Bé 14 ngày tuổi có khối u lớn ở vùng cổ gáy
Theo thông tin trên báo Giao Thông, bệnh nhi 14 ngày tuổi được chuyển đến Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai từ Trung tâm Y tế huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang), trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, với khối bầm tím to vùng cổ gáy kích thước 6x6cm, có tình trạng thiếu máu, rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm.
Người thân chia sẻ, sức khỏe hai mẹ con bệnh nhi trong quá trình mang thai hoàn toàn bình thường. Trẻ được sinh thường tại Trung tâm Y tế huyện Yên Minh, nặng 3,1kg. Ngay sau sinh, trẻ xuất hiện một khối u vùng cổ gáy, kích thước 2x3cm, sau đó lớn nhanh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trẻ được điều trị tích cực nhưng khối u có xu hướng to ra rất nhanh, bầm tím lan rộng và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Trước tình trạng nặng và nguy cơ cao, Ban giám đốc Trung tâm Nhi khoa đã mời hội chẩn toàn bệnh viện để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho bé. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau 6 ngày phẫu thuật, trẻ được hồi sức tích cực đã tự thở, ăn bú tốt, vết mổ liền tốt.
Nhận định về ca bệnh, TS.BS Lê Thị Lan Anh - Phó giám đốc Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai cho biết đây là ca bệnh hiếm gặp. Ở Việt Nam, cũng đã có các ca bệnh như vậy nhưng vị trí khối u ở các vị trí ít nguy hiểm hơn như cổ, thân, đùi…
"Thời điểm kịch tính, ngàn cân treo sợi tóc là khi chúng tôi tiến hành phẫu thuật cho bé. Vì khối u to, nguy cơ mất máu rất lớn, có thể ảnh hưởng ngay đến tính mạng của trẻ.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi, chúng tôi đã dự trữ và truyền máu trong khi phẫu thuật. Sự thành công của ca mổ cũng là kết quả của sự phối hợp đa chuyên khoa hết sức nhịp nhàng của rất nhiều chuyên ngành trong bệnh viện", bác sĩ Lan Anh nói.
Người đàn ông đột ngột tím tái, mất ý thức khi đang theo dõi ở bệnh viện
VTV News đưa tin, nam bệnh nhân 58 tuổi vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng đau ngực, khó thở. Theo lời kể của gia đình, khoảng 1h cùng ngày vào viện, bệnh nhân kêu đau tức nặng ngực vùng giữa xương ức, cảm giác ứ nghẹn ở vùng cổ, khó thở nhẹ, chưa dùng thuốc gì.
Gia đình đã gọi Trung tâm Cấp cứu 115 Hùng Vương đến đón (bệnh nhân có tiền sử đặt 1 stent động mạch vành cách đây 2 năm, tăng huyết áp, tăng mỡ máu). Sau khi vào viện 1 giờ, khi bệnh nhân đang được theo dõi tại khoa Tim mạch thì đột ngột tím tái, mất ý thức, rối loạn huyết động, monitor điện tim có hình ảnh rung thất.
Bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu ngừng tuần hoàn: ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện không đồng bộ, đặt nội khí quản. Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, bệnh nhân được an thần thở máy chuyển xuống phòng can thiệp chụp động mạch vành cấp cứu.
Kết quả chụp mạch vành qua da cấp cứu có hình ảnh hẹp 95% kèm theo huyết khối LAD II sau stent cũ, stent cũ thông tốt. Các bác sĩ đã tiến hành đặt 1 stent cho bệnh nhân. Sau can thiệp, dòng chảy tái thông tốt, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và điều trị tích cực.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc là và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Phát hiện 5 viên bi nam châm trong bụng bệnh nhi 4 tuổi
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng mới tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi đến khám vì ho, sốt. Trong quá trình thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ tình cờ phát hiện một chuỗi dị vật nằm trong ổ bụng của bệnh nhi.
Gia đình cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, bố bệnh nhi mua đồ chơi nam châm bi về cho con chơi. Quá trình chơi, bé nuốt một số viên nhưng không thấy có biểu hiện bất thường nên gia đình không cho bé đi khám.
Tại bệnh viện, nhận định dị vật có thể là chuỗi bi nam châm có tính chất đặc biệt nguy hiểm, ekip nội soi tiêu hoá triển khai cấp cứu ngay trong đêm. Tuy nhiên, dị vật tồn tại quá lâu ăn sâu vào thành sau dạ dày nên bác sĩ không thể lấy ra được. Do đó, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy dị vật ra nhằm hạn chế hậu quả đáng tiếc.
Lo lắng cho bệnh tình của trẻ, gia đình đã xin chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để lấy bỏ 5 viên nam châm ở dạ dày và ruột non cho bệnh nhi. Đây là một ca mổ rất phức tạp, các bác sĩ đã phải mở dạ dày để lấy dị vật và cắt một phần ruột non đã hoại tử do biến chứng của các viên nam châm gây ra.
Bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, trong số các loại dị vật thì nam châm là nguy hiểm nhất, đặc biệt khi nuốt từ 2 viên trở lên. Nam châm từ tính nên có xu hướng tự hút dính vào nhau dọc theo đường tiêu hoá, gây tắc và tạo sức ép lên thành ruột, gây thiếu máu dẫn đến hoại tử và thủng ruột, thậm chí có thể gây sốc nhiễm trùng dẫn tới tử vong.
XEM THÊM: Người bệnh sốt xuất huyết bị cảm giác "giòi bò" và mất ngủ liên tục, bác sĩ đưa ra khuyến cáo
Do đó, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên để trẻ tránh xa các vật có kích thước nhỏ, sắc, nhọn, dễ nuốt như: nam châm, pin, dây chuyền, nhẫn, cúc áo, hoá chất độc hại… Nếu không may nuốt phải cần cho trẻ đến viện ngay để được xử lí kịp thời, tránh gây hậu quả đáng tiếc.
Đinh Kim(T/h)