+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống ngày 7/7: Căn bệnh khiến người đàn ông đột ngột tê bì nửa mặt

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/7/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 7/7/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Căn bệnh khiến người đàn ông đột ngột tê bì nửa mặt, nói khó

    VietNamNet thông tin, ông T. (64 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) đang ngồi trong nhà thì đột ngột xuất hiện tê bì nửa mặt trái, kèm theo yếu liệt nửa người trái, nói khó. Biết mình có tiền sử cao huyết áp nhiều năm, ông T. (64 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) tự đo huyết áp, kết quả chỉ số là 140/90mmHg.

    Ông uống 1 viên thuốc huyết áp nhưng triệu chứng không cải thiện. Khoảng 2,5 giờ sau, bệnh nhân được người nhà đưa tới khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng liệt nửa người trái, khó nói.

    Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ khám đánh giá, chụp cắt lớp vi tính, làm các xét nghiệm liên quan đến đột quỵ cấp. Bệnh nhân nhận chẩn đoán nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 772023 can benh khien nguoi dan ong dot ngot te bi nua mat kho noi
    Người đàn ông nhận chẩn đoán nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm. Ảnh minh họa

    Bác sĩ lập tức chỉ định cho ông sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Sau khoảng 10 phút, cơ lực tay của ông T. được cải thiện. 30 phút sau, gần như các triệu chứng đã được cải thiện, bệnh nhân tự đứng dậy đi lại tốt, điểm NIHSS từ 10 điểm giảm xuống còn 5 điểm. Bệnh nhân đã được ra viện.

    Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của những người vốn mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp, mỡ máu... Tại nhiều cơ sở y tế, số bệnh nhân đột quỵ, tim mạch, huyết áp tăng cao sau những ngày trời nóng bức.

    XEM THÊM: 7 người trong một gia đình nhập viện sau khi ăn tiết canh bò

    Các bác sĩ khuyến cáo, đặc biệt là người cao tuổi mắc các bệnh lý tim mạch, nên ở trong nhà, tránh ra ngoài trời khi nhiệt độ cao, thậm chí cuối buổi chiều nhiệt độ ngoài trời vẫn nóng dễ khiến người bệnh gặp nguy hiểm.

    Đồng thời, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh… tránh cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch.

    Nỗ lực cứu bàn chân bị đứt lìa cho người đàn ông

    Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật, khâu nối mạch máu và cứu sống bàn chân đã bị đứt lìa cho người đàn ông bị tai nạn giao thông.

    Cụ thể, bệnh nhân là ông H.V.T. (37 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Trước đó, ngày 1/7, ông T. chạy xe máy va chạm với xe ba gác khiến 1/3 bàn chân phải bị đứt lìa. Người đàn ông được bệnh viện địa phương sơ cứu, bảo quản kỹ phần chi thể, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

    Bác sĩ CKII Dương Khải, phẫu thuật viên chính, chia sẻ quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân rất khó khăn do vết thương phức tạp, các mô cơ dập nát nhiều.

    Các bác sĩ đã xử trí phần chi thể đứt lìa bằng cách cắt lọc các mô dập nát và ưu tiên khâu nối vi phẫu mạch máu với mục tiêu nhanh chóng tái thông mạch máu bàn chân. Sau 4 giờ, quá trình khâu nối vi phẫu động mạch, tĩnh mạch và cố định xương được thực hiện thành công.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 772023 can benh khien nguoi dan ong dot ngot te bi nua mat kho noi1
    Quá trình khâu nối vi phẫu động mạch, tĩnh mạch và cố định xương được thực hiện thành công sau 4 giờ. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

    Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, vi phẫu nối chi thể bị đứt lìa khá phức tạp. Các thao tác nối lại rất khó, cần sự khéo léo, tập trung cao độ, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm dày dặn.

    "Bảo quản phần chi bị đứt rời rất quan trọng, góp phần cho thành công cuộc phẫu thuật. Phần chi bị đứt rời tốt nhất được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 4-5 độ C để kéo dài được thời gian sống của tế bào”, bác sĩ Thống Em nói.

    Phẫu thuật cho bé gái có 12 ngón tay, 12 ngón chân

    Bệnh viện Gia Đình (Đà Nẵng) cho biết vừa phẫu thuật bỏ hai ngón tay và hai ngón chân thừa cả hai bên cho bé gái T.L (6 tuổi, quê Quảng Nam). Đây là trường hợp xuất hiện đồng thời của dị tật thừa ngón cả tứ chi cùng lúc cực kỳ hiếm gặp, chỉ một số ít trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới.

    Theo báo Pháp Luật TP.HCM, sau 3 năm cân nhắc, bệnh nhi được phụ huynh đưa đến Bệnh viện Gia Đình để phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, với hai kíp bác sĩ tiến hành song song để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 772023 can benh khien nguoi dan ong dot ngot te bi nua mat kho noi2
    Ảnh chụp X-quang về trường hợp 12 ngón tay, 12 ngón chân hiếm gặp. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

    Trước đó, chị H.M (mẹ bé gái) đến Bệnh viện Gia Đình cho con thăm khám và bày tỏ mong muốn thực hiện phẫu thuật để loại bỏ những ngón tay, chân thừa cho bé. Mỗi bàn tay, bàn chân của bé có đến 6 ngón, tổng cộng bé có 12 ngón tay, 12 ngón chân.

    Mặc dù các ngón tay chân vẫn phát triển và có xương bình thường nhưng việc dư thừa các ngón khiến cho sinh hoạt của bé bị cản trở, đặc biệt là khi lựa chọn giày, vận động, chạy nhảy.

    2 ngày sau phẫu thuật, hai tay bé đã có thể thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như nắm đồ vật, không còn bị khó chịu và đau đớn.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-7-7-2023-can-benh-khien-nguoi-dan-ong-dot-ngot-te-bi-nua-mat-noi-kho-a582021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan