Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 12/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nặn mụn trên mặt, thiếu nữ nhiễm trùng não nguy kịch
Hình minh họa. |
Theo Daily Mail, thiếu nữ họ Yang, người Trung Quốc cảm thấy đau dưới da quanh mắt phải ngay sau khi nặn mụn. Vài ngày sau, cô gái đã được đưa tới một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang vì sốt cao, mắt sưng mọng.
Vụ việc của Yang được nhiều người biết khi gia đình đưa cô tới bệnh viện số 2 Ninh Ba, thành phố Ninh Hải, Trung Quốc.
Thiếu nữ này được chẩn đoán là nghẽn mạch xoang hang phía sau hố mắt phải. Huyết khối có thể phát triển khi một ổ nhiễm trùng lan tới xoang hang từ mũi, tai hoặc răng. Tình trạng này có thể đe doạ tính mạng dù được chữa trị ngay.
Các bác sĩ cho hay, ổ nhiễm trùng của Yang phát triển sau khi cô nặn mụn ở chóp mũi, một phần của khu vực “Tam giác tử thần”. Vùng nguy hiểm này bao phủ từ chóp mũi tới hai bên miệng, những nơi mụn thường xuất hiện.
Yang trong tình trạng nghiêm trọng khi được đưa tới viện, bác sĩ Han Kun, Phó khoa Thần kinh bệnh viện cho hay. Yang liên tục sốt 39 độ và có dấu hiệu viêm màng não.
Các bác sỹ cho hay, sinh mạng của cô gái này có thể bị đe doạ nếu tình trạng xấu đi. May mắn thay, sau khi dùng kháng sinh, tình trạng của Yang đã ổn định và đang phục hồi.
Học sinh lớp 12 ở Lâm Đồng dương tính với bạch hầu
Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng. (Ảnh: VTC News) |
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng cho biết trên VTC News, viện Pasteur TP.HCM đã thông báo kết quả xét nghiệm PCR một bệnh nhân dương tính với bạch hầu.
Đó là học sinh lớp 12 thuộc trường THPT Đạ Tông. Bệnh nhân ở thôn Đa Tế, xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông. Đây là ca bệnh bạch hầu thứ 2 ở Lâm Đồng.
Học sinh này từng đến khám tại trung tâm Y tế huyện Đam Rông với các triệu chứng như đau rát họng, nuốt đau, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, phát âm khó... Bệnh nhân nhập viện tại khu cách ly khoa Nội tổng hợp - Nhi - Truyền nhiễm.
CDC Lâm Đồng đã chuyển mẫu phết họng của bệnh nhân về viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm.
Nhận được thông tin bệnh nhân dương tính với bạch hầu, cơ quan y tế Lâm Đồng điều tra dịch tễ, lên danh sách 11 người tiếp xúc gần, gồm bố, mẹ, 2 em ruột của bệnh nhân và 7 nhân viên y tế. Đồng thời cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho những người có triệu chứng nghi ngờ; điều trị kháng sinh dự phòng cho những người có tiếp xúc với bệnh nhân.
Cơ quan y tế cũng phun hóa chất khử khuẩn tại nhà bệnh nhân, những ngôi nhà lân cận, Trung tâm Y tế huyện, trường THPT Đạ Tông, nhà thờ ở thôn 2.
Chậm kinh 20 ngày, người phụ nữ đi khám phát hiện căn bệnh nguy hiểm
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật lấy thai cho sản phụ. (Ảnh: Vietnamnet) |
Mới đây, thông tin từ bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho một sản phụ chửa kẽ vòi tử cung góc trái. Theo đó, sản phụ là chị P.T.C., bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức vùng bụng, chậm kinh 20 ngày.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và siêu âm đầu dò âm đạo, các bác sĩ phát hiện chị C. có khối thai tương đương 6 tuần 2 ngày, tăng sinh nhiều mạch máu trên siêu âm Doppler. Tuy nhiên, khối thai không nằm trong tử cung mà nằm ở đoạn kẽ vòi tử cung trái, là phần vòi trứng còn nằm trong lớp cơ của tử cung.
Ngay lập tức, sản phụ được chỉ định làm xét nghiệm, chẩn đoán chửa kẽ vòi tử cung trái. Các bác sĩ cho biết, nếu không được mổ kịp thời, đoạn kẽ sẽ vỡ và chảy máu ồ ạt trong bụng, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi, xẻ góc trái tử cung, lấy khối chửa và khâu cầm máu, bảo tồn tử cung cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị, theo dõi tại Khoa Sản Nhiễm khuẩn. Các bác sĩ cho biết, sau khi hồi phục, người bệnh có thể mang thai tự nhiên và sinh con bình thường.
Trao đổi với Vietnamnet, TS.BS Trần Quốc Tuấn - Phó trưởng khoa Sản Nhiễm khuẩn cho biết, chửa ngoài tử cung (hay thai lạc chỗ) là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài buồng tử cung.
Theo bác sĩ Tuấn, trong số các ca chửa ngoài tử cung, có hơn 95% trường hợp xảy ra ở ống dẫn trứng (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo) và 5% trường hợp xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó. Tỉ lệ mắc chửa kẽ tử cung rất thấp, trung bình khoảng 200.000 phụ nữ mang thai mới có 1 người mắc.
Tình trạng viêm nhiễm phụ khoa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chửa kẽ tử cung, việc thụ thai xảy ra ở vị trí bất thường. Ngoài ra,còn một số nguyên nhân khác như sản phụ có tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng chậu trước đó; sản phụ lớn tuổi; sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản...
Việt Hương (T/h)