Căn bệnh khiến cô gái 27 tuổi cứ ăn vào lại nôn ra
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời kể của người nhà bệnh nhân T.T.A.T (27 tuổi, trú tại Quảng Ninh) cho biết, ban đầu người bệnh nuốt khó khi ăn cơm, thậm chí ăn cháo cũng bị nghẹn, uống nước là nôn.
Bệnh nhân đã đi khám và điều trị bằng nhiều loại thuốc ở một số cơ sở y tế nhưng không đỡ. Khoảng 10 ngày trước khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, người bệnh không thể ăn uống được do cứ ăn vào lại nôn, lúc nào cũng cảm thấy ứ nghẹn, đau tức ở cổ họng, cơ thể suy kiệt nặng.
"Vì không ăn uống được gì nên tôi sút mất 15kg, mặt hốc hác, người như "cành củi khô". Trong khi đó ngày trước, tôi có thể ăn 2-3 bát cơm một lúc ngon lành, giờ đến một hạt cơm cũng không ăn được. Có những lúc cổ họng khát khô, thèm một ngụm nước mà không thể uống bởi cứ uống là lập tức tôi lại nôn ra dữ dội", báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ đã thăm khám kỹ lưỡng, chỉ định các xét nghiệm máu, nội soi thực quản - dạ dày, chụp X-quang thực quản - dạ dày có thuốc cản quang để xác định bệnh.
Qua kết quả thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ phát hiện thực quản của bệnh nhân bị giãn rộng, ứ đọng dịch và thuốc, lỗ tâm vị co bóp chặt.
Hình ảnh X-quang cho thấy ứ đọng thuốc cản quang thực quản, co thắt tại vị trí tâm vị. Các bác sĩ chẩn đoán cô gái bị co thắt tâm vị. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân nuốt nghẹn, nôn ngay sau ăn, cơ thể suy kiệt.
Theo bác sĩ Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại, bệnh nhân khi vào viện đã bị co thắt tâm vị mức độ nặng, sức khỏe suy kiệt do nôn nhiều, lâu ngày không ăn uống được gì.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nội soi cắt cơ dưới thực quản và tạo van chống trào ngược qua nội soi ổ bụng. Ca mổ diễn ra thuận lợi và an toàn sau 90 phút, không có biến chứng, không mất máu. Sau mổ ngày thứ nhất, bệnh nhân đã hết nuốt nghẹn, ăn uống được, không nôn.
"Co thắt tâm vị nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm loét thực quản, viêm phổi, suy kiệt sức khỏe và có nguy cơ tiến triển thành ung thư thực quản", bác sĩ Hùng nói.
Khi có bất kỳ triệu chứng nôn ói, trào ngược, sụt cân, khó nuốt, nuốt nghẹn xảy ra, người dân nên đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Người phụ nữ nhập viện cấp cứu sau khi uống thuốc hạ sốt
Theo VietNamNet, nữ bệnh nhân tên D. (29 tuổi) nhập viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) lúc hơn 2h ngày 20/6, trong tình trạng khó thở, tức ngực, sẩn ngứa toàn thân sau khi uống thuốc hạ sốt tại nhà.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ độ II với thuốc Ibuprofen, được xử trí phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau xử trí, bệnh nhân đỡ khó thở, còn tức ngực nhẹ, các chỉ số sinh tồn ổn định và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục theo dõi, điều trị.
Hai giờ sau đó, bệnh nhân hết khó thở, hết tức ngực, đỡ ban sẩn ngứa ngoài da, các chỉ số sinh tồn ổn định. Sau quá trình theo dõi và điều trị trong 24 giờ, bệnh nhân đã được ra viện.
Bệnh nhân kể, khoảng 21h ngày 19/6, chị bị sốt, ra mua thuốc ở nhà thuốc, thông báo với nhân viên bán thuốc bản thân có tiền sử dị ứng với Paracetamol, Ibuprofen. Tuy nhiên, nhân viên bán thuốc nói với chị rằng Ibuprofen là thuốc chống viêm, hạ sốt, rất ít gây dị ứng nên vẫn bán cho bệnh nhân.
Khoảng một giờ sau khi uống 1 viên Ibuprofen 400mg, bệnh nhân thấy xuất hiện tức ngực, khó thở, nổi ban ngứa toàn thân. Bệnh nhân đã đến phòng khám tư và được xử trí tại đó.
Sau xử trí, bệnh nhân hết khó thở, hết nổi ban ngứa, được bác sĩ tư vấn vào viện ngay để theo dõi và điều trị tiếp nhưng bệnh nhân thấy đỡ nên về nhà. Vài giờ đồng hồ sau, bệnh nhân lại nổi ban ngứa toàn thân, khó thở, vào viện cấp cứu.
Người phụ nữ bị ngộ độc cấp, nghi do thuốc giảm cân mua trên mạng
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 38 tuổi ở Uông Bí (Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, mạch nhanh, theo VTC News.
Khoảng 1 tuần nay, người bệnh uống thuốc giảm cân mua trên mạng. Sau đó, người này có biểu hiện ăn ít, ngủ ít, mệt mỏi, tức ngực, nói nhảm, được gia đình đưa đi cấp cứu. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán ngộ độc cấp, nghi do thuốc giảm cân.
Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tích cực cho nữ bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh trong tình trạng ngộ độc rất nguy kịch, tim loạn nhịp nặng, có hiểu hiện suy thận, hạ kali máu nặng.
Sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã thống nhất chuyển tuyến để điều trị cho bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo, việc giảm cân là sự kết hợp giữa chế độ ăn hợp lý và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Việc sử dụng các loại thuốc giảm cân, đặc biệt là các loại thuốc giảm cân cấp tốc chưa được kiểm chứng là vô cùng nguy hại. Tác dụng giảm cân chưa thấy nhưng tác hại về sức khỏe, người trực tiếp sử dụng phải gánh chịu là rất lớn.
Đinh Kim(T/h)