Cô gái 25 tuổi ở Hà Nội có tới 3 quả thận
Theo VietNamNet, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất cho biết, các bác sĩ của bệnh viện phối hợp cùng với chuyên gia từ tuyến trung ương về phẫu thuật cắt bỏ một thận phụ cho nữ bệnh nhân P.T.D. (25 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức bụng và vùng thắt lưng, mỗi khi đi tiểu thường bị đau rát, màu đục, tiểu khó, có mùi hôi. Sau khi làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp CT hệ tiết niệu, các bác sĩ xác định chị D. có dị tật thận niệu quản đôi bên phải, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất cùng với TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - Nam học Bệnh viện E (Hà Nội) đã thực hiện thành công kỹ thuật phức tạp nội soi cắt thận phụ bên phải cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật khó cần độ chính xác cao diễn ra an toàn và thành công. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, người bình thường sẽ có 2 quả thận, mỗi quả nằm ở một bên cơ thể. Ở người mắc chứng thận đôi, một bên cơ thể họ sẽ có đến 2 quả thận thay vì 1.
Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Thảo - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất giải thích, thận đôi là bất ổn bẩm sinh ở thận, thường không có biểu hiện. Bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh khi có triệu chứng đau hông, lưng và phần thận trên ứ nước nhiễm khuẩn.
XEM THÊM: Thực hiện thử thách nhét bóng đèn vào miệng, người đàn ông rơi vào tình huống "khó nói"
Cắt thận phụ (phần thận trên mất chức năng) là phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Trước đây, các bác sĩ thường phải mổ mở. Nhờ những tiến bộ trong những năm gần đây, phẫu thuật nội soi cắt thận phụ đã được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước và trên thế giới.
Hàm răng giả nằm trong bụng người phụ nữ suốt nhiều ngày
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết đã phẫu thuật thành công trường hợp nữ bệnh nhân nuốt hàm răng giả vào bụng trong nhiều ngày.
Trước đó, ngày 27/7, đơn vị tiếp nhận nữ bệnh nhân ngoài 50 tuổi, trú thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với triệu chứng đau bụng dữ dội. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện một vật thể lạ nằm ở đoạn cuối tá tràng có thể là tác nhân gây đau bụng dữ dội.
Kích thước vật thể trong bụng bệnh nhân lớn, nằm trong bụng lâu ngày gây viêm nhiễm tá tràng nên biện pháp phẫu thuật nội soi không thể thực hiện. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật vết thương hở kết hợp kỹ thuật di động tá tràng, xoay trở vật thể nhẹ nhàng nhất có thể để không bị thủng tá tràng.
Bác sĩ Mạc Tấn Quyền - Trưởng khoa Ngoại tổng quát, trưởng kíp mổ, cho biết sau gần 2 giờ đã lấy thành công vật thể lạ là hàm răng giả, kích thước 3x4 cm ra khỏi bụng bệnh nhân.
Theo thông tin ban đầu, nữ bệnh nhân lấy hàm răng giả ra để làm vệ sinh nhưng không may nuốt cả hàm răng. Những ngày đầu, bệnh nhân nghĩ hàm răng giả sẽ thoát ra ngoài theo đường tiêu hóa nên không đi thăm khám. 1 tuần sau, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội khu vực hàm răng mắc kẹt trong tá tràng mới chịu đi bệnh viện.
Người phụ nữ nhập viện sau 3 ngày uống nhầm thuốc của con
Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội), khoa Cấp cứu tiếp nhận một ca hạ đường huyết nguy hiểm do dùng nhầm thuốc điều trị đái tháo đường của con. Cụ thể, bệnh nhân T.T.M (85 tuổi, trú tại Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp 20 năm.
Hàng ngày, bà M. uống thuốc do con trai lấy. Khi con trai đi vắng, bà M. được một người con khác tới chăm. Người này cho mẹ uống nhầm thuốc điều trị đái tháo đường 3 ngày liên tiếp.
Sau đó, bà M. có triệu chứng lơ mơ, hỏi không trả lời và được cho nhập viện gần nhà, chỉ số đường máu là 1,1 mmol/l (mức an toàn 4,0 - 7,2 mmol/ l). Sau nửa ngày điều trị, bệnh nhân không cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Khi nhập viện, đường máu của bệnh nhân là 1,3 mmol/l. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã truyền glucose tĩnh mạch 30% và 5% theo phác đồ. Trong ngày đầu, đường máu vẫn ở mức thấp, xấp xỉ 2 mmol/l. Sau điều trị tích cực, đường máu đã về mức ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện rõ ràng.
VietNamNet dẫn lời các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, người bình thường uống thuốc trị đái tháo đường sẽ gây hạ đường huyết kéo dài. Trường hợp nặng bị biến chứng suy gan, suy thận cấp, thậm chí suy đa cơ quan, tử vong hoặc di chứng về sau. Do vậy, người bệnh cần kiểm tra kỹ thuốc trước khi sử dụng.
Đinh Kim(T/h)