Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/4/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 8/4/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Người phụ nữ bị mắc kẹt kính áp tròng trong mí mắt 28 năm nhưng… không biết
Một người phụ nữ đến từ Scotland sau gần 3 thập kỷ mới phát hiện ra sự tồn tại của một chiếc kính áp tròng “thất lạc” trong… mí mắt của mình.
Miếng kính áp tròng đã “định cư” trong mí mắt một bệnh nhân Scotland suốt 28 năm ròng - Ảnh: Dân trí |
Người phụ nữ 42 tuổi này có một đôi mắt hơi sưng trong 6 tháng trước cuối cùng cũng được chuyển đến Khoa nhãn khoa ở thị trấn Dundee, Scotland.
Khi các bác sĩ, Sirjhun Patel, Lai-Ling Tan và Helen Murgatroyd tiến hành chụp MRI để xem điều gì đã xảy ra, họ đã tìm thấy một u nang nhỏ có đường kính khoảng 6 mm. Ngay sau đó, họ đã tổ chức một cuộc phẫu thuật để loại bỏ nó.
"Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ, một u nang đã được tìm thấy trong mô mềm. Vấn đề đáng nói là không có dấu hiệu nào cho thấy tổn thương trước đó đối với mí mắt. Khi loại bỏ, u nang bị vỡ và một kính áp tròng cứng đã được trích xuất và xác định đó là một kính áp tròng RGP thực sự”, các bác sĩ giải thích trong bài báo.
Vấn đề đáng nói nữa đó là bệnh nhân 42 tuổi không hề biết miếng kính áp tròng này đến từ đâu.
Sau khi tìm hiểu, các bác sĩ cho biết, mẹ của bệnh nhân nhớ lại rằng bệnh nhân có tiền sử chấn thương ở mí mắt trên bên trái khi còn nhỏ. Bệnh nhân bị đánh vào mắt trái khi chơi cầu lông ở tuổi 14. Bệnh nhân đeo kính áp tròng RGP vào thời điểm đó nhưng sau đó kính áp tròng bị trật khỏi mắt và đã mất không tìm thấy.
Sự thực thì nó dường như đã bị mắc kẹt trong mí mắt của bệnh nhân trong 28 năm.
Vào thời điểm đó, các các bác sĩ và các nhà nghiên cứu lưu ý, đã có một số hiện tượng sưng, nhưng nó đã biến mất sau đó. Đó là lý do khiến gia đình thực sự không có lý do để nghi ngờ mắt kính áp tròng vẫn còn trong mắt cô con gái của mình.
Bệnh nhân đã không đeo kính áp tròng cứng kể từ đó, vì vậy nhóm nghiên cứu cho rằng đó là trò chơi cầu lông định mệnh đã gây ra sự cố này.
10 người bị kẻ lạ đâm ở quận 5 phải điều trị phơi nhiễm HIV
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, có 10 người dân đến tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công.
Một bệnh nhân điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Tối 7/4, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đã gửi công văn cho Sở Y tế, Công an TP.HCM về việc tiếp nhận nhiều người dân đến tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công.
Theo ông Châu, từ ngày 23/3 đến đầu tháng 4, bệnh viện đã tiếp nhận 10 người dân đến để được tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. Ngày đông nhất có tơi 5 nạn nhân bị người này tấn công, gây ra những vết thương trên người ở các vị trí như tay, lưng,...
Một số người dân kể lại đối tượng gây thương tích là đàn ông trung tuổi, đi xe máy. Nạn nhân bị tấn công khi đang di chuyển trên đường, xảy ra nhiều nhất tại khu vực quận 5, TP.HCM.
Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho hay đến ngày hôm nay không còn bệnh nhân nào đến để tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV từ sự tấn công của kẻ lạ mặt trên. Sau khi đến viện, các bệnh nhận đã được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm. 4 tuần sau, bệnh nhân sẽ được tái khám.
Bé trai 17 tháng bị phù mặt, suy thận do uống thuốc không theo đơn
Ngày 7/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 17 tháng tuổi nhưng đã bị suy thượng thận cấp do gia đình tự ý cho cháu bé dùng thuốc có chứa corticoid.
Bé trai 17 tháng bị suy thượng thận vì bố mẹ tự ý mua thuốc trị ho - Ảnh: Công lý |
Bệnh nhi là bé N.A.H. (ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) được người nhà đưa tới bệnh viện khám trong tình trạng ho thành cơn, mặt căng tròn phính. Theo lời kể, 2 tháng gần đây bé H. tăng tới 3 cân, mặt béo tròn lên rất nhiều nhưng thường xuyên ho, chảy nước mũi, tiêu chảy và viêm họng. Gia đình trước đó tự mua thuốc tại quầy thuốc gần nhà điều trị cho bé H.
Loại thuốc bé H. được người thân cho uống không có tên, hình tròn có màu hồng, uống với liều 4 viên/ngày, mỗi tháng bé uống 2 đến 3 đợt. Sau uống, bé khỏi ho ngay nên mỗi khi bị ho gia đình lại tiếp tục mua điều trị cho con. Tuy nhiên sau vài đợt uống loại thuốc không có tên trên, bé H. tăng cân nhanh nhưng vẫn thường bị ho và viêm họng nên gia đình quyết định đưa bé đến bệnh viện khám.
Qua thăm khám cùng kết quả định lượng cortisol trong máu lúc 9h sáng của bé giảm cực thấp: 0,1nmol/L (mức bình thường: 140 – 700 nmol/L) bé được các bác sĩ chẩn đoán bị suy thượng thận cấp cần nhập viện điều trị.
Bác sĩ trực tiếp khám và điều trị cho bé cho biết, bệnh nhi nhập viện với biểu hiện của suy thượng thận cấp như định lượng cortisol giảm rất thấp, mặt phù... Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bé điều trị bằng thuốc có chứa corticoid kéo dài dẫn đến biến chứng suy thượng thận.
Sau khi được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định. Dự kiến, bệnh nhi sẽ được xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Quỳnh Chi(T/h)