Người phụ nữ 44 tuổi đột quỵ nặng trong lúc đang ngủ
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết đơn vị này vừa cấp cứu trường hợp đột quỵ nặng ngay trong lúc đang ngủ, theo báo Pháp Luật TP.HCM. Trước đó, bệnh nhân T.T.A.N (44 tuổi, ở TP.HCM) nhập viện trong tình trạng yếu nửa người bên phải, nói khó, có biểu hiện mất ý thức vận động.
Người nhà kể, bệnh nhân thường thức dậy vào khoảng 6h để chuẩn bị đi làm. Tuy nhiên, sáng ngày 17/9, bệnh nhân luôn nhìn lên trần nhà, không thể đứng dậy, chẳng thể nói năng nên được đưa đến bệnh viện.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ. Kết quả chụp MRI sọ não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não bán cầu trái, tắc động mạch não giữa trái. Do đây là tình trạng đột quỵ rất nặng nên người bệnh nhanh chóng được can thiệp tái thông động mạch máu não giữa trái.
Sau khi được can thiệp tái thông động mạch máu não giữa trái, bệnh nhân đã có thể cử động tay và chân phải. Người bệnh được xuất viện về nhà sau 4 ngày nhập viện.
Mẩu gỗ dài gần 4cm bị “bỏ quên” trong cổ bé 5 tuổi
Tri Thức Trực Tuyến thông tin, Bệnh viện Tai Mũi Họng mới đây tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi V.T.S. (5 tuổi, trú tại Thạch Hà, Hà Tĩnh) trong tình trạng sưng đau, mủ dò ra vùng cổ. Theo lời kể của người nhà, cách đây 2 tháng, bệnh nhi bị một chiếc đũa đâm vào cổ. Lúc đó, bệnh nhi chảy máu ít, được sơ cứu và khâu vết thương.
Sau 3 ngày, tại vị trí khâu xuất hiện tình trạng sưng đau. Bệnh nhi được phẫu thuật 2 lần mở khối áp xe tìm dị vật nhưng không thấy, dẫn lưu áp xe, dùng kháng sinh không đỡ. Vì thế, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại đây, sau khi được xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có áp xe vùng cổ phải, nghi ngờ có dị vật bỏ quên sau chấn thương.
Bác sĩ Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu cho biết khối sưng vùng cổ có thể do một mảnh dị vật bị bỏ quên bên trong gây ra. Tuy nhiên, khi hội chẩn với các chuyên gia về X-quang, hình ảnh không rõ ràng và vị trí dị vật không cố định. Sau khi đã giải thích với người nhà và thống nhất, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật mở cổ bên để lấy dị vật bị bỏ quên cho bệnh nhi.
Sau nhiều khó khăn, ekip mổ cuối cùng cũng phát hiện dị vật và lấy ra mẩu gỗ dài (phần đầu của chiếc đũa) dài khoảng hơn 4cm nằm ở thành sau họng, trên miệng thực quản. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã ổn định, vết mổ khô và có thể sinh hoạt bình thường.
"Có thể khi cháu bị tai nạn, đầu chiếc đũa đã đâm xuyên từ cổ vào tận thành sau họng và bị gãy ở đó nên khi tuyến trước phẫu thuật không phát hiện được", bác sĩ nhận định.
Bé 14 tuổi dập nát cơ cẳng chân trái do dung tự chế
Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) cho hay đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhi S.S.C (14 tuổi, trú tại xã Đồng Tâm) bị thương do súng tự chế, theo VietNamNet. Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng cẳng chân trái sưng nề, đau đỏ, vết thương chảy máu.
Các bác sĩ lập tức thăm khám và làm các chỉ định cận lâm sàng. Kết quả chụp X-quang cho thấy, cẳng chân trái của bệnh nhi găm 1 dị vật có kích thước 0,3 cm; cơ cẳng chân trái bị dập nát từ vết thương do hỏa khí gây nên.
Bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu để lấy dị vật ngay sau đó. Do dị vật sâu sát xương, mạch máu và thần kinh nên quá trình lấy dị vật khá khó khăn. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy được 1 dị vật từ cẳng chân trái bệnh nhi, là mảnh đạn vỡ có đường kính khoảng 1-2mm, đạn dạng bi. Sau phẫu thuật, bệnh nhi ổn định, được chuyển theo dõi tại khoa Ngoại chấn thương.
Đinh Kim(T/h)