Phát hiện bị ung thư sau 6 tháng xuất hiện khối sùi loét trong miệng
Theo VietNamNet, ngày 11/5, bác sĩ CKII Nguyễn Quốc Dũng - khoa Phẫu thuật Đầu mặt cổ Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công trường hợp ung thư lợi hàm dưới.
Bệnh nhân là ông N.V.N. (71 tuổi, trú ở Nam Định), vào viện trong tình trạng u to lấp đầy miệng khiến người bệnh không ăn uống được. 6 tháng trước, bệnh nhân thấy trong miệng xuất hiện khối sùi loét, đau, ăn uống vướng nhưng nghĩ bị nhiệt miệng nên không khám.
2 tuần trước khi nhập viện, khối u phát triển nhanh khiến bệnh nhân không ăn, không nói được, thỉnh thoảng chảy máu qua đường miệng. Người nhà đã đưa đi khám tại tuyến dưới. Bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị ung thư nên chuyển tuyến lên Bệnh viện K.
Các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân mắc ung thư lợi hàm dưới, có tiền sử hút thuốc lá và uống rượu nhiều năm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để xử lý vét hạch cổ, cắt rộng u, cắt đoạn xương hàm dưới, tạo hình.
Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Bác sĩ Dũng cho biết, dự kiến sau 10 -14 ngày bệnh nhân sẽ chuyển điều trị xạ trị bổ trợ, tái khám định kỳ theo hẹn.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, hút thuốc lá và uống rượu là những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư lợi nói riêng và các loại ung thư đầu cổ nói chung. Ngoài ra, thói quen xấu như vệ sinh răng miệng kém, răng lệch lạc,... có thể gây nên những tổn thương cơ học trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
Cấp cứu nam thanh niên bị 3 cọc sắt đâm xuyên người
Chiều ngày 11/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa cấp cứu thành công cho một nam bệnh nhân sinh năm 1984 bị tai nạn lao động với tổn thương lớn, nguy kịch, theo TTXVN.
Bệnh nhân ngã từ tầng 5 của một ngôi nhà xuống cột sắt chờ đổ bê tông trong tư thế nằm sấp, bị 3 cọc sắt xoắn phi 14 đâm xuyên từ bụng qua vùng hạ vị, mông và tới đùi cẳng chân trái. Tại hiện trường, bệnh nhân đã được dùng cưa cắt đứt 3 cọc sắt để hạ xuống và đưa vào cấp cứu tại bệnh viện.
Bệnh nhân đang làm nghề xây dựng tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Ngay sau khi bị tai nạn, bệnh nhân được đưa đến sơ cứu tại bệnh viện ở cơ sở, sau đó chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở giờ thứ 3 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, đau nhiều, tư thế nằm sấp do các thanh sắt đâm xuyên nhiều vị trí trên cơ thể làm cố định tư thế người, mông và chân.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, toàn bộ kíp trực ngoại đã tổ chức hội chẩn cấp cứu và lập tức chuyển bệnh nhân đến phòng mổ. Kíp cấp cứu, phẫu thuật có sự tham gia của nhiều chuyên khoa: Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu, Phẫu thuật mạch máu, chấn thương tiến hành xử trí cấp cứu.
Kíp cấp cứu cho biết, vết thương của bệnh nhân xuyên thấu tầng sinh môn, tổn thương cơ thắt hậu môn và dưới trực tràng, xuyên thủng bàng quang; xuyên thấu từ đùi lên vỡ chỏm xương đùi thủng trần ổ cối; xuyên thấu cẳng chân qua đùi trái.
Trong cuộc phẫu thuật, kíp gây mê đã đặt ống nội khí quản thành công trong hoàn cảnh bệnh nhân phải giữ nguyên tư thế nằm sấp trên cáng.
Kíp phẫu thuật mạch máu tiến hành phẫu thuật bộc lộ rõ động, tĩnh mạch chậu ngoài và động, tĩnh mạch đùi; kiểm soát và tách rời các mạch máu lớn ra khỏi thanh kim loại để đảm bảo khi rút không gây tổn thương thêm các mạch máu.
Theo các bác sĩ, nếu không thực hiện được việc này, các mạch máu lớn sẽ bị tổn thương khi rút thanh kim loại ra khỏi cơ thể, gây chảy máu lớn, có thể làm bệnh nhân tử vong, vì thanh kim loại đã nằm sát các mạch máu lớn trên 1 đoạn dài khoảng 10 cm.
Sau khi xử trí rút các thanh sắt ra khỏi cơ thể, kíp phẫu thuật khâu vết rách lớn mặt trước bàng quang và dẫn lưu bàng quang; phẫu thuật mở bụng kiểm tra toàn bộ các tạng trong ổ bụng và làm hậu môn nhân tạo đại tràng xuống.
Kíp cũng phẫu thuật lấy mảnh xương vỡ trần ổ cối bên trái, rạch rộng để ngỏ vết thương và sẽ tiếp tục xử trí tổn thương xương khớp trong thời gian tiếp theo. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định và sẽ tiếp tục được điều trị tổn thương xương trong thời gian tới.
Trực tiếp tổ chức và tham gia ca phẫu thuật, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn -Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa kiêm Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa cho biết, điểm đặc biệt của ca phẫu thuật này là bệnh nhân bị vết thương rất nặng và phức tạp, đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và bất động tuyệt đối trong tư thế nằm sấp, gây khó khăn trong suốt quá trình cấp cứu. Khi phẫu thuật, kíp thực hiện đã cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trong từng giai đoạn.
“Ca phẫu thuật có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Do tiên lượng được các tổn thương có thể xảy ra khi di chuyển, thay đổi tư thế bệnh nhân, đặc biệt là tổn thương các mạch máu lớn có thể gây tử vong, nên kíp phẫu thuật đã sắp xếp để từng chuyên khoa thực hiện thao tác, đảm bảo không gây ra bất cứ tổn thưởng nào khi lấy bỏ các thanh sắt”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Nối cổ tay và ngón tay cho 2 người gặp tai nạn lao động
Bệnh viện Đa khoa Khánh Hóa cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công cho hai người bị tai nạn lao động, trong đó, 1 người bị đứt lìa cổ tay, 1 người bị đứt lìa ngón tay, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Cụ thể, do sơ xuất trong lúc lao động, nam bệnh nhân C.X.D (ở Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa) bị máy ép phế liệu cắt đứt lìa cổ tay phải. Lúc nhập viện cấp cứu, bệnh nhân bị dập và đứt hệ thống gân, mạch máu và xương cổ tay phải.
Xác định đây là ca tai nạn lao động nghiêm trong, các y bác sĩ giàu kinh nghiệm của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu, cắt lọc, bỏ những bộ phận bị tổn thương nặng. Sau đó tiến hành nối xương, gân…cố định lại cổ tay cho bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật, đến nay, các dấu hiệu hồi phục tiến triển tốt.
Bệnh nhân thứ 2 cũng là nam (trú tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), trong lúc phát quang cây cối, không may lia dao vào tay, làm đứt lìa ngón tay út của bàn tay trái. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện.
Tại đây, các y bác sĩ đã tiến hành nối mạch máu, nối xương và gân bị đứt. Sau ca phẫu thuật, ngón tay được nối lại của bệnh nhân đang dần hồi phục, không có biến chứng xảy ra.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, các tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn thường xảy ra do sự bất cẩn, vậy nên người lao động cần cẩn thận khi sử dụng máy móc, dao…Trong một số trường hợp cần sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động.
Khi bệnh nhân bị đứt lìa cổ tay, ngón tay…, các thao tác nối lại rất khó, cần sự cẩn trọng của y bác sĩ giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, thời gian vàng để khâu nối bộ phận cơ thể bị đứt lìa là 6-7 tiếng. Vì vậy, khi người dân bị tai nạn lao động cần được đưa đến cơ sở y tế càng nhanh càng có lợi.
Đinh Kim (T/h)