Mắt mờ như có sương mù bao phủ sau khi bị bóng đập trúng đầu
Báo Người Lao Động đưa tin, đến ngày 10/5, sau gần 1 tuần được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cứu chữa mắt sau tai nạn, anh T.V.P. (34 tuổi, ở Đồng Nai) mới thấy đường trở lại, không còn đau nhức, màng sương mù biến mất. Anh có thể tự lái xe đi làm, chơi thể thao bình thường trở lại.
Trước đó, chiều ngày 4/5, trong lúc cùng bạn chơi đá banh, anh P. bị bóng bay đập vào đầu, ngã ra sân. Loạng choạng đứng dậy nhìn mọi vật xung quanh, anh thấy mắt mờ như có sương mù bao phủ và gọi điện nhờ người nhà đưa về vì không thấy đường đi. Về tới nhà, theo dõi mắt hơn 2 giờ cũng không thấy hồi phục như bình thường, anh nhanh chóng đi bệnh viện khám.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, qua kiểm tra chụp đáy mắt, đo nhãn áp..., các bác sĩ phát hiện anh P. bị viêm màng bồ đào trước như nhãn áp giảm, con ngươi co nhẹ, cương tụ rìa xung quanh giác mạc, khu mống mắt có tế bào viêm. Do những tế bào phản ứng viêm khiến anh nhìn mọi vật xung quanh như có sương mù bao phủ.
Anh P. được kê thuốc uống giảm viêm, thuốc kháng khuẩn, điều trị các tổn thương mắt... và đến nay mới hồi phục, nhìn rõ.
Theo ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng, Chuyên khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chấn thương ở mắt có thể gặp trong nhiều tình huống khác nhau.
"Viêm màng bồ đào trước cần được điều trị sớm, tránh biến chứng ở mắt như: dính đồng tử, bít đồng tử, tăng nhãn áp, bong võng mạc, teo nhãn cầu, nguy cơ cao bị mù lòa", bác sĩ Tùng khuyến cáo.
Hai người bị viêm màng não sau khi ăn tiết canh
Theo Tri Thức Trực Tuyến, ông Y.T.B. (trú tại xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) nghĩ lợn nhà nuôi và tự làm thịt sẽ đảm bảo vệ sinh nên đã ăn tiết canh lợn khi đi dự đám giỗ ở xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột).
Sau khi ăn tiết canh vào buổi trưa, đến tối, người đàn ông bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, ù tai và dùng thuốc nhưng không thuyên giảm. Ngày 4/5, ông B. nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt, nhiễm trùng, theo dõi quai bị, theo dõi viêm tai giữa trên nền đái tháo đường type 2.
Đến ngày 6/5, kết quả xét nghiệm vi sinh cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptocotus Suis. Người bệnh được chẩn đoán viêm màng não mủ do Streptocotus Suis.
Một trường hợp khác cũng mắc bệnh liên cầu lợn là bệnh nhân P.K.T. (trú tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 2/4, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, kèm đau đầu, đi khám và điều trị tại cơ sở y tế tư nhân ở Đắk Lắk. Sau đó, người nhà xin cho bệnh nhân về.
Ngày 5/4, người bệnh sốt cao kèm lơ mơ, người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ea H’Leo khám và điều trị. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán sốc chưa rõ nguyên nhân, theo dõi viêm gan cấp.
Tới ngày 11/4, người nhà xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với chẩn đoán mắc viêm màng não do Streptocotus Suis. Sau 3 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân lại được chuyển về và tiếp tục điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Ngày 26/4, bệnh nhân được xuất viện với chẩn đoán viêm màng não do Streptocotus Suis. Bệnh nhân kể, trước khi xuất hiện các triệu chứng đã ăn tiết canh dê tại một quán nhậu.
Người phụ nữ có khối u xơ thần kinh “khổng lồ” vùng đầu
Ngày 10/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ đã bước đầu phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân tên P. (40 tuổi, Thái Bình) có khối u xơ thần kinh khổng lồ vùng đầu.
Theo đó, người bệnh có khối u trên mặt từ nhiều năm nay nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên không đi khám. Khối u ngày càng phát triển, khiến mũi và môi trên phì đại hơn 10 lần. Quá nửa mặt phát triển thành một khối u to như thêm phần đầu thứ 2. Toàn bộ nhãn cầu, ổ mắt bị đẩy lồi rơi hẳn ra ngoài cùng các mạch máu.
Bệnh nhân được người nhà đưa đến viện khi khối u gây sưng đau, căng tức như sắp vỡ. Được biết, trong gia đình bệnh nhân, cả 3 anh chị em đều bị căn bệnh nan y, với đầy các khối u ở khắp cơ thể.
Báo Giao thông dẫn lời PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: "Người bệnh bị bệnh u xơ thần kinh khổng lồ vùng đầu mặt trái. Khối u bẩm sinh ngoài việc phát triển rầm rộ ra bên ngoài còn làm tiêu cả 1 phần lớn xương cánh bướm của hộp sọ và ổ mắt. Một phần lớn khối u từ não phát triển ra ngoài làm cho nhãn cầu rơi ra khỏi ổ mắt, khối u thông thương trực tiếp với não bộ”.
Do đặc thù có loại u khổng lồ này, u được cấp máu bằng một loạt hệ thống mạch máu chằng chịt trong và ngoài sọ làm khối u lúc nào cũng đập theo nhịp mạch và luôn nóng hơn các vùng khác trên cơ thể 1-2 độ C làm cho khả năng điều trị rất khó khăn. Khi phẫu thuật có thể tiềm ẩn nguy cơ chảy máu chết người ngay trong mổ hoặc viêm màng não hay dò dịch não tủy nhiễm trùng nặng sau mổ.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa toàn bệnh viện, các chuyên gia bàn bạc kỹ càng tỉ mỉ, quyết định điều trị phẫu thuật với nhiều giai đoạn để đảm bảo tối đa sự an toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Trong lần mổ đầu tiên, các bác sĩ tạo hình hàm mặt sẽ phải tính toán để có thể cắt được 70 - 80% khối u mà không để mất máu quá nhiều, tiếp theo các bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ phải bóc tách khối u ra khỏi tổ chức não bộ, đặt các tấm meche nhân tạo để hạn chế tổ chức não không phát triển ra ngoài khối u.
Sau đó, các bác sĩ tạo hình thẩm mỹ sẽ tìm cách cầm máu và đóng kín, khâu tạo hình lại được tổn thương. Ca mổ kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ. Do không được phép nút động mạch cảnh trong là động mạch cấp máu cho não bộ nên trong khi mổ, mỗi lần rạch da, máu từ phía dưới trào ra nhiều, các bác sĩ đã phải rất vất vả để cầm máu từng cm một.
Để đảm bảo an toàn cho ca mổ, các bác sĩ Trung tâm gây mê hồi sức đã phải sử dụng các hệ thống máy móc tối tân từ khâu đặt nội khí quản cực khó đến theo dõi hồi sức trong và sau mổ.
Sau hơn 2 tuần theo dõi chăm sóc hậu phẫu tích cực, người bệnh đã có thể tự ăn uống qua miệng, tự ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng. Phần lớn khối u đã được cắt bỏ, vết thương đang được chăm sóc thay băng chờ hồi phục trước khi có thể tiến hành phẫu thuật tiếp phần môi, mũi còn lại.
Đinh Kim(T/h)