Bé 10 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì sự cố khi tập bơi
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết bệnh nhi là bé trai 10 tuổi ở Hồng Thái Đông, Đông Triều. Trước đó, bệnh nhi cùng khoảng 3-4 người bạn đi tập bơi tại ao nuôi tôm của hàng xóm.
Khi sự cố xảy ra, những bé còn lại đều không biết bơi, hoảng loạn và phải chạy đi tìm người cứu. Sau khi được đưa lên bờ, bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, tím môi, ho nhiều và thở nhanh, lập tức được gia đình đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu Nhi của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhi vẫn trong tình trạng lơ mơ, tím môi và đầu chi, chỉ số SpO2 chỉ còn 80-85%, phổi nhiều ran ẩm và được chẩn đoán đuối nước có phù phổi cấp, suy hô hấp độ 3, tiên lượng rất nặng.
Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức cấp cứu cho bệnh nhi bằng cách đặt ống nội khí quản, thở máy, bù toan kiềm, điều chỉnh rối loạn điện giải và kháng sinh. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, bé được bác sĩ cho ra viện.
Biến chứng nặng sau khi chữa vảy nến bằng “thuốc nam sạch” của thầy lang
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, khoa Da liễu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.H với các biến chứng nặng của bệnh vảy nến sau khi sử dụng thuốc nam.
Đươc biết, bệnh nhân bị vảy nến hơn 40 năm. Vì ngại nằm viện và muốn được chữa trị tận gốc bệnh vảy nến, dù biết mình bị dị ứng thuốc nam nhưng bệnh nhân vẫn quyết định sử dụng sau khi nghe lời mách bảo của người bạn và lời quảng cáo “có cánh” về thuốc nam sạch của thầy lang tại Tân Viên, An Lão.
Sau khi uống thang thuốc đầu, 1 -2 ngày sau, người bệnh cảm thấy người rất dễ chịu, ăn ngủ khỏe, bệnh tình khỏi nhanh. Khi uống hết thang thứ 3, người bệnh cắt thêm 4 thang, tổng là 7 thang thuốc. Kể từ lúc này, bệnh bắt đầu có hiện tượng phát ra ngoài nhưng bệnh nhân không để ý nên uống thêm đến chén thuốc thứ 9.
Mãi đến khi da đầu bị tróc vảy, cảm thấy nóng râm ran trong người, bệnh nhân mới ý thức được hậu quả, dừng không uống thêm và lập tức nhập viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy người bệnh ngứa nhiều, trên da có nhiều mảng dát đỏ, mụn mủ, loét da, bong vảy, có chỗ nứt da, rỉ dịch lan tỏa thân mình.
Bệnh nhân chưa có tiền sử dị ứng thuốc cũng như các bệnh lý mạn tính ở các cơ quan khác. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh mắc vảy nến (bội nhiễm) và dị ứng chưa xác định (theo dõi dị ứng thuốc nam). Bệnh nhân được chỉ định sử dụng kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, thuốc chống viêm. Hiện, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, tình trạng da cũng đã ổn định hơn rất nhiều.
Bé 7 tuổi tổn thương mặt nghiêm trọng vì bị chó cắn
Báo Pháp Luật Việt Nam thông tin, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bé trai 7 tuổi trong tình trạng tâm lý hoảng sợ, đa vết thương vùng đầu mặt do bị chó cắn.
Bác sĩ Lục Huy Bình, Khoa Ngoại tổng hợp - Liên chuyên khoa cho biết bệnh nhi bị nhiều vết thương rách phức tạp ở môi trên và dưới, các vết thương rách da gò má trái, các vết thương đỉnh đầu, các vết thương vùng đỉnh chẩm sâu sát xương, chảy máu, phần mép vết thương nham nhở dập nát, chảy máu bẩn vì bị chó cắn.
Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch giảm đau, băng rửa vết thương, phẫu thuật cấp cứu. Ekip phẫu thuật tiến hành cắt lọc tổ chức bị hoại tử, khâu tạo hình lại vết thương, tiêm huyết thanh và vaccine ngừa bệnh dại. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, vết thương khô, liền nhanh và chuẩn bị được xuất viện.
Đinh Kim(T/h)