Pháo tự chế phát nổ, thanh niên hỏng một bên mắt, nát hai tay
VTC News đưa tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cấp cứu một nam thanh niên 19 tuổi tên T.T.H ở Hải Dương bị chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ. Theo lời kể, nam thanh niên mua bột về tự chế pháo, không ngờ pháo tự chế đột nhiên phát nổ.
Ngay sau đó, thanh niên này được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, vết thương nhãn cầu trái, vết thương dập nát bàn tay 2 bên, bên phải cụt chấn thương ngón I, II, bên trái thì dập nát gãy hở xương đốt bàn ngón I, cụt chấn thương đốt 3 ngón II.
Do tình trạng vết thương bàn tay dập nát quá nặng, không có khả năng bảo tồn, các bác sĩ phải sửa mỏm cụt đến khối tụ cốt ngón I, II, sửa mỏm cụt đến đốt ngón III, IV, găm kim xương đốt bàn ngón I, III tay phải và găm kim xương đốt bàn, cắt cụt ngón I, sửa mỏm cụt đốt 3 ngón II cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng điều trị đa chấn thương vùng mặt, kết hợp xương nẹp vít xương hàm trên – gò má, đồng thời phối hợp với chuyên khoa mắt xử lý vết thương mắt bao gồm múc nhãn cầu trái, khâu bảo tồn nhãn cầu phải. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hiện tỉnh táo, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị ở khoa Phẫu thuật Tạo hình – Hàm mặt – Thẩm mỹ của Bệnh viện Việt Đức.
Bé 5 tuổi ngộ độc nặng vì dùng lá lộc mại chữa táo bón
Theo An Ninh Thủ Đô, ngày 13/12, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhi 5 tuổi tên L.T.V ở huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Được biết, bệnh nhi bị ngộ độc nặng phải nhập viện trong tình trạng đe dọa tử vong do dùng lá lộc mại chữa táo bón.
Bệnh nhi có tiền sử bệnh táo bón tái phát nhiều lần. Để chữa táo bón, người nhà đã hái lá lộc mại, sắc trong ấm để lấy nước cho bệnh nhi uống hàng ngày. Sau 3 ngày uống loại nước này, bệnh nhi xuất hiện biểu hiện vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, kèm theo đó là triệu chứng chóng mặt, chán ăn, nôn nhiều và đi ngoài phân lỏng. Gia đình thấy vậy đã đưa bệnh nhi đến bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tiểu ít, nước tiểu màu đỏ sẫm toàn bãi, kèm đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng nhiều lần, không ăn uống được, vàng da toàn thân. Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ chỉ định thở máy, truyền máu, bù dịch điện giải, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, truyền bù máu. Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, tình trạng ổn định.
Điều trị thành công cho bé sơ sinh bị bệnh đa hồng cầu
Theo báo Cần Thơ, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho một bé sơ sinh mắc bệnh máu đặc (tên gọi y khoa là bệnh đa hồng cầu). Được biết, bé sơ sinh mới được 1 ngày tuổi, là con của sản phụ T.T.B.M ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ).
Bệnh nhi bị suy hô hấp cáp, đỏ da, bú kém, được đưa vào điều trị hồi sức sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cứu Long ngày 23/11. Qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có hiện tượng cô đặc máu với chỉ số hematocrit 79%, bạch cầu máu tăng và phản ứng viêm tăng.
Bệnh nhi được chẩn đoán mắc suy hô hấp cấp, đa hồng cầu, nhiễm trùng sơ sinh. Ngay sau đó, bệnh nhi được can thiệp cho thở NCPAP, trích máu qua sonde tĩnh mạch rốn và truyền dịch. Sau khi được điều trị, tình trạng suy hô hấp cấp, cô đặc máu và nhiễm trùng cải thiện dần. Bệnh nhi hiện đã được các bác sĩ cho xuất viện.
Đinh Kim(T/h)