Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/8/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 7/8/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Đằng sau bức ảnh nữ bác sĩ mặc bikini cứu người ở Mỹ
Bức ảnh nữ bác sĩ mặc bikini lúc cấp cứu cho bệnh nhân khiến dân mạng tò mò. |
Những ngày gần đây, bức ảnh một nữ bác sĩ mặc bikini khi cấp cứu cho bệnh nhân nam bị chảy máu đang được chia sẻ khắp mạng xã hội khiến nhiều người tò mò, tranh cãi.
Theo Insider, đây là bác sĩ Candice Myhre, hiện làm việc tại Hawaii.
Hình ảnh này được cắt ra từ phóng sự Myhre từng tham gia, kể lại công việc và những lần cô cứu chữa bệnh nhân, được phát sóng tháng 11/2014.
Trong chương trình, nữ bác sĩ đã tái hiện lại sự việc xảy ra vào tháng 11/2013. Thời điểm đó, khi đang lướt ván ở biển, Myhre chứng kiến một người phụ nữ bị chiếc thuyền lớn đâm trúng, dẫn tới vết thương nghiêm trọng.
Myhre lập tức thực hiện cấp cứu, giúp nạn nhân vượt qua cơn nguy kịch, chăm sóc người đó trong 1 giờ tại cơ sở y tế khẩn cấp, rồi chuyển bệnh nhân vào bệnh viện lớn để tiếp tục theo dõi.
Hình ảnh này được cô chia sẻ lại nhằm phản đối nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Vascular Surgery (tháng 12/2019), có nội dung cho rằng bác sĩ phẫu thuật đăng ảnh mặc bikini là không phù hợp với đạo đức nghề nghiệp.
Cụ thể, tác giả của bài nghiên cứu đã gán những nữ bác sĩ đăng ảnh bikini lên mạng xã hội với các cụm từ như "khiêu gợi", "kém chuyên nghiệp" và "không phù hợp”, theo Insider.
Ngay sau đó, nhiều bác sĩ đã chia sẻ ảnh chụp diện bikini lên mạng cùng với hashtag #MedBikini kèm thông tin thành tích của họ để phản đối kết luận của nghiên cứu này.
Myhre cho biết đây là lần đầu tiên chia sẻ về cuộc sống cá nhân trên mạng. Trước đây cô chưa từng tham gia phong trào nào trên mạng xã hội vì sợ rắc rối hay bị trả thù. Song vì quá bức xúc với nghiên cứu vô lý, cô đã lên tiếng.
Bức ảnh của Myhre nhanh chóng nhận hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận tích cực. Dân mạng gọi cô là "anh hùng", "hình mẫu lý tưởng".
Kỳ lạ bé sơ sinh bị dây rốn quấn 6 vòng quanh cổ
Bé trai chào đời với 6 vòng dây rốn quấn quanh cổ nhưng cuối cùng đã an toàn và khỏe mạnh. |
Mặc dù dây rốn quấn cổ không quá nguy hiểm đối với em bé, nhưng nếu dây quấn quá chặt hoặc quá nhiều vòng có thể khiến em bé bị khó thở, dẫn đến giảm nhịp tim. Mới đây, Bệnh viện Trung ương Nghi Xương (Hồ Bắc, Trung Quốc) đã đỡ sinh thành công bé trai nặng hơn 3kg bị dây rốn quấn 6 vòng quanh cổ.
Mẹ của bé trai, chị Đại cho biết mình rất ngạc nhiên khi biết về tình trạng của con mình: "Tất cả các bác sĩ đã tập trung vào phòng sinh để nhìn con tôi và đếm số vòng dây rốn quanh cổ thằng bé".
Còn một bác sĩ khoa sản đã nói: "Trong suốt 23 năm làm việc, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy em bé bị dây rốn quấn cổ tới 6 vòng".
Bác sĩ Lý Hoa, giám sát viên của Khoa Sản bệnh viện Trung ương Nghi Xương, chia sẻ rằng thật may mắn khi đứa trẻ đã chào đời an toàn vì cậu bé có thể phải đối mặt với nguy cơ bị siết cổ trong quá trình chào đời.
Bác sĩ Lý cũng cho biết thêm là thông thường dây rốn chỉ dài 50cm, tuy nhiên, dây rốn của bé trai lại dài đến 90cm. Đây chính là nguyên nhân khiến cậu bé bị quấn nhiều vòng quanh cổ đến thể. Đồng thời, cô cũng chia sẻ rằng dây rốn quấn cổ có thể gây ra áp lực cho em bé, dẫn đến các biến chứng khác nhau.
Được biết, bác sĩ đã biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ trong lần siêu âm trước khi sinh 2 tuần. Nhưng khi đó, đứa trẻ có 1 vòng dây rốn. Một tuần sau, thêm một vòng dây rốn nữa quấn quanh cổ em bé, song vì lúc bấy giờ cả em bé và chị Đại đều khỏe mạnh nên cũng không muốn can thiệp y khoa vào 2 mẹ con.
Nhưng khi sản phụ đau chuyển dạ vào ngày 30/7, các bác sĩ đều rất ngạc nhiên vì dây rốn đã quấn nhiều vòng quanh cổ em bé. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định cho chị Đại sinh thường vì mọi chỉ số của 2 mẹ con đều ở trong phạm vi an toàn.
Bé gái Quảng Trị mắc bạch hầu dù tiêm vaccine đủ liều
Ngày 6/8, sở Y tế Quảng Trị cho biết ngày 29/7, bé gái có triệu chứng ho, sốt, đau họng, khám tại Trung tâm Y tế huyện Gio Linh và điều trị đến nay.
Nhà chức trách xác định bệnh nhân đã được tiêm đủ liều vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván. Ngành y tế lập danh sách những người tiếp xúc với bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, rà soát lại để tiêm chủng bổ sung và cho uống kháng sinh dự phòng.
Tháng 7, huyện Vĩnh Linh phát hiện 5 trường hợp dương tính với bạch hầu, đã điều trị thành công.
Trước đó, 4 tỉnh Tây Nguyên ghi nhận 119 ca bạch hầu. Tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ở khu vực này khoảng 48-52%.
Việt Hương (T/h)