Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/1/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 2/1/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nhà hàng bỏ ma tuý vào thức ăn để lôi kéo khách quay lại
Nhà hàng bỏ ma túy vào thức ăn để lôi kéo khách - Ảnh: Minh họa |
Trò lừa đảo bẩn thỉu của nhà hàng tình cờ bị phát hiện sau khi một người ăn địa phương ở Hạt San Giang Dong có thử nghiệm dương tính với morphine, thành phần hoạt động trong thuốc phiện, trong một cuộc kiểm tra của cảnh sát.
Người đàn ông bị sốc, khăng khăng rằng anh ta không dùng thuốc, và nói với các nhà điều tra rằng điều duy nhất anh ta ăn vào mà không kiểm soát được là một bát mì tại một nhà hàng địa phương. Từ đó cảnh sát có chuyến viếng thăm bất ngờ đến cửa hàng mì, họ lấy được một gói bột có kết quả dương tính với morphine.
Sau khi có được các kết quả tìm kiếm ban đầu, cảnh sát giao nộp hồ sơ vụ việc cho Phòng Quản lý, Giám sát thị trường hạt San Giang - cơ quan có chuyến ghé thăm cửa hàng mì một lần nữa và phát hiện 76 gr bột hạt anh túc.
Chủ sở hữu của cơ sở, một người đàn ông có tên là Yang, đã bị bắt, sau đó thừa nhận rằng anh ta sử dụng bột làm nguyên liệu bí mật để khiến khách hàng nghiện và quay trở lại nhiều hơn.
Khi được hỏi tại sao lại có được bột hạt anh túc, Yang khai với cảnh sát rằng anh ta đã dùng vỏ của cây anh túc do chính mình trồng từ vài năm trước. Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra.
Điều kỳ lạ là, thói quen tẩm mì với thuốc phiện để khiến mọi người nghiện và tăng doanh số bán hàng không phải là mới ở Trung Quốc. Một trong những trường hợp được báo cáo đầu tiên có từ năm 2014, khi chủ một nhà hàng ở Yan’an, tỉnh Thiểm Tây, thừa nhận đã cho thuốc phiện vào mì. Sự việc bại lộ sau khi một khách hàng có thử nghiệm dương tính với morphine.
Vào đầu năm 2016, người ta đã xác nhận rằng vụ Yan’an không phải là trường hợp cá biệt. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, ba chục nhà hàng khác đã bị điều tra vì cho thuốc phiện gây nghiện vào thực phẩm, trong đó một số đã bị truy tố.
Bỏ lơ 3 năm, miếng da nhỏ biến thành “sừng rồng” 14 cm
Khối u của người đàn ông có chiều dài 14 cm và đường kính 5,8 cm - Ảnh: Daily Mail |
Vì không gây nhiều đau đớn, người đàn ông 50 tuổi chủ quan không đi khám trong suốt 3 năm. Cho đến một ngày, miếng da sần sùi bé tí hôm nào trở thành một chiếc "sừng rồng" dài 14 cm, đường kính 5,8 cm, khô cứng, có màu nâu và xù xì, ông mới đến bệnh viện để loại bỏ nó.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, ông mới tá hỏa khi được chẩn đoán bị ung thư tế bào vảy (SCC). Bệnh này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đa phần vùng da bị tổn thương đều có hiện tượng chóc vảy, khô giòn hoặc có thể bị đỏ và viêm. Một vài trường hợp bệnh nhân sẽ cảm thấy đau buốt hoặc chảy máu.
Vì ủ bệnh trong 3 năm và chưa thông qua bất kỳ điều trị nào, căn bệnh đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, theo thông tin từ bệnh viện Nữ bá tước Chester - nơi người đàn ông điều trị.
Tờ Daily Mail cho biết đây là một loại ung thư phát triển chậm và có thể chữa trị được. Hầu hết các trường hợp đều được chẩn đoán và điều trị sớm, trước khi tế bào ung thư kịp phát triển lớn, biến thành "sừng rồng".
Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ vùng da bị tổn thương. Việc phẫu thuật để lại một miệng vết thương lớn trên lưng. Tuy nhiên, các bác sĩ đã sử dụng da đùi của bệnh nhân để ghép vào lỗ hổng.
Căn bệnh dễ phát triển tại các vị trí hay để hở như đầu, tai, cổ và mu bàn tay. Bởi vì nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh là do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, bệnh nhân cho biết ông không hay đi nắng và gia đình ông cũng không ai có tiền sử mắc ung thư da. Điều này khiến ca bệnh thêm kỳ lạ.
Cô gái chỉ thích ăn tóc đến mức suýt nguy hiểm tính mạng
Hội chứng này thường xuất hiện ở nữ giới dưới 20 tuổi - Ảnh: Minh họa |
Khi đang ngồi học trong lớp, Jasmine Beever, 16 tuổi, có biểu hiện mệt mỏi và không tỉnh táo, cô bé ngất ngay sau đó và được đưa thẳng vào phòng cấp cứu.
Mọi nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã không được như ý muốn, Jasmine đã qua đời trong sự bàng hoàng và ngỡ ngàng của người thân.
Các bác sĩ đã tiến hành khám nghiệm tử thi và phát hiện Jasmine bị viêm phúc mạc, xảy ra khi lớp mô mỏng bao phủ quanh ổ bụng, thường do nhiễm nấm hoặc vi khuẩn.
Họ vô cùng shock khi thấy trong dạ dày của cô bé là những búi tóc to bị nhiễm trùng, dẫn đến vỡ vết loét, khiến các cơ quan nội tạng ngừng hoạt động.
Các chuyên gia cho biết cái chết của Jasmine có liên quan đến hội chứng Rapunzel, nguyên nhân gây ra bởi rối loạn tâm thần gọi là trichophagia.
Theo Live Science, bác sĩ Cathy Burnweit, Trưởng khoa Nhi tại Bệnh viện Nicklaus (Mỹ), cho biết, được đặt theo tên của "nàng công chúa tóc mây" trong truyện cổ tích, hội chứng Rapunzel là tình trạng rất hiếm gặp 1/15.000.000 người.
Khác với cái kết có hậu, đây là tình trạng bệnh lý rất hiếm gặp.
Tiến sĩ Suzanne Mouton-Odum, giáo sư trợ lý lâm sàng tại Đại học Y Baylor (Mỹ), cũng từng gặp trường hợp mắc hội chứng này.
Amanda, 16 tuổi, thường xuyên nhổ và ăn tóc vào ban đêm. Cha mẹ cô bé nhận thấy mái tóc của cô đã biến mất nhưng không thể tìm thấy sợi nào ở bất cứ đâu.
Sau đó, gia đình đã đưa cô bé tới bệnh viện để xét nghiệm tiêu hóa. Tiến sĩ Suzanne khẳng định cô bé đã nhổ và ăn tóc như một cách để thư giãn, ngủ ngon hơn.
Được chồng giác hơi lúc nửa đêm về sáng, vợ bị bỏng
Giác hơi có thể gây bỏng nếu thực hiện không đúng cách - Ảnh: Forbes |
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Phước Sang, Trưởng Khoa Chấn thương - chỉnh hình bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, cho biết đây là trường hợp hy hữu. Vài năm trở lại đây, bác sĩ rất ít gặp trường hợp bỏng do giác hơi.
Theo lời nữ bệnh nhân, khoảng 3h, chị thức dậy pha sữa cho con nhỏ. Chị thấy không khỏe trong người, đau nhức do cảm ho mấy ngày nay. Nghe vậy, chồng chị lấy bộ dụng cụ mới mua ra giác hơi cho vợ.
Do lâu ngày không thực hiện, anh lóng ngóng tay chân, làm ống giác hơi phựt lửa, cháy lan trên lưng vợ. Ngay khi đó, người chồng lấy mền phủ kín lưng vợ, dập tắt lửa cháy và đưa chị đến cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt. Bị phỏng, bệnh nhân than đau rát, nhức nhối, cử động khó khăn.
Các bác sĩ đang cố gắng điều trị cho bệnh nhân để giảm tình trạng nhiễm trùng sẽ để lại sẹo xấu, nếu tiến triển nhiễm trùng máu, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Trong khoảng 3 tuần, thịt và da non vùng phỏng sẽ mọc đủ lớp, bề mặt da bị phỏng sẽ khô, bong tróc.
Thời gian này, bệnh nhân được cách ly tối đa, hạn chế tiếp xúc các nguồn lây bệnh, tránh nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân được chích ngừa uốn ván theo phác đồ điều trị bỏng.
Quỳnh Chi (T/h)