Thanh niên nhập viện sau khi cố ý nuốt 11 cục pin vào bụng
CNA thông tin, bệnh nhân họ Lee (23 tuổi, ở huyện Miêu Lật, phía tây Đài Loan,Trung Quốc) đã cố ý nuốt 11 cục pin vào bụng. Đầu tuần này, Lee được người bạn đưa đến bệnh viện cấp cứu do bị đau bụng dữ dội.
Kết quả chụp X-quang cho thấy trong dạ dày Lee có 11 viên pin AA. Theo bác sĩ Lin Te-fu - Khoa Tiêu hóa và Gan mật Bệnh viện Đa Khoa Da Chien, phần lớn các ca nuốt phải dị vật xảy ra ở trẻ em. Tuy nhiên, người trưởng thành cũng có nguy cơ nuốt dị vật, nếu họ say rượu.
Khi nội soi dạ dày của Lee, các bác sĩ phát hiện bên trong có nhiều viên pin. Các bác sĩ đã mất khoảng một tiếng để lấy từng cục pin ra khỏi dạ dày. Sau khi trải qua nội soi đau đớn, Lee khẳng định sẽ không bao giờ dám nuốt pin vào bụng nữa.
Bác sĩ Lin cho hay, nếu bệnh nhân nuốt phải các vật sắc nhọn, nam châm, xương cá, hoặc xương gà thì có nguy cơ thủng thực quản rất cao. Trường hợp dị vật nằm dưới thực quản, bác sĩ cần lấy dị vật ra bằng ống nội soi. Trước khi nội soi, bác sĩ cần chụp X-quang để xác định vị trí dị vật.
Bác sĩ chia sẻ thêm, không phải tất cả dị vật bị vô tình nuốt phải đều cần nội soi khẩn cấp. Nếu dị vật nhỏ hơn 2cm thì nó có thể tự đi qua đường tiêu hóa trong vòng 4 - 6 ngày.
Bé 8 tuổi xổ ra con sán dây dài gần 1,5m ra khỏi cơ thể
Theo VTV News, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) vừa tiếp nhận bệnh nhi sinh năm 2015, quê ở Sơn La đến khám có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành khai thác bệnh sử, không ghi nhận những bất thường, có nguy cơ cao bị nhiễm giun sán trong ăn uống, sinh hoạt thường ngày của bệnh nhi.
Tuy nhiên, qua các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm sán dây nên tiến hành phương pháp tẩy sán bằng thuốc. Kết quả, bệnh nhi đã xổ được con sán dài gần 1,5m ra khỏi cơ thể.
XEM THÊM: Top những thực phẩm "vàng" dành cho bữa sáng giúp chống lão hóa, làm sáng da
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ là nơi tiếp nhận khám và điều trị cho những trường hợp bị nhiễm giun sán nói riêng và các loại ký sinh trùng nói chung cho người bệnh. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện phát hiện khoảng 3 đến 5 trường hợp nhiễm sán cần điều trị.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo cách đơn giản nhất để phát hiện nhiễm sán trưởng thành là khi thấy đốt sán tự bò ra hậu môn hoặc rụng theo phân khi đi ngoài. Khi đó cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, dùng thuốc đúng loại, đúng liều. Để phòng bệnh, trong sinh hoạt hàng ngày, mọi người tốt nhất nên ăn chín uống sôi, rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Người đàn ông bị suy đa tạng do sốt mò
VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa điều trị thành công nam bệnh nhân 36 tuổi (trú tại Cao Phong, Hòa Bình) bị suy đa tạng do sốt mò (Rickettsia), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy.
Được biết, bệnh nhân làm nghề nông nghiệp và nuôi ong mật trên núi đá. Thi thoảng bệnh nhân lại lên núi đá lấy mật ong. Cách thời điểm vào viện một tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau mỏi người, tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ.
Sáng cùng ngày vào viện, bệnh nhân sốt cao liên tục, khó thở, mệt mỏi nhiều, được người nhà đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Khi nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng - nhiễm độc. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện 1 vết thương rất đặc trưng do mò đốt ở vùng mông bên trái của bệnh nhân. Vết thương khô, đóng vảy và không đau.
Các xét nghiệm cận lâm sàng thể hiện bệnh nhân có tình trạng tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn đông máu và hình ảnh viêm phổi. Bệnh nhân được chẩn đoán: suy đa tạng do sốt mò. Bệnh nhân nhanh chóng được điệu trị bằng thở máy, sử dụng kháng sinh đặc hiệu và các biện pháp hỗ trợ tạng suy.
Sau hơn 1 tuần điều trị điều trị và chăm sóc tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Đinh Kim(T/h)