Người đàn ông hôn mê sâu sau khi bị khó thở
VietNamNet đưa tin, vừa qua, khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân P.M.C (76 tuổi, trú tại Trực Ninh, Nam Định) với tình trạng tím tái, hôn mê sâu.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 đã 5 năm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hơn 10 năm và phải điều trị thường xuyên theo đơn của bệnh viện tỉnh.
Trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần, đờm vàng, khó khạc, tím tái đã được xử trí thở oxy sau đó chuyển tới bệnh viện tỉnh trong trong tình trạng hôn mê sâu và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nội tiết trung ương.
Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Quân - Phụ trách Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán: Viêm phổi do trực khuẩn mủ xanh - đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – đái tháo đường type 2 - suy tim, phải thở máy xâm nhập và tiến hành mở khí quản sớm do tiên lượng cai thở máy kéo dài, khó có thể rút được ống nội khí quản.
Các bác sĩ đã tiến hành cho bệnh nhân thở máy xâm nhập, kháng sinh, truyền khối tiểu cầu, corticoid, giãn phế quản, kiểm soát đường máu… kết hợp việc bổ sung dinh dưỡng, lăn trở phục hồi chức năng để nâng cao thể trạng.
Sau 30 ngày điều trị tích cực, phối hợp hội chẩn liên khoa Dinh dưỡng, Y học cổ truyền, bệnh nhân đã cai được máy thở, được thay canuyn mở khí quản 2 nòng, thể trạng cải thiện và được xuất viện.
Sau 1 tháng, bệnh nhân được tái khám theo hẹn, thể trạng tiến triển tốt, tình trạng nhiễm trùng ổn định, phản xạ ho khạc tốt, được tiến hành rút canuyn mở khí quản, theo dõi 1 tuần sau đóng lỗ mở khí quản, mọi chỉ số cận lâm sàng đều ổn định. Sau gần 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã được rút mở khí quản, trở lại cuộc sống bình thường.
Bật báo động đỏ cứu thanh niên 17 tuổi bị sốc đa chấn thương phức tạp
Theo VietNamNet, nam thanh niên 17 tuổi bị tai nạn giao thông lúc rạng sáng, được người dân đưa đến Trung tâm Y tế Hải Hà (Quảng Ninh). Bác sĩ CKII Bùi Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế Hải Hà cho biết, bệnh nhân vào viện rạng sáng ngày 19/6, trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, niêm mạc nhợt, huyết áp tụt, đau và chướng bụng, sưng nề, bầm tím nhiều vùng trên cơ thể.
Chẩn đoán ban đầu nhanh chóng được đưa ra, bệnh nhân bị sốc đa chấn thương phức tạp, trụy tim mạch, sốc mất máu, nghi vỡ nhiều tạng trong ổ bụng. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.
Người bệnh nhanh chóng được sơ cứu, chống sốc. Kết quả chụp cắt lớp, siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh nhiều dịch máu trong ổ bụng, lách dập nát phức tạp (vỡ lách độ 4), gãy xương bàn chân trái.
Lập tức, ekip trực bật báo động đỏ toàn viện, huy động các bác sĩ từ khoa Gây mê hồi sức, Ngoại, Huyết học để vừa hồi sức, truyền máu, vừa phẫu thuật cầm máu cho nam bệnh nhân.
Phẫu thuật viên mở bụng hút được khoảng 3 lít máu tươi lẫn máu cục, bã thức ăn, kiểm tra lá lách vỡ độ 4 đang chảy máu, dạ dày vỡ dài khoảng 10cm. "Ekip phải dùng tới hàng chục lít dịch để rửa dạ dày cho bệnh nhân", bác sĩ Hùng nói.
Nhóm bác sĩ tiến hành cắt lách xử trí tổn thương, khâu phục hồi dạ dày và đặt dẫn lưu. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau 2 ngày hồi sức tích cực, tình trạng người bệnh ổn định, gia đình xin chuyển viện.
Cứu sống sản phụ nhau bong non thể nặng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam đã phẫu thuật cứu sống sản phụ nhau bong non thể nặng, máu chảy nhiều. Cụ thể, lúc 9h30 ngày 20/6, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam tiếp nhận thai phụ từ tuyến dưới chuyển đến với chẩn đoán thai con so 35 tuần, ngưng phát triển trong lòng tử cung.
Trước tình trạng bệnh nhân da niêm mạc nhợt nhạt, tim thai âm tính, go tử cung cường tính, máu âm đạo ra lượng nhiều, máu cục lẫn máu đông nhận thấy đây là trường hợp nhau bong non nên được hội chẩn chuyển mổ cấp cứu.
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, vào ổ bụng, các bác sĩ thấy máu loãng, máu cục đỏ sẫm nằm sau bánh nhau và trong âm đạo, lượng nhiều, rối loạn đông máu tử cung, vòi tử cung, buồng trứng 2 bên bị phong huyết nhiều, nhận định đây là thể phong huyết tử cung nhau (thể nặng nhất của nhau bong non).
Máu từ buồng tử cung chảy ra lượng nhiều, tử cung go hồi kém, ekip phẫu thuật đã nhanh chónh tiến hành tăng go tích cực kết hợp thắt động mạch tử cung 2 bên nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, máu từ buồng tử cung vẫn chảy ra nhiều. Đây là tình thế khẩn cấp, người bệnh bị mất máu cấp, đang rơi vào trạng thái vật vã, kích thích, huyết áp tụt, truyền dịch cao phân tử liên tục nhưng chưa cải thiện, bệnh nhân diễn biến nặng dần lên.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hùng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho hay: "Trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc lúc đó, một ý niệm duy nhất hiện diện trong đầu tôi là phải cứu sống bằng được người bệnh và cố gắng bảo tổn tử cung của sản phụ. Bởi thực tế là tử cung của sản phụ bị tụ huyết nhiều vị trí, toàn bộ phần đáy tử cung tím đen do máu tụ.
Vì sản phụ còn quá trẻ, mới vừa tròn 18 tuổi, mang thai lần đầu, ê kíp phẫu thuật quyết tâm bằng mọi giá bảo tồn tử cung cho sản phụ để sản phụ có cơ hội mang thai sau này. Chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp để bảo tồn tử cung cho sản phụ như: điều chỉnh rối loạn đông cầm máu, loại bỏ huyết khối máu tụ".
Trong quá trình phẫu thuật, do mất máu nhiều nên bệnh nhân có chỉ định truyền máu toàn phần bồi hoàn cấp cứu ngay lập tức. Bệnh nhân thuộc nhóm máu AB nhưng không đủ nguồn máu dự trữ trong ngân hàng, rất may một số bác sĩ có cùng nhóm máu này đã tình nguyện hiến máu cứu người bệnh.
“Chúng tôi biết mình cần phải làm gì. Những dòng máu nóng được truyền ngay lập tức cho người bệnh, bởi chỉ chậm một tích tắc thôi là các bác sĩ sẽ gánh phần thua trong cuộc đua với "thần chết" để giành lại sự sống cho người bệnh”, bác sĩ Sơn nói.
Đinh Kim(T/h)