Mổ cấp cứu sản phụ bị tiền sản giật, suy thai
Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết đơn vị này vừa thực hiện thành công ca mổ cứu sản phụ N.T.L (28 tuổi, ở Hà Nội) bị tiền sản giật, suy thai. Theo hồ sơ bệnh án, sản phụ mang thai lần đầu ở tuần thứ 30, quản lý thai kỳ tại phòng khám tư nhân tại địa phương nhưng không phát hiện vấn đề bất thường trong thai kỳ.
Khi thai nhi được 30 tuần, sản phụ có dấu hiệu đau đầu, phù to hai chân nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ mắc hội chứng tiền sản giật nặng, lập tức chỉ định nhập viện điều trị ở khoa A4 của bệnh viện.
Sản phụ được các bác sĩ theo dõi và điều trị sát sao. Sau 5 ngày điều trị, thai nhi có dấu hiệu suy thai. Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định mổ cấp cứu cho sản phụ. Ca mổ kéo dài hơn 1 tiếng, ekip bác sĩ đã lấy ra một bé gái nặng 1,3kg. Tình trạng của sản phụ và em bé sau ca mổ đều ổn định.
Được biết, tiền sản giật là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi. Do đó, các sản phụ nên thăm khám và quản lý thai chặt chẽ tại các bệnh viện sản khoa hàng đầu để phát hiện và xử trí kịp thời.
Thực hiện thành công ca vá thông liên thất ít xâm lấn
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thông tin đơn vị này vừa thực hiện thành công ca vá thông liên thất ít xâm lấn đầu tiên, theo báo Đồng Nai. Cụ thể, ngày 11/6, bệnh nhân P.T.L (46 tuổi, trú tại Trung Dũng, Biên Hòa, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi nhiều.
Trước đó 10 ngày, bệnh nhân thấy mệt mỏi nên đi khám bệnh, được siêu âm tim. Kết quả siêu âm phát hiện bệnh nhân bị thông liên thất dưới đại động mạch có với đường kính luồng thông 7mm, đường kính lỗ thông 16 mm, sa xoang Valsalva vào thất phải, chưa tăng áp động mạch phổi.
Người bệnh được đưa đến khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch để theo dõi, điều trị. Hội đồng mổ tim của bệnh viện đã hội chẩn với ekip mổ tim Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau hội chẩn, người bệnh được chỉ định phẫu thuật vá thông liên thất bằng phương pháp mổ tim ít xâm lấn qua đường mở nửa trên xương ức.
Được biết, với phương pháp mới, bác sĩ chỉ cần mở một phần xương ức phía trên, đường rạch da ngắn khoảng 5 - 7 cm, cùng với sự trợ giúp của các phương tiện trong phẫu thuật ít xâm lấn để vá lỗ thông liên thất.
Ưu điểm của phương pháp này so với đường mổ kinh điển là ít gây sang chấn cho người bệnh, giúp người bệnh đỡ đau sau mổ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, tính thẩm mỹ cao và phục hồi nhanh. Sau 3 ngày phẫu thuật, người bệnh hiện tỉnh táo, sinh hiệu ổn, da, niêm mạc hồng, ăn uống được, vết mổ khô, không chảy dịch, vận động tốt.
Người đàn ông nhập viện cấp cứu vì liên tục uống nước ngọt
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân N.T.T (27 tuổi, ngụ Bình Dương). Được biết, bệnh nhân nặng 85kg, mắc bệnh đái tháo đường 2 năm nay.
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, vì chủ quan nghĩ bản thân còn trẻ, khỏe nên bệnh nhân không uống thuốc đều đặn, thường xuyên uống nước ngọt, bia, rượu, không kiêng khem bất kỳ món ăn nào. Gần đây, người bệnh liên tục khát nước, tiểu nhiều, người mệt mỏi. Để giải tỏa cơn khát, anh uống nhiều nước ngọt, càng uống càng thấy lả người.
Ngày 29/5, bệnh nhân rơi vào hôn mê, được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Khai thác bệnh sử, bác sĩ CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 nhưng không điều trị thường xuyên.
Để chạy đua cứu người bệnh, các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch bồi hoàn nước điện giải và truyền insuline liên tục cho bệnh nhân để điều chỉnh đường huyết. Bên cạnh đó, thực hiện các xét nghiệm phân tích khí máu động mạch (pH), toan ceton để đưa ra hướng điều trị phù hợp, sớm cứu người bệnh thoát khỏi nguy kịch.
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Mười Một, kết quả khí máu động mạch của bệnh nhân rất thấp, độ pH chỉ 6.88. Ở người bình thường, chỉ số pH bình thường của máu nằm trong khoảng 7.35 đến 7.45, chỉ cần pH ở mức 7.00, người bệnh đã rơi vào nguy kịch tính mạng.
Ngoài ra, người bệnh còn bị nhiễm toan ceton nặng (đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể người bệnh sản sinh quá nhiều axit trong máu). Những yếu tố này cho thấy chỉ cần nhập viện trễ 60 phút, người bệnh có thể tử vong.
Nhờ nhập viện và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch và tránh được các biến chứng nguy hiểm như tổn thương não, giảm chức năng thần kinh. Người bệnh hiện đã hết nhiễm toan, ăn uống bình thường nhưng cần tiếp tục điều chỉnh đường huyết bằng insuline.
Đinh Kim (T/h)