Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/11/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 15/11/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Selfie trên đỉnh núi 2.000 mét nữ sinh mất mạng
Nữ sinh Dang mất mạng khi selfie trên đỉnh núi Hóa Sơn. |
Vào cuối tháng 10, nữ sinh tên Dang đã tử vong sau cú ngã 2.000 m từ đỉnh núi Hóa Sơn, nổi tiếng với những vách đá dựng đứng và đường mòn nguy hiểm ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc
Gia đình Dang cho rằng, hàng rào trên núi không đủ an toàn, trong khi ban quản lý vườn quốc gia Hóa Sơn khẳng định nữ sinh này là người đã trưởng thành vì thế cần phải chịu nhiệm trước hành động của mình.
Trước đó, nữ sinh Dang chụp ảnh selfie cùng các bạn cùng lớp khi leo lên núi lên mạng xã hội cho tới khi cô gái đột ngột mất tích. Trường đại học của cô ở tỉnh Hồ Nam đã báo cảnh sát một ngày sau khi không liên lạc được với nữ sinh đồng thời thông báo với gia đình về việc mất tích.
Kiểm tra video giám sát, cảnh sát xác nhận Dang đã rơi từ phần phía tây ngọn núi. Nhân viên họ Liu làm việc tại khu du lịch cho hay, dù đã được các nhân viên nhắc nhở nhưng cô gái vẫn bỏ qua các cảnh báo an toàn.
“Chúng tôi có bằng chứng để chứng minh rằng chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch”, Liu nói.
Chính quyền tỉnh Thiểm Tây đồng ý “hỗ trợ” gia đình nữ sinh 40.000 nhân dân tệ nhưng họ cảm thấy ban quản lý khu du lịch phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cái chết của Dang.
Trong khi đó, bà Yang (mẹ của Đặng) cho biết gia đình đang đàm phán với ban quản lý của khu du lịch.
“Ban quản lý khẳng định họ không chịu trách nhiệm gì cả. Họ nói rằng con gái tôi đã trưởng thành và cái chết của con gái tôi là do hành động chụp ảnh selfie”, bà Yang nói.
Dân mạng đồng tình với ban quản lý khu du lịch trong trường hợp này. “Tôi kính trọng trước nạn nhân đã chết. Nhưng tôi cho rằng khu du lịch không phải chịu trách nhiệm trước cái chết của cô ấy. Bạn là người trưởng thành và không biết đâu là nguy hiểm chăng? Theo logic như vậy thì tất cả các tòa nhà chọc trời nên lắp lưới bảo vệ nếu không ban quản lý sẽ bị đổ lỗi trong các trường hợp có người tự tử bằng cách nhảy khỏi các tòa nhà cao”.
Vụ việc vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc.
Bà mớm thức ăn khiến cháu loét dạ dày
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) - Ảnh: Shutterstock |
Mới đây tại Hà Nội, bé trai 6 tuổi (trú quận Hoàng Mai) bị lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) từ bà.
Theo đó, bà nội bé từng có tiền sử mắc viêm loét dạ dày. Nghĩ mình đã khỏi bệnh, hàng ngày bà thường nhai cơm và mớm cho bé ăn nên vô tình khiến bé bị nhiễm vi khuẩn HP lúc nào không biết.
Tới 1 năm sau, bé có biểu hiện nôn khan, da xanh xao, gầy, đi ngoài phân đen được cha mẹ đưa tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả nội soi cho thấy, bé bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, sần hạt dạ dày, hành tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhai mớm cơm là hành động người lớn cho cơm vào miệng nhằm nghiền nát rồi bón cho trẻ ăn. Người ta thường làm việc này lúc trẻ chưa có răng. Khi ăn cơm mớm, thức ăn dễ được tiêu hóa hơn do quá trình nghiền nát có lẫn theo men tiêu hóa của người nhai (men tiêu hóa trong nước bọt).
Thế nhưng thói quen này lại mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe với trẻ nhỏ. Theo đó khi ăn cơm mớm, trẻ vô tình sẽ bị lây nhiễm một số bệnh từ người nhai qua đường ăn uống, hô hấp. Một số bệnh bao gồm: bệnh lỵ amip, bệnh viêm gan, bệnh màng não cầu, đặc biệt là khuẩn Helicobacter pylori (HP). HP là một loại xoắn khuẩn sống trên lớp nhày niêm mạc dạ dày, có thể tìm thấy qua dịch miệng họng những người viêm loét dạ dày do HP.
Theo bác sĩ nhi Tô Quang Huy, hiện nay, có khoảng 90% người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, đa số HP không gây bệnh, chỉ những HP mang gen có độc lực mới gây bệnh, chúng dễ lây qua dịch tiết họng. Nhóm người dễ mắc HP nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên nguy cơ lây nhiễm cao.
Vi khuẩn HP thường lây bệnh cho trẻ chủ yếu qua các con đường miệng, hô hấp, qua hành động hôn, thơm vào miệng hoặc nhai, mớm, đút thức ăn hay dùng chung bát, đũa, thìa, uống chung cốc.
Trẻ nhiễm vi khuẩn HP thường bị khó tiêu, buồn nôn, nôn, chán ăn, chậm lớn, thậm chí nôn ra máu hoặc đại tiện ra phân đen, hôi. Nguy hiểm hơn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ dễ gặp biến chứng viêm loát dạ dày, tá tràng cấp và mạn tính, lâu dài dẫn đến nguy cơ ung thư.
Do vậy, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, các phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai để tránh nguy cơ bị lây nhiễm các vi khuẩn nguy hiểm.
Người đàn ông có 800 hạt 'trân châu' trong túi mật
Túi mật của người đàn ông được lấp đầy bởi vô số hạt sỏi đen - Ảnh: World of buzz |
Người đàn ông 60 tuổi đến từ Thái Lan đã tới bệnh viện để khám sau khi trải qua các triệu chứng sốt, đau dạ dày và không có cảm giác thèm ăn trong nhiều ngày.
Kết quả siêu âm cho thấy trong túi mật của bệnh nhân có chứa một khối rắn chắc, đồng thời bác sĩ cho biết đôi mắt của bệnh nhân cũng hơi ngả vàng. Ngay lập tức người đàn ông được chỉ định phẫu thuật và khi túi mật của ông được mổ ra, các bác sĩ vô cùng kinh hãi vì bên trong chứa đầy những viên sỏi đen.
Những viên sỏi đen này trông giống những hạt trân châu mọi người thường pha với trà sữa. Một số y tá cho rằng có vẻ bệnh nhân là người nghiện trà sữa nghiêm trọng.
Song các bác sĩ đã chứng minh lý thuyết đó sai. Nguyên nhân tích tụ những viên sỏi này là do viêm nghiêm trọng ở túi mật, đến mức chứa đầy mủ. Hóa ra, người đàn ông 60 tuổi đã phải chịu đựng tình trạng sỏi mật nghiêm trọng trong hơn 5 năm mà không có sự trợ giúp y tế, nên trong túi mật của ông mới chứa nhiều hạt sỏi đến vậy, số lượng lên đến 800 viên.
Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang nằm viện để tiếp tục theo dõi sau khi vừa trải qua cuộc phẫu thuật.
Cụ ông U90 suýt chết vì đeo khối u to bằng quả bóng trên cổ
Khối u "khổng lồ" trên cổ bệnh nhân - Ảnh: CNN |
Ông Milton Wingert 81 tuổi, ở bang New Jersey của Mỹ đã tới rất nhiều bệnh viện để kiểm tra khi phát hiện khối u khổng lồ đang ngày càng phát triển ở cổ mình, tuy nhiên đổi lại ông chỉ nhận được những cái nhún vai từ phía các bác sĩ do lo ngại về kích cỡ khối u ác tính cũng như vị trí của nó.
Cứ lần lữa mãi như thế cho đến khi khối u to bằng cả một quả bóng và khiến Wingert gặp vô vàn phiền toái trong sinh hoạt cũng như đe dọa đến mạng sống của ông.
Cuối cùng, ông Wingert đã tìm tới bác sĩ Nazir Khan - chuyên gia phẫu thuật đầu và cổ tại Bệnh viện Mount Sinai, người đã thuyết phục ông rằng có thể phẫu thuật cắt bỏ được khối u.
Bác sĩ và cụ Wingert đã trao đổi rất kỹ về những gì có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật - bao gồm các biến chứng tiềm ẩn.
"Tôi muốn mọi người được chuẩn bị, trước khi chúng tôi bước vào phòng mổ, cho bất kỳ kịch bản nào", bác sĩ Khan nói với CNN.
"Trước một ca bệnh phức tạp hơn, tôi luôn nghĩ đến cả hai kịch bản, tốt nhất và xấu nhất. Tôi luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và hy vọng điều tốt nhất", bác sĩ Khan cho biết thêm.
Sau một thời gian theo dõi, bác sĩ Khan quyết định tiến hành mổ cho bệnh nhân. Cuộc phẫu thuật kéo dài 7 giờ đồng hồ đã thành công mỹ mãn, bác sĩ Khan cho biết khối u ác tính mà anh đã cắt bỏ nặng từ 2 tới 3 kg.
Sau ca phẫu thuật, ông Wingert sẽ tiếp tục bước vào quá trình trị liệu hồi phục.
"Tôi biết rằng ông ấy sẽ cần trị liệu thêm và vì vậy tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng bởi vì tôi biết ông ấy vẫn còn một chặng đường để đi. Nhưng, bạn biết đấy, tôi mừng cho ông ấy, vì tôi biết rằng ông ấy đã rất sợ hãi trước cuộc phẫu thuật. Mọi thứ diễn ra nhanh hơn chúng tôi mong chờ, chúng tôi đã không phải mổ lại và ông ấy đã làm tốt", bác sĩ Khan nói.
Cụ Wingert đang hồi phục tại bệnh viện và từ chối nói chuyện với CNN. Cụ cho phép bác sĩ nói về ca bệnh của mình với truyền thông.
Quỳnh Chi (T/h)