+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/5: Em bé nhập viện sau khi nuốt nhầm đinh ốc vít

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/5/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 13/5/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Em bé nhập viện sau khi nuốt nhầm đinh ốc vít

    Chiều 12/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh nhân là bé N.T.Đ. (gần 3 tuổi) nhập viện trong tình trạng quấy khóc và đau bụng, theo thông tin trên Tri Thức Trực Tuyến.

    Gia đình kể, trẻ rất hiếu động. Trước khi nhập viện khoảng 2 giờ, người thân phát trẻ nuốt nhầm đinh ốc vít. Thấy trẻ bắt đầu đau bụng từng cơn, quấy khóc, buồn nôn…, gia đình nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1352023 em be nhap vien sau khi nuot nham dinh oc vit
    Ảnh chụp X-quang phát hiện dị vật cản quang trong ống tiêu hóa cao của trẻ. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

    Theo bác sĩ CKI Phạm Thanh Thịnh, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, kết quả chụp X-quang cho thấy có một dị vật cản quang trong ống tiêu hóa cao của bệnh nhi, các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.

    Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dị vật đường tiêu hóa. Do đó, bệnh nhi được chăm sóc và theo dõi sát tình trạng bụng tại khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện. Đồng thời, bác sĩ chỉ định trẻ chụp X-quang nhiều lần để theo dõi sự di chuyển của chiếc đinh.

    Việc làm trên nhằm đề phòng các biến chứng thủng ruột hoặc nếu tình trạng này xảy ra, trẻ sẽ được phẫu thuật cấp cứu ngay. May mắn, sau 3 ngày, bệnh nhi đại tiện ra dị vật nên được xuất viện.

    Người đàn ông phát hiện mắc ung thư sau 6 tháng điều trị viêm mũi xoang

    VietNamNet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ của khoa đã mổ cho một bệnh nhân bị ung thư sàng hàm trái muộn. Đó là anh là Đ.N.P (43 tuổi, trú tại An Thạch, Cao Bằng), vào viện khám ngày 25/3.

    Theo người nhà, khoảng 6 tháng trước, bệnh nhân phát hiện đau nhức vùng mặt trái, ngạt tắc mũi không điển hình. Anh đã đi khám tai mũi họng, được chẩn đoán viêm mũi xoang, điều trị nhiều đợt không khỏi.

    Gần đây, bệnh nhân đau nhức mặt nhiều, sưng lệch hẳn một bên mặt trái, ngạt tắc mũi nhiều bên trái, thỉnh thoảng xì máu mũi, đau nhức nhiều bệnh nhân mất ngủ. Người bệnh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng khám, chẩn đoán ung thư sàng hàm lan rộng, chuyển viện lên Bệnh viện K.

    Tại đây, bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, làm xét nghiệm và chẩn đoán ung thư sàng hàm trái lan rộng và chuyển vào khoa Ngoại đầu cổ. Theo bác sĩ Dũng, đây là ca mổ phức tạp, nhiều nguy cơ trước, trong, sau mổ. Vì khối u kích thước lớn ăn xâm lấn phá hủy mặt trước xoang hàm, xâm lấn cơ...

    Khi mổ, bác sĩ phải cắt nửa mặt khiến các phần cơ xâm lấn gây khuyết hổng lớn, nguy cơ tụt nhãn cầu, ảnh hưởng thị lực, biến dạng mặt. Đặc biệt, bệnh nhân có nguy cơ chảy máu trước, trong, sau mổ lớn vì khối u lớn, tăng sinh mạch nhiều, vị trí phẫu thuật khó do hốc mổ nằm sâu, trường mổ hẹp phải mổ kết hợp cả 2 đường: đường mổ cạnh mũi và nội soi.

    Ngày 15/4, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt rộng u, tạo hình bằng lưới Titan, vạt rãnh mũi má. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, ổn định, mạch, huyết áp bình thường, đang nuôi dưỡng qua sonde dạ dày.

    Phẫu thuật cho bé 10 tuổi bị u tiểu não kích thước lớn

    Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi trong tình trạng yếu 2 chi dưới, không đi lại bình thường, đau đầu và phản ứng chậm khi có người gọi, hỏi.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1352023 em be nhap vien sau khi nuot nham dinh oc vit1
    Hình ảnh khối u tiểu não trên phim cộng hưởng từ. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

    Bệnh nhi được chụp CT sọ não, kết quả xác định bị u tiểu não kích thước lớn (7x8 cm), gây giãn não thất khiến ý thức của người bệnh giảm dần. Các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa và mổ cấp cứu đặt van dẫn lưu não thất - ổ bụng để giảm áp lực trong sọ cho bệnh nhi. Sau mổ, bệnh nhi đã tỉnh hơn, có thể ngồi được.

    Theo chia sẻ của bác sĩ, u tiểu não (còn gọi là u hố sau) nằm ở phía sau đầu, vùng chẩm, dưới lều tiểu não. Đây là loại u não phổ biến nhất trong các loại u não thường gặp ở trẻ em.

    U tiểu não thường xuất hiện từ lâu trước khi có biểu hiện phải đi viện thăm khám. Do đó, khi phát hiện, khối u thường đã có kích thước lớn.

    Các biểu hiện thường thấy của u tiểu não gồm đau đầu vùng chẩm, nôn, đi lại loạng choạng, yếu tay chân... U có thể lành tính hoặc ác tính. Phẫu thuật cắt u là bước quan trọng và bắt buộc với hầu hết trường hợp.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-13-5-2023-em-be-nhap-vien-sau-khi-nuot-nham-dinh-oc-vit-a575252.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan