Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/5/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 2/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Suýt mất mạng vì ăn gỏi cá rô phi nhiễm 'tả biển'
Phần chân bị nhiễm khuẩn của bệnh nhân. |
Thông tin từ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 1/5 cho biết, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời trường hợp bệnh nhân nhiễm độc nặng, nguy hiểm đến tính mạng vì ăn gỏi cá rô phi nhiễm “tả biển”.
Ông N.V.T (54 tuổi, Hải Phòng) là lao động tự do, làm việc tại các công trình xây dựng ở địa phương. Ngày 7/4, sau một ngày làm việc, theo thói quen ông T. cùng bạn bè ăn món gỏi cá rô phi - món ăn khá quen thuộc với ông T. và các bạn. Ngày hôm sau, ông bắt đầu phát sốt, chân phải tê và không thể cử động được.
Ông được cấp cứu tại bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng vào ngày 9/4. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành khám và chẩn đoán ông bị nhiễm độc do “vibrio haemolyticus” hay còn gọi là “tả biển”, một loại vi khuẩn thường có trong các loại thủy sản như cá, tôm… Người bệnh rơi vào trạng thái shock, suy giảm chức năng gan, thận; cần tới vận mạch để duy trì huyết áp. Các bác sĩ đã chỉ định cắt bỏ chân phải càng sớm càng tốt để cứu lấy tính mạng người bệnh, tuy nhiên vì điều kiện bệnh nặng và gia đình chưa thống nhất, nên ông T. được tiến hành rạch tháo mủ ở cẳng chân phải và chuyển lên bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày 11/4.
Tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ trực cấp cứu chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và hồi sức liên tục hội chẩn, đưa ra các biện pháp tốt nhất nhằm duy trì tình trạng huyết động, đưa ra phương án xử lý vết thương ở cẳng chân cho người bệnh. Sau 3 ngày điều trị tích cực, may mắn ông T. đã tỉnh dần và các chỉ số trong cơ thể dần ổn hơn. Sau đó, người bệnh được đưa vào điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương.
Sau 1 tuần điều trị, tình trạng toàn thân của người bệnh tiến triển tốt hơn, không còn dùng vận mạch, chức năng gan và thận dần trở lại bình thường. Ông T. được phẫu thuật lại để cắt lọc và xử trí nhiễm khuẩn ở cẳng chân phải cùng với việc duy trì kháng sinh liều cao, thay băng chăm sóc tại chỗ. Kết quả xét nghiệm sau đó không còn ghi nhận xuất hiện của “tả biển”.
Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường ăn uống, cùng họ với vi khuẩn tả (vibrio cholerae) gây ra nên còn được gọi là “tả biển”, V.parahaemolyticus là vi khuẩn ưa mặn (halophile) nên chúng mọc tốt ở môi trường kiềm và mặn, tồn tại trong nước biển và các động vật biển như cá, tôm, sò, ốc..., thường sống ở các cửa sông và ven biển hầu hết các vùng trên thế giới. Hiện nay, V. parahaemolyticus đã được xác nhận là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn do ăn cá biển và hải sản. V. Parahaemolyticus là một trong 3 chủng vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy (Salmonella, Shigella) hiện được xem là mối đe dọa, gánh nặng bệnh tật đến sức khỏe người Việt Nam.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, mặc dù giữ được tính mạng, giữ được chân nhưng ông T. sẽ còn phải dành thời gian tập phục hồi chức năng để có thể trở lại cuộc sống bình thường. Ông T. là trụ cột gia đình, gia đình ông lại thuộc hộ nghèo nên hiện tại gia đình rất khó khăn, tốn kém chi phí trong điều trị cũng như chăm sóc tại bệnh viện.
Qua trường hợp của ông T., các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Đặc biệt là việc sử dụng thức ăn chưa được nấu chín kĩ luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm các loại vi sinh vật có trong thực phẩm không những nguy cơ đe dọa tới tính mạng và còn ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt và lao động về sau. Do đó, người dân cần “ăn chín, uống sôi” và tránh tối đa việc sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ độc tính có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và người thân.
Phát hiện con trai 27 tuổi không phải con đẻ sau khi làm kiểm tra ghép tạng
Abin cần được ghép gan để sống sót. |
Người phụ nữ Trung Quốc được xác định là bà Xu và chồng bà là ông Yao đã nhận được tin sốc vào tháng trước, khi con trai Abin 27 tuổi của họ bị bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
Các bác sĩ cho biết căn bệnh ung thư tồi tệ đến mức hy vọng duy nhất của chàng trai trẻ là được cấy ghép gan. Chính vì vậy, bà Xu đã đề nghị được kiểm tra ghép tạng với hy vọng có thể hiến gan cho con mình.
Tuy nhiên, khi được kiểm tra tại bệnh viện Trung Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc, các bác sĩ đã phát hiện ra rằng dù bà Xu hoàn toàn khỏe mạnh nhưng nhóm máu của bà không phù hợp với con trai và đặc biệt, Abin không phải là con trai ruột của bà.
“Tôi đã lén thực hiện các xét nghiệm DNA sau lưng Abin. Khoảng 1 tuần sau, chúng tôi biết rằng Abin không phải là con ruột của chúng tôi”, bà Xu kể.
Người phụ nữ sinh con trai vào ngày 15/6/1992, khi bà đang làm việc tại thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Vào ngày hôm đó, Abin là một trong ba cậu bé được sinh ra tại bệnh viện Huaihe thuộc Đại học Hà Nam.
Bằng cách nào đó, sự cố bất hạnh đã xảy ra khi đội ngũ nhân viên y tế trao nhầm đứa trẻ cho bà Xu và ông Yao vào thời điểm họ rời bệnh viện 3 ngày sau đó. Vì vậy, mặc dù hạnh phúc với bé trai khỏe mạnh nhưng cậu bé ấy lại không phải là con họ.
Sau khi phát hiện ra nhầm lẫn, bà Xu đã báo cáo chi tiết mọi chuyện với cảnh sát địa phương và hy vọng họ giúp bà tìm thấy con trai ruột.
Con trai ruột của họ được xác định là anh Awa, đã được một gia đình khác là gia đình ông bà Guo nuôi nấng ở thị trấn Trú Mã Điếm thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Mới gần đây, gia đình này mới biết mình đã nuôi nhầm con của cặp vợ chồng khác.
Vì sợ ảnh hưởng tới bệnh trạng của con trai nuôi, bà Xu và chồng đã quyết định giấu vấn đề này mà không nói với Abin. Họ sợ rằng cú sốc tâm lý có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của Abin nhiều hơn.
“Khi tôi liên lạc với mẹ ruột của Abin, bà ấy nói với tôi rằng bà ấy là người mang mầm bệnh viêm gan B. Con trai bà ấy đã được tiêm vắc xin viêm gan B liều cao ngay sau khi sinh nhưng cậu bé đã bị tráo nhầm với con trai tôi.
Điều này là lý do Abin bị ung thư gan nghiêm trọng ở độ tuổi trẻ như vậy. Toàn bộ thảm kịch này là do bệnh viện gây ra”, bà Xu kể.
“Lần đầu khi cảnh sát gọi điện cho cha nuôi của tôi, ông ấy đã nghĩ đó là một trò lừa đảo. Nhưng thật trùng hợp, mẹ ruột của tôi đã báo cáo vụ việc ngay tại sở cảnh sát nơi tôi làm việc. Họ gọi tôi trở lại sở để xác minh chi tiết. Đó là lần đầu tôi gặp cha ruột và chú ruột của mình.
Tôi hoàn toàn bối rối. Tôi nghĩ điều này không thể xảy ra. Lúc đó trong tôi có rất nhiều những cảm xúc khác nhau. Thật khó để diễn tả bằng lời nói”, Awa chia sẻ.
Anh Awa cho biết mình dự định ở lại thành phố nhưng sẽ thường xuyên đến thăm cha mẹ ruột của mình. Anh cũng muốn họ chuyển đến Hà Nam khi họ nghỉ hưu.
“Cha mẹ nuôi đối xử với tôi rất tốt, cho tôi sự giáo dục, chăm sóc và tình yêu. Tôi hy vọng sẽ giải quyết vấn đề này theo cách không gây tổn thương. Cả hai đều là bố mẹ tôi. Tôi không muốn làm phiền lòng cả hai bên”, Awa nói.
Sốc với tấm ảnh chụp bàn chân ngâm trong ủng ướt 10 tiếng liền
Người nông dân chia sẻ thêm rằng bàn chân anh không quá đau đớn nhưng nó rất nhạy cảm. |
Cư dân mạng đã được một phen hoảng sợ khi nhìn thấy bức ảnh chụp chân của người nông dân bởi màu da nhợt nhạt, xám nghoét và làn da nhăn nheo như thể sắp bung ra.
Bức ảnh được đăng tải với dòng chú thích: “Chân tôi sau 10 tiếng ngâm trong ủng thủng ở vùng đồng cỏ lầy lội”.
Nhiều bình luận đã bày tỏ những phán đoán của họ về bàn chân ngâm nước bẩn: "Tôi nghĩ rằng đây là một găng cao su cũ hay thứ gì đó. Trông thật kinh khủng. Hãy đi gặp bác sĩ ngay”.
Một người người khác thì hỏi: “Bàn chân này từ đâu ra vậy?”. Người khác bày tỏ lo lắng nếu da bị bong ra sẽ gây tổn thương và vì vậy cần rửa sạch và làm khô chân ngay. Nếu không thấy tình trạng chân được cải thiện thì cần đến gặp bác sĩ.
Thật may là cuối cùng chân của người nông dân đã phục hồi. Viết trên mạng xã hội, anh này cho biết: “Tôi rất cảm kích về sự quan tâm của mọi người nhưng chân tôi đã khá hơn rất nhiều sau khi sưởi ấm và dùng bột talcum".
Anh cũng cho biết sẽ mua một đôi ủng mới sử dụng cho lần làm việc tới.
Quỳnh Chi(T/h)