Cứu cụ bà 77 tuổi bất ngờ khó thở, đau ngực trái dữ dội
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời TS.BS Phan Tấn Quang - Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, đơn vị đã cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp và ngưng tim trong quá trình cấp cứu can thiệp tại viện.
Cụ thể, bà T.T.N (77 tuổi, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ có cơn đau ngực trái dữ dội, khó thở. Sau đó, cụ được gia đình đưa đến nhập viện tại khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Tại bệnh viện, sức khỏe bà N. rất nguy kịch vì tiếp tục khó thở, phù phổi cấp, suy tim nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Nội tim mạch khẩn trương vừa xử lý cấp cứu vừa đo điện tim và xét nghiệm men tim.
Người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim không ST chênh, nguy cơ rất cao trên nền của bà Ngọt bị tăng huyết áp, suy thận mạn giai đoạn cuối. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn khẩn và thống nhất can thiệp cấp cứu tái thông mạch vành hi vọng có thể cứu sống người bệnh.
Nhận thấy đây là ca bệnh nguy cơ rất cao, bệnh viện đã điều động nhân lực bác sĩ các khoa Hồi sức - gây mê, khoa Thận nhân tạo cùng các bác sĩ can thiệp có kinh nghiệm trong khoa Nội tim mạch tiến hành can thiệp cấp cứu.
Tại phòng can thiệp, bệnh nhân lên cơn phù phổi cấp liên tục, được gây mê, đặt nội khí quản, thở máy và tiến hành chụp mạch vành cấp cứu cho kết quả là bán tắt lỗ vào động mạch liên thất trước (LAD) với dòng chảy qua rất chậm.
Sau đó, người bệnh được can thiệp cấp cứu, trong lúc can thiệp người bệnh ngưng tim, tụt huyết áp liên tục. Vì vậy, các bác sĩ phải vừa hồi sức vừa can thiệp cùng lúc. Sau hơn 20 phút nỗ lực cấp cứu, bà Ngọt đã được can thiệp thành công khi được đặt 1 stent vào đoạn hẹp động mạch liên thất trước.
Sau can thiệp bệnh nhân được chỉ định chạy thận cấp cứu nhằm tránh tình trạng phù phổi cấp tái lập và được chuyển về hồi sức thở máy. Qua 12 ngày được điều trị tích cực, chiều 17/11, bà N. được xuất viện trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Nổi mẩn khắp người sau khi tự dùng thuốc điều trị viêm họng
VTV News đưa tin, nam bệnh nhân (15 tuổi, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) có biểu hiện đau rát họng, gia đình đã tự ra hiệu thuốc mua về cho uống. Sau uống khoảng 15 phút, bệnh nhân có biểu hiện nổi mẩn khắp người, hai mắt sưng và được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Bệnh nhân được xác định bị sốc phản vệ độ II và được tiến hành cấp cứu theo phác đồ. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định.
Theo các bác sĩ khoa Cấp cứu, việc tự ý mua và dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt đối với những người có tiền sử dị ứng hoặc chưa biết bản thân có dị ứng thuốc hay không bởi nó có thể dẫn đến sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Dù đã rất nhiều lần cảnh báo nhưng tình trạng người bệnh nhập viện với chẩn đoán sốc phản vệ do tự dùng thuốc vẫn tái diễn với mức độ từ nhẹ đến nặng.
Cấp cứu người bệnh bị sốc phản vệ phải được thực hiện bởi các y bác sĩ có chuyên môn và dụng cụ hỗ trợ, hộp thuốc chống sốc. Vì vậy, hãy ngay lập tức đưa những người có biểu hiện sốc phản vệ đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nỗ lực điều trị cho người phụ nữ 44 tuổi mắc bệnh tim nhiều năm
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện S.I.S Cần Thơ) cho hay vừa cố gắng mọi phương án cứu để bà D.T.B.Q (44 tuổi, quê Sóc Trăng) mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình chuẩn bị đưa về quê buông xuôi theo số phận.
Được biết, bà Q. tiền sử mắc bệnh tim nhiều năm, 2 tuần gần đây đi lại khó khăn, chân phải đau nhức dữ dội, tím dần, có vết trầy xước không lành đang lan rộng, hoại tử. Sau khi khám tại một bệnh viện gần nhà, bà được tư vấn đến Bệnh viện S.I.S để được điều trị với chẩn đoán tắc mạch máu chi.
Tại đây, qua hội chẩn liên chuyên khoa, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, nhận định đây là trường hợp rất khó. Bệnh nhân bị bệnh tim đã điều trị nhiều năm, hàng ngày mưu sinh bằng nghề phụ bán bánh mì. Với tình trạng này, cơ may giữ được mạng sống đã là khó, giữ lại đôi chân để tiếp tục mưu sinh càng không mấy dễ dàng.
Các bác sĩ đã phải cân não với nhiều phương án: Cắt bỏ một phần chân phải để tránh nhiễm trùng nhiễm độc và bệnh nhân phải suốt đời tàn phế 1 phần. Giải pháp này khá đơn giản về chuyên môn nhưng sẽ gánh nặng cho cả bệnh nhân và gia đình về sau.
Trong khi đó, nếu cố gắng can thiệp tái thông để giữ lại chân thì kỹ thuật quá khó trên một đoạn tắc kéo dài từ vùng đùi đến dưới gối và nguy cơ nhiễm trùng bùng phát sau tái thông, đe dọa tính mạng. Chưa kể, chi phí quá nặng nề trên một người bệnh không có BHYT.
XEM THÊM: WHO đưa "cô đơn" vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu
Gia đình quyết định đưa bà Q. về quê buông xuôi theo số phận. Tuy vậy, tạm gác mọi trở ngại (đặc biệt khánh kiệt về viện phí), các bác sĩ quyết tâm cứu người bệnh với suy nghĩ "còn nước còn tát".
Sau hơn 2 giờ cố gắng dùng mọi cách, các bác sĩ đã hút ra nhiều huyết khối trong một đoạn tắc dài hơn 20 cm từ phần dưới đùi đến dưới gối của bệnh nhân... Hiện sau can thiệp, sức khỏe bà Q. đã cải thiện, chân hồng hơn, bớt đau nhức, không có dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc.
Đinh Kim (T/h)