Bác sĩ choáng khi lấy khối u nặng 11kg khỏi bụng người phụ nữ
Theo báo Dân Trí, cách đây vài tuần, nữ bệnh nhân D.N.T. (53 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến bệnh viện thăm khám vì dáng đi khó khăn, bụng lớn như người mang thai gần sinh. Tiếp nhận bệnh nhân, TS.BS Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Phụ sản một bệnh viện tại quận Bình Tân phát hiện bệnh nhân có khối u to đến xương ức.
Bệnh nhân kể, bụng đã to từ rất nhiều năm nay nhưng chỉ nghĩ do mình mập lên. Suốt thời gian dài, người bệnh không thấy triệu chứng gì bất thường, cộng thêm tâm lý sợ mổ nên đã trì hoãn việc đi bệnh viện, cho đến khi bệnh diễn tiến nặng.
Qua khám và kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ xác định khối u của bệnh nhân là u xơ tử cung, chiếm hết khoang ổ bụng, dù lành tính cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Qua sự giải thích của bác sĩ, bệnh nhân chấp thuận mổ lấy khối u ra ngoài.
Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân chỉ mất một lượng máu rất ít. Ekip điều trị phải thực hiện một đường mổ dài, từ phía dưới lên tận xương ức mới có thể cắt u xơ khỏi cơ thể người bệnh. Khối u khi lấy ra ngoài to như quả dưa hấu lớn, nặng đến 11kg, khiến các bác sĩ cũng phải "choáng".
Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân bình phục nhanh chóng, bụng nhẹ nhàng và dần thu nhỏ lại. Dự kiến sau một tháng, bụng của người bệnh sẽ trở lại dáng vẻ bình thường, có thể tập thể dục hàng ngày một cách nhẹ nhàng, thoải mái sau thời gian dài bị khối u làm ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Người đàn ông phải tháo bỏ nửa bàn chân sau dấu hiệu tê, đau
Theo VietNamNet, ngày 18/3, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho hay các bác sĩ vừa tiếp nhận nam bệnh nhân H.H.R (trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng nửa bàn chân trái hoại tử tím đen, chảy dịch, bốc mùi hôi thối.
Gia đình kể, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường nhiều năm nay. Trong 5 tháng qua, bệnh nhân có biểu hiện tê, đau bàn chân. Cơn đau tăng nhiều khi vận động. Sau đó, các đầu ngón chân tím, mất cảm giác, chảy dịch đục và bốc mùi hôi thối. Bệnh nhân đã tự dùng thuốc và thay băng tại nhà nhưng tình trạng không đỡ nên mới vào viện khám.
Bác sĩ Ngô Đức Lộc, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chia sẻ, bệnh nhân nhiễm trùng hoại tử bàn chân do hẹp tắc mạch chi dưới trên nền bệnh lý đái tháo đường loại 2. Nhận thấy tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn, bác sĩ chỉ định tháo bỏ nửa bàn chân để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Lộc, người bệnh đái tháo đường không nên chủ quan với bất kỳ thay đổi nào của cơ thể. Nên điều trị và theo dõi khám định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Gắp đỉa sống trong khí quản người phụ nữ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, nữ bệnh nhân 74 tuổi (trú tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) nhập viện ngày 10/3 với hiện tượng ngạt mũi, ho khạc ra máu sau 2 tháng uống nước suối lúc đi làm nương, theo tờ Tri Thức Trực Tuyến.
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện đỉa sống (tắc te) trong khí quản người bệnh. Dị vật sống ngay sau đó đã được gắp ra bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Từ trường hợp này, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn Hà, Trưởng khoa Nội I Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La khuyến cáo người dân không nên uống nước tại các khe suối, sông, hồ khi đi rừng, nương.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ có vật thể lạ trong mũi, miệng, tai..., người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để khám và điều trị kịp thời.
Đinh Kim(T/h)