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 8/1: Người phụ nữ giả mạo y tá, điều trị cho hơn 900 bệnh nhân

    (ĐS&PL) - Người phụ nữ giả mạo y tá, điều trị cho hơn 900 bệnh nhân; Nữ giáo viên rơi vào hôn mê sau khi ăn món này… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 8/1.

    Người phụ nữ giả mạo y tá, điều trị cho hơn 900 bệnh nhân

    VnExpress dẫn thông tin từ CBS cho biết, Brigitte Cleroux (52 tuổi) đã bị kết án 7 năm tù vì hàng loạt tội danh gây ra tại British Columbia (Canada) từ năm 2019 đến 2021, bao gồm giả mạo danh tính, lừa đảo, trộm cắp, hành hung.

    Cleroux đã đánh cắp danh tính và số đăng ký của một y tá, sử dụng chúng cùng với các tài liệu giả mạo khác để được tuyển dụng tại Vancouver và Victoria. Y tá bị mạo danh buộc phải đổi tên.

    Bằng giấy tờ giả, người phụ nữ điều trị cho gần 900 bệnh nhân trong một năm làm việc tại Bệnh viện Phụ nữ British Columbia và 56 bệnh nhân khác, bao gồm cả trẻ em, trong ba tuần làm việc tại phòng khám tư ở Victoria.

    Bản phác thảo Brigitte Cleroux ởTòa án Tối cao B.C. (Vancouver, British Columbia, Canada). Ảnh: CBC

    Bản phác thảo Brigitte Cleroux ởTòa án Tối cao B.C. (Vancouver, British Columbia, Canada). Ảnh: CBC

    Cleroux bị buộc tội đã tiêm thuốc cho bệnh nhân mà không được sự đồng ý và không có giấy phép y tá. Trước đó, người phụ nữ này từng bị kết án tương tự ở Quebec, Alberta và Ontario, hiện thụ án 7 năm tù tại Ontario vì mạo danh y tá tại hai phòng khám ở Ottawa.

    Thẩm phán Heather Holmes của Tòa án Tối cao British Columbia cho biết, bản án tại British Columbia sẽ cộng thêm 3 - 4 năm tù giam cho Cleroux. Với tiền án tiền sự như vậy, ông Holmes cho biết khả năng cải tạo của Cleroux "dường như rất mong manh".

    Một nạn nhân được Cleroux điều trị tại khoa phụ sản của Bệnh viện Phụ nữ British Columbia cho biết bà thất vọng về bản án. "Bản án không tương xứng với tác động của tội ác đối với các cá nhân, y tá bị mạo danh và niềm tin của công chúng vào các cơ sở y tế", người phụ nữ giấu tên nói.

    Theo chia sẻ của nạn nhân, bà đã được chăm sóc tốt tại Bệnh viện Phụ nữ British Columbia trong ba lần sinh con. Tuy nhiên, khi gặp Cleroux để điều trị và tiêm tiêm fentanyl 4 năm trước, bà lập tức nhận thấy điều bất ổn.

    Nữ y tá mạo danh tỏ ra lóng ngóng, thiếu thành thạo và có thái độ thô lỗ với bệnh nhân. Người phụ nữ giấu tên tiết lộ bà đang tham gia vào một vụ kiện dân sự và đề xuất một vụ kiện tập thể chống lại Bệnh viện Phụ nữ British Columbia.

    Nữ giáo viên rơi vào hôn mê sau khi ăn món này

    Amanda Clark (ở Richmond, bang Virginia, Mỹ) thưởng thức món gà viên và khoai tây chiên khi đi chơi với bạn vào tháng 9/2023. Nửa giờ sau khi ăn, nữ giáo viên 30 tuổi bắt đầu cảm thấy không khỏe, nổi mề đay và lưỡi phồng rộp.

    VietNamNet dẫn thông tin trên The Sun cho hay, các triệu chứng giống dị ứng nên Amanda đã dùng thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm. Do đó, cô lái xe đến bệnh viện, lập tức vào khoa cấp cứu. Tại đó, các bác sĩ cho cô dùng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng nữ bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng hôn mê. 

    Khi chuyển tới bệnh viện phục hồi chức năng, cô đã bị nhiễm trùng huyết, trải qua 2 cuộc phẫu thuật và xuất viện vào tháng 10, sau 47 ngày điều trị. Cô tin rằng cơn đau của mình đã kết thúc.

    Thế nhưng, vào tháng 2/2024, Amanda lại gặp phải tình trạng tương tự. Đang lái xe về nhà, cô đột nhiên nổi mề đay và khó thở do sưng lưỡi. Xe cứu thương đưa cô tới bệnh viện nhưng các bác sĩ bối rối không hiểu rõ nguyên nhân. 

    Nữ giáo viên Amanda Clark. Ảnh: AC

    Nữ giáo viên Amanda Clark. Ảnh: AC

    Amanda phải nằm viện điều trị kéo dài tới tháng 12/2024. Trong thời gian này, cô gặp tình trạng khó nuốt và bị đột quỵ. Các bác sĩ cho rằng nữ bệnh nhân đột quỵ do thiếu oxy do các vấn đề hô hấp.

    Cô bị liệt nửa người bên phải từ cánh tay trở xuống. Tới tháng 8/2024, các chi của cô mới cử động trở lại. Trong khi nhiều giáo viên mong chờ các kỳ nghỉ, Amanda cho biết cô sẽ làm mọi chuyện để được tới lớp học.

    Cô tâm sự: "Thật khó khăn khi không thể làm việc, tôi nhớ trường rất nhiều. Tôi nhờ bạn bè giáo viên gửi cho tôi video các lớp học để tôi có thể cảm thấy mình là một phần trong đó. Nhiều người đếm ngược tới các kỳ nghỉ nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để được trở lại làm việc. Tôi vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi".

    Hiện tại, Amanda đã có thể giao tiếp nhưng vẫn bị nói lắp. "Tôi đã trải qua rất nhiều điều trong cuộc sống nhưng không có gì giống như thế này. Tôi đến rất gần cái chết nhưng được ban cho một cuộc sống mới. Lời khuyên của tôi cho bất kỳ ai bị dị ứng là hãy luôn mang theo thuốc và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức”, cô khuyên.

    Cứu bé sơ sinh bị nhiễm khuẩn rất nặng do nhiễm tụ cầu vàng

    VTV Times đưa tin, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An  vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bé gái L.N.A.N (2 tháng tuổi, trú tại Quỳ Hợp, Nghệ An) bị nhiễm khuẩn rất nặng do nhiễm tụ cầu vàng.

    Theo lời kể của người nhà, bệnh nhi xuất hiện ho, khò khè, bỏ bú kèm theo sốt, mệt mỏi. Đến ngày 12/11/2024, sau 3 ngày diễn biến, bệnh nhi được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

    Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn, áp xe phổi, kén khí phổi do tụ cầu vàng.

    Tại đây, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh đã nhanh chóng hồi sức và cấp cứu cho bệnh nhi, điều trị thở máy, truyền dịch và dùng kháng sinh. Tình trạng bệnh nhi nặng, diễn biến không thuận lợi, suy chức năng các cơ quan, tình trạng tràn khí màng phổi 2 bên nhiều, ảnh hưởng huyết động. 

    Các bác sĩ đã hội chẩn, phối hợp cùng chuyên khoa ngoại chọc hút, dẫn lưu khí màng phổi, thở máy cao tần, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm 1 nòng, duy trì vận mạch. Quá trình nằm viện, bệnh nhi có nhiều lần diễn biến nặng.  Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhi đã cai được máy thở. Sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi ổn định, được xuất viện.

    Sau 2 tháng điều trị tích cực, em bé ổn định, được xuất viện. Ảnh: VTV Times

    Sau 2 tháng điều trị tích cực, em bé ổn định, được xuất viện. Ảnh: VTV Times

    Các bác sĩ cho biết, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều di chứng. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng huyết tụ cầu ở trẻ em là do vi trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắn hoặc vết thương khác khác trên vùng da lành... Chúng sẽ tiết ra các chất độc hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi, tim, xương, khớp... 

    Trẻ nhiễm khuẩn huyết tụ cầu thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có thể có ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa trên một trẻ đã hoặc đang có tổn thương mụn, nhọt ngoài da trước đó. Cá biệt một số trẻ nhỏ không có đường vào ngoài da rõ rệt gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-8-1-nguoi-phu-nu-gia-mao-y-ta-ieu-tri-cho-hon-900-benh-nhan-a497439.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan