Sưởi ấm bằng than hoa, thanh niên có dấu hiệu tổn thương não, suy thận
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam (33 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than hoa.
Trước đó, đêm 29/12/2023, rạng sáng 30/12/2023, nam bệnh nhân đã đốt than hoa trong chậu ở phòng kín để sưởi ấm rồi đi ngủ. Đến 4h, gia đình nghe thấy tiếng động lạ nên đã vào phòng của bệnh nhân thì phát hiện anh này bất tỉnh và có vết thương trên cơ thể, sau đó đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy thận, tổn thương cơ. Tình trạng hiện tại của bệnh nhân dù đã có ý thức nhưng vẫn có dấu hiệu tổn thương não, suy thận, tổn thương cơ.
"Bệnh nhân có thể không tử vong, tuy nhiên nguy cơ rất cao có những biến chứng thần kinh lâu dài. Đặc biệt là các vấn đề về mất trí nhớ, rối loạn tâm thần…. Chúng tôi đang cố gắng sử dụng các biện pháp điều trị tích cực để hạn chế những biến chứng cho bệnh nhân trong thời gian tới", TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên nói.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ thêm, khí CO là khí rất độc, không màu, không mùi vị, hấp thu vào cơ thể tác dụng rất nhanh. Khi vào cơ thể, khí CO làm ngừng quá trình hô hấp ở các tế bào, theo cách như bóp nghẹt từng tế bào và làm chúng chết.
"Khí CO là khí thực sự rất độc, nó gây bóp nghẹt và làm chết tế bào, chứ không đơn thuần chỉ làm thiếu oxy. Các tế bào của toàn bộ cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng nặng nhất là não và tim.
Một số ít trường hợp khi hít phải khí CO ở nồng độ thấp sẽ cảm thấy đau đầu, khó chịu,… nhưng các trường hợp hít khí CO nồng độ cao, nạn nhân không kịp cảm thấy gì đặc biệt, nhanh chóng rơi vào bất tỉnh, hôn mê, ngộ độc và dễ dàng tử vong.
Đó mới là giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau cũng rất đáng ngại. Khi bệnh nhân bị ngộ độc nhưng không tử vong thì sau một vài tuần sẽ gặp hiện tượng não bị tổn thương, dẫn tới các biến chứng về tâm thần, thần kinh (mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, run,...)", TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc.
Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở thì hô hấp nhân tạo theo điều kiện tại chỗ, nếu ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau khi sơ cứu, cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị tiếp.
Bên cạnh đó, mọi người tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas… để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín. Nếu có sử dụng các nhiên liệu này thì cần mở cửa đủ rộng cho không khí và oxy từ bên ngoài vào hoặc tốt nhất đun nấu ở không gian mở hoặc ngoài trời, còn trong phòng thông khí hạn chế thì nên đun nấu hoặc sưởi ấm bằng điện.
Phối hợp liên viện cứu bệnh nhân 65 tuổi bị ngừng tim, ngừng thở
Theo VTV News, bệnh nhân T.V.S. (65 tuổi, Định Long, Yên Định, Thanh Hoá) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định trong tình trạng rất nguy kịch, khó thở nhiều, đau tức ngực dữ dội. Qua khai thác bệnh sử, tiền căn và thăm khám lâm sàng kết hợp với kết quả điện tâm đồ đo được tại thời điểm cấp cứu, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Trong lúc các bác sĩ và điều dưỡng trực đang thực hiện các bước cấp cứu ban đầu và hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để chuyển bệnh nhân, người bệnh đột ngột ngưng tim, ngừng thở và rơi vào hôn mê sâu. Sinh hiệu lúc đó là mạch không bắt được, huyết áp không đo được.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn. Bằng sự nỗ lực của các y bác sĩ, bệnh nhân đã có nhịp tim đập trở lại tuy nhiên vẫn còn trong tình trạng hôn mê sâu. Các bác sĩ đã sử dụng liều thuốc vận mạch tương đối cao, cho thở máy.
Tiên lượng bệnh nhân có thể tiếp tục ngừng tim bất cứ lúc nào, các bác sĩ tiếp tục hồi sức, duy trì thuốc vận mạch và hội chẩn chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Nhận định đây là ca bệnh cần cấp cứu khẩn cấp do bệnh nhân có thể mắc bệnh lý về tim mạch cần được can thiệp sớm, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ cấp cứu nội viện, nhanh chóng liên hệ với ekip can thiệp tim mạch của khoa Nội Tim mạch chuẩn bị trang thiết bị sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân ngay khi tuyến dưới chuyển đến.
XEM THÊM: Những lợi ích khi bạn ngừng uống rượu bia
Do có sự chuẩn bị và phối hợp từ trước, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển thẳng về Đơn vị Can thiệp mạch để chụp động mạch vành, kết quả là tổn thương tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, huyết khối lấp đầy động mạch. Sau 20 phút căng thẳng, ekip các bác sĩ đã hồi sức cấp cứu và can thiệp thành công, lấy huyết khối, đặt stent tái thông động mạch cứu sống bệnh nhân.
Ngay sau can thiệp tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nguy kịch, huyết động vẫn phụ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao, hô hấp vẫn phải hỗ trợ thở qua nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển về khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2 để hồi sức tích cực và chăm sóc đặc biệt vì nguy cơ cao ngừng tim, biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim và các rối loạn chuyển hóa sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.
4 ngày sau can thiệp và điều trị tích cực, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, ngưng thở máy, huyết động ổn định, hết đau ngực, khó thở, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt và đã được xuất viện.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân có biểu hiện đau ngực, khó thở cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và cấp cứu kịp thời.
Cứu 2 bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp kết hợp nhồi máu cơ tim cấp
Báo Kinh Tế & Đô Thị dẫn lời lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã phối hợp phẫu thuật nội soi thành công liên tiếp hai bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp kết hợp nhồi máu cơ tim cấp.
Cụ thể, ngày 26/12/2023, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nữ H.T.H. (59 tuổi, địa chỉ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) được tuyến trước chuyển đến với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, viêm ruột thừa cấp.
Theo người nhà bệnh nhân, bà H. có tiền sử tai biến mạch máu não điều trị ổn định. Cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, đau ngực trái từng cơn, tình trạng đau ngực trái ngày càng tăng nên nhập viện tại địa bàn TP.Cần Thơ điều trị.
Sau nhập viện, các bác sĩ kiểm tra phát hiện tình trạng nhồi máu cơ tim cấp và được xử lý cấp cứu, 10 giờ sau phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp có chỉ định phẫu thuật, vượt quá khả năng chuyên môn nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.
Ngay khi nhập viện hội chẩn nhiều chuyên khoa với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, nhồi máu cơ tim cấp (nhồi máu cơ tim không ST chênh lên đã dùng thuốc chống đông). Cả hai đều là bệnh lý cấp cứu, tuy nhiên do nhồi máu cơ tim hiện ổn định, nguy cơ thấp nên việc can thiệp sẽ thực hiện trong vòng 24 giờ, ekip quyết định phẫu thuật cấp cứu ruột thừa trước.
Phẫu thuật nội soi, các bác sĩ phát hiện khối áp xe kích thước 5x5 cm ở hố chậu phải, tách ổ áp xe nhiều mủ trắng đục, ruột thừa sau manh tràng hoại tử vỡ ở thân tạo ổ áp xe. Các bác sĩ đã cắt ruột thừa gửi giải phẫu bệnh. Do vị trí ruột thừa sau manh tràng nên thời gian phẫu thuật kéo dìa hơn 2 giờ.
Tình trạng hiện tại của bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, giảm các triệu chứng đau ngực, đang được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại Khoa Tim mạch can thiệp.
Trước đó, ngày 21/12/2023, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ L.T.N. (73 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) được tuyến trước chuyển đến với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, nhồi máu cơ tim cấp.
Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công cắt ruột thừa bị viêm, mưng mủ. Sau phẫu thuật bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại khoa Tim mạch can thiệp, tình trạng bệnh nhân ổn định đã được xuất viện ngày 27/12/2023.
Đinh Kim(T/h)