Sút 4kg/tuần, đi khám phát hiện mắc 2 bệnh ung thư
Theo thông tin trên VTV Times, cách thời điểm vào viện 1 tuần, bệnh nhân N.X.T. (nam, 64 tuổi, trú tại Tân Yên, Bắc Giang) thấy chán ăn, sút 4 kg/1 tuần, không khó thở, không ho, không đau ngực, không đau bụng, đại tiểu tiện bình thường.
Bệnh nhân khám tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện khối, nốt ở nhu mô phổi và khối nhu mô gan. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.
Tiền sử bệnh nhân bị viêm gan B không điều trị, xuất huyết dạ dày cách 15 năm điều trị nội khoa đã ổn định. Từng hút thuốc lào 23 năm nhưng đã bỏ, uống rượu 500ml/ngày. Nghề nghiệp có tiếp xúc với amiăng, thuốc trừ sâu. Gia đình có bố đẻ mắc ung thư gan.
Căn cứ vào các kết quả cận lâm sàng, xét nghiệm... bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư phổi trái không tế bào nhỏ di căn phổi EGFR (+), giai đoạn IV cT3N0M1 - Ung thư đường mật type ống nhỏ di căn hạch rốn gan, giai đoạn IIIB cT2N1M0/viêm gan B.
Bệnh nhân được chỉ định điều trị theo phác đồ. Hiện, người bệnh đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Cơ quan quốc tế Nghiên cứu ung thư thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa ung thư nguyên phát được định nghĩa có nhiều hơn một loại ung thư với nguồn gốc mô bệnh học khác nhau, xuất hiện không phụ thuộc thời gian trên cùng một người bệnh. Tỷ lệ mắc đa ung thư nguyên phát trên thế giới trong khoảng 2,4 - 17,2%.
Những tiến bộ trong sàng lọc và chẩn đoán làm tăng khả năng phát hiện đa ung thư nguyên phát trên người bệnh ở mọi giai đoạn. Dựa vào thời gian phát hiện ung thư nguyên phát thứ hai trở đi so với loại đầu tiên, có thể chia chúng làm 2 loại: đồng thời (synchronous) và liên tiếp (metachronous).
Tiên lượng bệnh đa ung thư nguyên phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí khối u, giai đoạn bệnh, thời gian giữa chẩn đoán ung thư nguyên phát đầu tiên và tiếp theo. Chưa có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ tử vong giữa đơn và đa ung thư nguyên phát.
Nội soi phế quản gắp dị vật cho bé 9 tháng tuổi
VietNamNet đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết bệnh nhi là bé D.H.A. (9 tháng tuổi, ở Đồng Tháp). Sáng mùng 6 Tết, người nhà cho bé A. cầm đậu đũa chơi, sau đó mẹ nghe tiếng bé khóc và ho sặc.
Mẹ thấy bé tím môi, xử trí vỗ lưng rồi đưa bé vào một bệnh viện tư nhân cách nhà khoảng 20 phút di chuyển. Tại đây, trẻ tím, SpO2 60% và được đặt nội khí quản, chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long liên hệ để chuyển bé A. lên TP.HCM.
Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bệnh nhi thở máy. Kết quả X-quang cho thấy xẹp và tràn khí màng phổi phải. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn giữa chuyên khoa Hô hấp và Ngoại lồng ngực mạch máu, quyết định đặt dẫn lưu màng phổi và thực hiện nội soi phế quản gắp dị vật.
Tại phòng mổ, bệnh nhi được truyền huyết tương tươi do có rối loạn đông máu. Bác sĩ đặt dẫn lưu trước rồi nội soi phế quản, ghi nhận có dị vật hình tròn màu vàng nhạt bít hoàn toàn phế quản trung gian. Bác sĩ dùng kiềm gắp thành công một hạt đậu ra ngoài.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển về khoa Hồi sức ngoại, tiếp tục thở máy. Kết quả X-quang cho thấy phổi nở tốt sau gắp dị vật. Bé hiện được điều trị viêm phổi và hồi sức tích cực.
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khuyến cáo phụ huynh không nên để trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, hoặc sợ hãi khi ăn; không cho trẻ chơi các đồ chơi nhỏ vì nguy cơ bị rơi vào đường thở. Đồng thời, nên thận trọng với những thức ăn như hạt đậu, hạt trái cây, ngô (bắp), vỏ tôm, cua... có thể làm cho trẻ hóc dị vật.
Chữa bệnh bằng thuốc cam, bé 9 tuồi bị ngộ độc chì nặng
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết vừa qua, các bác sĩ đã cấp cứu một trường hợp ngộ độc chì rất nặng do chữa bệnh bằng thuốc cam. Cụ thể, bệnh nhi T.M. (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) có tiền sử động kinh. Thời gian gần đây, gia đình thấy con co giật nhiều nên đã mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho trẻ uống.
Sau khi dùng thuốc 2 tuần, các cơn giật của trẻ không giảm mà còn tăng lên kèm theo nôn, đau đầu, lơ mơ dần. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán ngộ độc chì nặng. Nồng độ chì trong máu của bé là 91 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL).
Trẻ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác. Các bác sĩ đã lập tức hồi sức tích cực để đảm bảo chức năng sinh tồn cho trẻ. Tuy nhiên, sau 1 ngày điều trị, tình trạng tri giác của bệnh nhi xấu dần, tăng áp lực nội sọ nặng, đe dọa đến các chức năng sống và bệnh nhi rơi vào tình trạng mất não.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa cấp cứu và chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết đây là một ca ngộ độc rất đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết của gia đình khi không tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh động kinh của các bác sĩ chuyên khoa. Cha mẹ không cho trẻ uống thuốc đều đặn và đi tái khám theo lịch mà lại tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.
Theo bác sĩ Hùng, một số cha mẹ vẫn quá tin tưởng vào loại "thần dược" có tên thuốc cam sẽ giúp chữa được nhiều bệnh về da, răng miệng, suy dinh dưỡng hay tăng đề kháng…
Đây là những sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em. Thực tế các cơ sở y tế đã cấp cứu, điều trị nhiều trẻ bị ngộ độc chì sau khi sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc.
XEM THÊM: Đốt pháo trên nắp cống, cậu bé bị hất văng lên không trung
Trẻ ngộ độc chì có các biểu hiện cấp tính: Kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt. Các biểu hiện lâu dài, không điển hình: Chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, mất các kỹ năng học tập, thay đổi thái độ hành vi, mệt mỏi.
Trẻ có thể nôn, đau bụng, chán ăn; da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu. Ngoài ra, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.
Đinh Kim(T/h)