Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/8/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 28/8/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Vườn thú Ba Lan cho voi dùng cần sa để giảm căng thẳng
Bác sĩ thú y cho biết CBD không gây hưng phấn cũng như không gây tác dụng phụ có hại cho gan và thận của voi. (Ảnh: Reuters). |
Vườn thú Warsaw, Ba Lan, cho biết nơi này sẽ bắt đầu cho voi dùng cần sa y tế trong một dự án thử nghiệm mang tính đột phá, theo Guardian.
Cần sa y tế đã được sử dụng trên toàn thế giới để chữa bệnh cho chó và ngựa. Tuy nhiên, “đây có lẽ là lần đầu tiên sáng kiến này được dùng với voi”, Agnieszka Czujkowska, bác sĩ thú y phụ trách dự án, cho biết.
Ba con voi châu Phi của vườn thú sẽ được dùng các liều chất lỏng có nồng độ CBD (một chất được tìm thấy trong cần sa) cao, bằng vòi.
Bác sĩ thú y cho biết CBD không gây hưng phấn cũng như không gây tác dụng phụ có hại cho gan và thận.
“Đây là nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp tự nhiên thay thế cho các phương pháp chống căng thẳng hiện có, đặc biệt là các loại thuốc”, bà Czujkowska nói.
Bà cho biết dự án này được triển khai vào thời điểm thích hợp vì đàn voi của vườn thú đang phải trải qua căng thẳng sau cái chết của con voi cái đầu đàn. Vườn thú giám sát sự căng thẳng của voi bằng cách kiểm tra mức độ hormone và quan sát hành vi.
Liều dùng ban đầu sẽ tương đương với liều dùng cho ngựa. Voi sẽ được dùng lọ chứa một chục giọt tinh dầu CBD hai hoặc ba lần một ngày.
48 người tử vong vì bệnh dại từ đầu năm 2020
Tiêm phòng là giải pháp hữu hiệu phòng chống bệnh dại trên chó, mèo. (Ảnh minh họa). |
Thống kê từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã ghi nhận 48 trường hợp người tử vong do bệnh dại xảy ra tại 22 tỉnh, TP. Con số này cao hơn so với thống kê cùng kỳ năm 2019 là 4 ca.
Tại Hà Nội, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác phòng, chống bệnh dại đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc quản lý chó thả rông đang được thực hiện tương đối quyết liệt, phát huy hiệu quả tại một số đơn vị. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo đạt cao; 3 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm) đã được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) công nhận là vùng an toàn bệnh động vật đối với bệnh dại.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống bệnh dại trên động vật, sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi. Tuyên truyền quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định để người dân được biết và chủ động thực hiện.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại và quản lý chó nuôi. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các quận thành vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại…
Cứu sống sinh viên 9 lần ngưng tim
Bệnh viện Trung ương Huế vừa cứu sống nữ bệnh nhân P.T.L. (23 tuổi, trú tại tỉnh Kon Tum), mắc bệnh nguy kịch với 9 lần ngưng tim.
Bệnh nhân L. hiện đang theo học năm thứ 5 ngành Y học dự phòng, trường đại học Y dược Huế.
Ngày 15/7, L. lên cơn hen, ngưng tim giữa đêm và được chuyển đến bệnh viện trường đại học Y dược Huế cấp cứu với chẩn đoán suy đa tạng, ngừng tuần hoàn ngoại viện, hen phế quản.
Sau 5 ngày hồi sức tích cực tại Bệnh viện trường đại học Y dược Huế không tiến triển, ngày 20/7, bệnh nhân L. được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Khi nhập viện, tình trạng của bệnh nhân L. rất nặng, rối loạn nhịp tim, tiêu cơ, suy thận cấp.
Các y, bác sĩ đã nỗ lực để điều trị thở máy, chạy thận lọc máu liên tục. Trong quá trình điều trị, L. có 9 lần ngưng tim, các y, bác sĩ phải sốc điện cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng sau đó em bị hôn mê sâu, chỉ số sinh tồn còn 5 điểm.
Các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế đã tích cực điều trị, giúp bệnh nhân L. chạy lọc máu liên tục trong nhiều ngày, thở máy cùng với nhiều kỹ thuật hỗ trợ khác. Sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã hồi tỉnh, các chức năng sống đang cải thiện tốt, đã có thể ngồi dậy và nói chuyện được.
Hiện bệnh nhân L. đã được chuyển đến khoa chức năng để tiếp tục điều trị phục hồi.
Việt Hương (T/h)