Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/11/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 12/11/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bé 11 tuổi thủng dạ dày do ăn nhiều đồ cay
Tình trạng của bệnh nhi đã ốn định sau phẫu thuật. (Ảnh: Công lý) |
Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho bé trai Đ.T.D. (11 tuổi, ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Gia đình bệnh nhi cho hay, trước đó, sau khi ăn tối bé D. xuất hiện đau quặn bụng dữ dội quanh rốn, sau lan ra khắp bụng; nôn 3 lần ra dịch tiêu hóa.
Gia đình đưa con đến cấp cứu tại trung tâm Y tế Thị xã Đông Triều, sau đó, trẻ được chuyển bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí.
Qua thăm khám và kết quả chụp X-quang bụng với hình ảnh thủng tạng rỗng, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bệnh nhi. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện mặt trước hành tá tràng có một lỗ thủng đường kính khoảng 0,7cm.
Theo chia sẻ của mẹ cháu D., ở nhà con có chế độ học tập, sinh hoạt điều độ. Tuy nhiên, trong các bữa ăn hàng ngày, D. thường xuyên ăn món cay.
Theo các bác sĩ, thói quen ăn đồ cay nóng như tương ớt, gà chiên cay, mì cay… ăn nhanh không nhai kỹ, ăn không đúng bữa, bỏ bữa, sinh hoạt, ăn ngủ không điều độ là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm loét, thậm chí là thủng dạ dày, tá tràng tương tự như bệnh nhi trên.
Bé 3 tuổi lá lách nặng hơn 3kg phải cắt bỏ
Lá lách nặng hơn 3kg sau khi được cắt bỏ. (Ảnh: SK&ĐS) |
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình vừa cắt bỏ lá lách cho bệnh nhi C.N.T. (3 tuổi ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa).
Bệnh nhi này có lá lách quá to, nặng hơn 3kg, trong khi đó, trọng lượng bé là 13kg, chiếm gần 1/4 trọng lượng cơ thể nên buộc phải cắt bỏ.
Cháu bé bị bệnh lý Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh do khiếm khuyết yếu tố ổn định huyết sắc tố), đã điều trị hơn 2 năm.
Sau phẫu thuật, tình hình sức khỏe của bé ổn định và đã xuất viện về nhà.
Sau bữa nhậu thịt chó, người đàn ông Bắc Ninh tử vong
Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị 4 trường hợp ở Bắc Ninh ngộ độc cồn công nghiệp methanol từ tuyến dưới chuyển lên.
Đây là trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân 32 tuổi, nhập viện ngày 3/11 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, glasgow 7 điểm, huyết áp tụt.
Trước đó 3 ngày, bệnh nhân có mua rượu cùng thịt chó về ăn uống với 3 người bạn khác cùng phòng trọ. Rượu được mua ở một cửa hàng tạp hóa, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. 3 người bạn sau đó cũng có biểu hiện ngộ độc, được theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên sau đó cũng chuyển lên bệnh viện Bạch Mai, hiện đã được xuất viện.
Xét nghiệm của bệnh nhân 32 tuổi cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Trong khi bình thường ở ngưỡng 20mg/dL đã đe doạ tổn thương thần kinh, trên 50mg/dL đã có nguy cơ tử vong.
Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương não rất nặng, mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng bệnh nhân đến viện muộn, tiên lượng rất dè dặt nên sau 3 ngày điều trị, gia đình đã xin về, tử vong tại nhà.
Theo các bác sĩ, người bình thường nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm methanol sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, tử vong.
Khi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Ca ngộ độc methanol nặng nhất từ trước đến nay lên tới 687mg mathanol/dl.
Việt Hương (T/h)